(Báo Quảng Ngãi)- Cây keo đã tạo nguồn dăm gỗ xuất khẩu, hằng năm đem lại nguồn thu lớn cho nhiều hộ dân Quảng Ngãi. Nhưng cũng từ việc trồng keo ồ ạt thiếu quy hoạch, thiếu quy trình kỹ thuật khai thác... dẫn đến môi trường bị tàn phá nghiêm trọng, đang là mối lo ngại ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Kỳ 1: Hủy hoại môi trường sinh thái
|
Trên đường lên huyện miền núi Ba Tơ, đi ngang qua khu vực đèo Đá Chát vùng giáp ranh giữa huyện miền núi Ba Tơ với Nghĩa Hành, Đức Phổ hay về huyện miền núi Minh Long, qua khu vực xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) Long Mai (Minh Long) sẽ chứng kiến nhiều khu đồi keo sau thu hoạch trơ ra những đá là đá.
Nhiều hộ trồng keo ở các xã Long Mai, Thanh An (Minh Long) cho biết, sau thu hoạch keo, đất bị xói mòn nghiêm trọng. Có người giải thích: "Cây gỗ keo có sức sống dữ lắm. Hễ cắm được xuống đất là cây keo lớn nhanh nên mình cứ việc chọn những nơi đất chưa lộ đá mà trồng. Thậm chí, nơi nào đất bào mòn hết thì cũng cố "cắm" cây xuống rồi lấy đá chất bao quanh. Mưa xuống, đất ở phía trên đồi trôi xuống tụ lại cây sẽ bén rễ".
Cái "lý" trồng cây bất chấp xói mòn đất đai của nhiều hộ trồng rừng đã làm cho đất rừng ngày càng bị bào mòn nghiêm trọng hơn. Và chuyện đồi đất biến thành đồi đá là điều không tránh khỏi.
Nhiều đồi keo đã bị sạt lở mất đất, phá vỡ hệ sinh thái rừng. |
Tại khu đồi nằm ở Km số 8 Quốc lộ 24, và ở nhiều địa phương như xã Ba Động, Ba Thành, Ba Giang... (Ba Tơ) hay Sơn Hạ, Sơn Ba... (Sơn Hà), Long Mai, Long Sơn... (Minh Long) ngày trước "rừng che bộ đội" và bên dưới là những cánh đồng phì nhiêu. Nay, thay vào đó là những rừng keo mà sau khi thu hoạch đã bị mưa bào mòn, trơ ra những đồi đá. Nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, cử tri đã phản ánh về môi trường bị tàn phá do trồng keo. Thế nhưng, vẫn chưa có giải pháp khắc phục.
"Đường keo" - "đường nước"
Cây keo bây giờ không chỉ được trồng ở đồi thấp mà còn "liên thông" lên các núi cao. Đến kỳ thu hoạch, công việc đầu tiên là các chủ hộ, chủ dự án trồng keo thuê xe lên mở đường. Thế là những con đường ngang dọc trên núi hình thành. Mưa xuống, theo những con đường này nước từ trên đỉnh núi ào xuống cuốn theo đất đá trên đồi nên sự bào mòn núi nhanh và khủng khiếp hơn.
Ông Võ Đình Tiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long cho biết, đã nhiều lần huyện chỉ đạo các xã thông báo cho những hộ dân, tổ chức khai thác keo, không được mở đường tràn lan, chia cắt quả đồi, ảnh hưởng môi trường. Tuy vậy, đó cũng là nhắc nhở chứ chưa có biện pháp xử lý nghiêm túc, nên đến mùa khai thác, những con đường vận chuyển keo lại mở tăng thêm.
Ở huyện miền núi Ba Tơ, những con đường keo càng chằng chịt hơn. Những quả đồi cao như đồi Kiến, đồi Cây Xoài, núi Dốc Đứng, Hố Bay... hay những quả đồi vùng Tân Long Thượng xã Ba Động, Ba Xa, Ba Ngạc, Ba Tô và các huyện miền núi khác, cứ mỗi mùa thu hoạch keo là có những con đường mới. Mùa mưa lũ, nước từ trên những ngọn núi ào xuống qua đồi trọc, qua những "con đường keo" dẫn đến sạt lở đất nhanh hơn và sông, suối nước dâng lên đột ngột. Còn mùa nắng càng gay gắt hơn.
Nhìn vào kết quả trồng rừng hằng năm của Sở NN&PTNT cho thấy, độ che phủ của rừng năm sau tăng hơn năm trước. Nhưng con số này không đem lại sự lạc quan về môi trường. Bởi một chu kỳ của cây keo từ 5 - 7 năm. Sau khai thác, rừng trở thành đồi trọc. Chưa kể keo do dân trồng, vì đời sống khó khăn, họ thu hoạch trước chu kỳ, dẫn đến đồi ngày càng "trọc" hơn. Sau nhiều chu kỳ trồng và khai thác keo, môi trường lại bị ảnh hưởng.
Ám ảnh sa bồi và khô hạn khốc liệt
Cơn lũ lịch sử xảy ra ở Quảng Ngãi vào cuối năm 2013 đã đi qua hơn sáu tháng. Tuy nhiên, đến bây giờ, ở nhiều địa phương trong tỉnh, dấu vết của trận lũ lịch sử vẫn còn. Tại cánh đồng Mang K'Rá xã Ba Xa (Ba Tơ), những cây to cả người ôm bị lũ cuốn trôi cùng với đất, cát, đá tấp, lấp cả những dãy ruộng dài. Dòng sông Re, qua những cơn mưa lớn, nước từ các dãy núi "trọc" ào xuống gây nên cảnh lũ quét dọc triền sông và xẻ cánh đồng ra làm ba phía. Già Phạm Văn Xí xã Ba Xa thở dài: "Ngày trước, mùa mưa về, nước cũng lớn, cũng dâng cao, nhưng đâu chảy xiết như bây giờ. Sau mưa lũ, đồng đọng phù sa nên cấy sạ lúa lên xanh tốt. Còn giờ thì lũ muốn... "bứng" cả cánh đồng này đi luôn.
Ở huyện Nghĩa Hành, hậu quả của cơn lũ hồi trung tuần tháng 11 năm 2013 đến nay vẫn còn nhiều cảnh đá chồng lên đá xóa luôn cả đất sản xuất của dân. Gần 3ha keo, 3 năm tuổi của ông Hồ Thanh Bộ thôn Long Bình xã Hành Tín Tây bị mưa lũ, sạt núi cuốn hết phân nửa. Ông Bộ ngao ngán: "Trồng và khai thác hết keo nên đất trơ ra. Trời mưa, đất rừng bị cuốn phăng thì mình chịu chứ biết quy tội cho ai".
Mùa mưa lũ thì như vậy, còn mùa nắng nóng những năm gần đây càng gay gắt hơn. Những cánh rừng tự nhiên bị tàn phá rồi biến thành rừng keo trơ đá không giữ được nước nên mùa nắng lượng nước ở vùng đầu nguồn bổ sung cho các hồ đập rất ít nên ao hồ khô kiệt. Năm nay, mới đầu mùa hạ, mà các dòng sông lớn đã cạn dòng, nhiều nơi đã xảy ra hạn. Theo dự báo của ngành chức năng, năm nay, toàn tỉnh có khoảng 24.000ha lúa và hoa màu có khả năng bị hạn. Đây là con số lớn hơn nhiều so với các năm trước.
Sông, suối khô cạn có thể làm cho khoảng 22.150 người bị thiếu nước sinh hoạt, hơn 17.800 con gia súc có khả năng thiếu nước uống. Một số nơi trong tỉnh hiện nay đang "gồng mình" chống hạn và tìm nguồn nước để sinh hoạt.
Thực tế này cho thấy "ăn của rừng rưng rưng nước mắt". Đằng sau những đồi gỗ keo bạc tỷ, Quảng Ngãi cũng đang "trả giá" cho việc biến rừng tự nhiên thành rừng sản xuất và khai thác gỗ keo một cách thiếu quy hoạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống con người.
Bài, ảnh: MAI HẠ
*Kỳ 2: Bài toán môi trường cho trồng rừng nguyên liệu