Những nông dân tiên phong ở Đức Phổ

09:06, 11/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Họ là những nông dân đã mạnh dạn đưa những giống cây trồng, vật nuôi mới về vùng đất quê mình. Bằng sự cần cù, chịu khó họ đã thành công với mô hình sản xuất mới chỉ trong một thời gian ngắn.

Thanh long phủ xanh cát trắng

 Vùng đất cát xã Phổ Vinh (Đức Phổ) xưa nay nổi tiếng là xứ sở của cây mía. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, giá mía sụt giảm, chi phí đầu tư cao, khiến nhiều nông dân không còn mấy mặn mà. Tuy nhiên để phá thế độc canh của cây mía ở “xứ sở mía đường” là điều không hề dễ dàng đối với vùng đất thiếu nước tưới này.

Từ một hộ là ông Văn Công Thanh, đến nay ở xã Phổ Thạnh đã có nhiều hộ đầu tư nuôi hàu Thái Bình Dương.
Từ một hộ là ông Văn Công Thanh, đến nay ở xã Phổ Thạnh đã có nhiều hộ đầu tư nuôi hàu Thái Bình Dương.


Bài toán trồng cây gì, nuôi con gì cho có hiệu quả vẫn là câu chuyện nan giải đối với nhiều nông dân xã Phổ Vinh. Một trong những người tiên phong, mạnh dạn đưa cây thanh long ruột đỏ về Phổ Vinh là ông Nguyễn Tăng Mậu ngụ thôn Trung Lý. Thanh long bén duyên với ông được gần 4 năm, cũng là chừng ấy thời gian ông thu được “quả ngọt” trên mảnh đất khô cằn của mình.

Tỉ mẩn thu hoạch thanh long sum xuê quả, ông Mậu vui vẻ cho hay: “Số là một lần xem chương trình “Đấu trường 100” trên tivi, tôi tình cờ biết đến cây thanh long ruột đỏ. Thấy nó khá hấp dẫn, muốn trồng quá! Mình đọc tài liệu tham khảo thêm, tìm nguồn giống và kỹ thuật trồng, rồi cất công lặn lội vào tận Đồng Nai để học hỏi qua một người quen. Mới đầu trồng thử nghiệm, tìm đầu ra, sau đó nhân lên đại trà”.

Đất không phụ người, sau gần 4 năm trồng, đến nay ông Mậu đã sở hữu vườn thanh long 200 gốc trên diện tích 600 m2, thời gian thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 10 hằng năm. Với giá bán 22.000 đồng/kg thanh long như hiện nay, mỗi năm ông Mậu thu về khoảng 70 triệu đồng. Từ một diện tích rất nhỏ đã mang lại hiệu quả lớn. Hiện tại chưa có loại cây nào mang lại hiệu quả như cây thanh long ở vùng quê ông Mậu.

Hàu – vật nuôi của người nghèo

Hàu Thái Bình Dương (TBD) chỉ mới bén duyên với người dân ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) hơn một năm nay, nhưng đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nhiều hộ dân có hướng phát triển kinh tế bằng nghề nuôi thủy sản. Sở dĩ nhiều người hay ví von nó là con vật của người nghèo, vì nuôi hàu đầu tư kinh phí rất thấp, lại mang lại giá trị kinh tế khá cao.

Người đầu tiên khởi nghiệp với mô hình nuôi hàu TBD là ông Văn Công Thanh ở thôn Thạnh Đức 2. Từ diện tích nuôi chỉ 50m2 (khoảng 12.500 con), tận dụng nguồn nước thiên nhiên sẵn có, ông mở rộng quy mô lên 300m2. Ông Thanh chia sẻ: “Mình thai nghén nghề nuôi hàu TBD từ lâu, nhưng lại lúng túng trong việc tìm nguồn giống, kỹ thuật nuôi... Tháng 4.2013, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, mình tiến hành nuôi thí nghiệm. Chỉ sau 6 tháng thả nuôi, đầu tư không quá 5 triệu đồng, đã thu lãi ròng 25 triệu đồng. Một vốn bốn lời nên bà con xung quanh ai cũng ngạc nhiên. Vụ này mình mở rộng quy mô. Còn một tháng nữa là thu hoạch, hứa hẹn thu lợi nhuận cao”.

Từ một hộ đầu tiên là ông Thanh, đến nay xã Phổ Thạnh đã có khoảng 10 hộ đầu tư nuôi hàu TBD dưới chân cầu Thạnh Đức. Đây là địa điểm khá lý tưởng, ít sóng gió, nguồn nước giao thoa lên xuống thường xuyên nên rất sạch.
Trao đổi về vấn đề nuôi hàu, bà Trương Thị Mỹ Hạnh - cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông huyện Đức Phổ cho biết: “Vốn đầu tư nuôi hàu TBD rất ít nên hộ nghèo ít vốn cũng nuôi được. Hàu TBD ăn những phù du sống trong nước nên nó được ví như chiếc “máy lọc nước”, làm cho môi trường sạch hơn. Với giá bán 32.000 đồng/kg, nuôi hàu TBD thật sự là nghề mới hiệu quả cho nhiều bà con miền biển”.

Bài, ảnh : NGỌC VIÊN

 


.