(Báo Quảng Ngãi)- Đến thời điểm này, hồ chứa nước Thới Lới ở Lý Sơn đã xuống đến mực nước “chết”. Còn các giếng nước trên huyện đảo này hầu như bị nhiễm mặn khiến 130 ha hoa màu có khả năng bị hạn…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhọc nhằn tưới ngắt quãng
Dưới cái nắng gay gắt của tháng 6, những ruộng hành trên đảo Lý Sơn héo lá, cong queo. Người dân luôn túc trực trên đồng tưới nước cho cây trồng. Tuy nhiên, do năm nay lượng mưa giảm hẳn so với năm trước, nên bà con nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn mới có thể tìm đủ lượng nước tưới cho cây trồng. “Năm ngoái, nước dồi dào, tôi có thể bơm nước trong ba tiếng đồng hồ là xong. Giờ tôi phải tưới ngắt quãng. Tưới được một giờ, lại phải chờ một giờ sau mới có nước để tưới tiếp”, ông Võ Xuân Bình, thôn Đông, xã An Vĩnh cho biết.
Nhiều cây hành chết khô vì thiếu nước. |
Mọi năm, chỉ cần một trận mưa lớn là bà con nông dân Lý Sơn có thể nghỉ tưới trong 4 - 5 ngày tiếp theo. Còn vụ hè thu năm nay, do thời tiết nắng nóng kéo dài nên trung bình hai ngày người dân phải lo tưới cho đồng ruộng một lần. Chi phí sản xuất cũng vì thế mà bị “đội” lên rất nhiều so với năm trước. “Để tưới cho 1,5 sào hành, tôi phải tốn 4 lít dầu. Vậy là làm xong vụ hành này, chỉ tính riêng tiền dầu chạy máy bơm nước, tôi đã phải bỏ ra gần 3 triệu đồng”, nông dân Dương Quang Sung nhẩm tính. Không chỉ tốn thêm chi phí tưới nước, mà người dân còn bỏ thêm rất nhiều công sức, thậm chí phải chờ cả ngày lẫn đêm mới cung cấp đủ nước cho ruộng.
Cái khó “bó” sản xuất
Năm nay, tổng diện tích gieo trồng vụ hè thu của Lý Sơn ước thực hiện 456 ha. Trong khi đó, đến thời điểm này, do lượng nước phụ thuộc vào lượng mưa tự nhiên nên hồ chứa nước Thới Lới - hệ thống cung cấp nước tưới tiêu duy nhất của đảo Lý Sơn chỉ còn đáp ứng phục vụ sản xuất cho khoảng 20 ha. Hiện các cánh đồng tại xã An Hải và An Vĩnh đang có nguy cơ bị hạn và xâm nhập mặn.
Ông Nguyễn Văn Lê- Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn trăn trở: “Năm nay diện tích trồng hành đạt 198ha, tăng 50ha so với năm trước. Có được kết quả đó là bởi người dân ứng dụng hệ thống tưới nước tự động vào sản xuất. Tuy nhiên, sau khi mở rộng được quy mô sản xuất, thì người dân lại vướng phải nỗi khổ thiếu nước tưới”.
Thiếu nước không chỉ khiến việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất bị ảnh hưởng mà còn khiến người dân không dám mạnh dạn mở rộng quy mô. Trong khi đó, từ trước đến nay, để đối phó với nguy cơ hạn hán, địa phương chỉ có thể nạo vét tất cả các giếng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời vận động người dân tưới tiêu tiết kiệm chứ chưa thể tìm ra hướng giải quyết mang tính lâu dài...
Bài, ảnh: Ý THU