(Báo Quảng Ngãi)- Giữa lúc tình hình Biển Đông đang “nóng” như hiện nay, Chương trình “Tín dụng khai thác hải sản xa bờ” của Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ ngư dân sắm tàu vỏ thép được xem là chủ trương đúng đắn. Nhưng ngoài việc “đổi vỏ, nâng máy” tàu vỏ thép, ngư dân vẫn còn nhiều băn khoăn…
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cả nước hiện có 117.000 tàu cá, nhưng có khoảng 99% là tàu vỏ gỗ, động cơ cũ kỹ, thiết bị lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình vươn khơi đánh bắt hiện nay. Thế nên việc triển khai chương trình “Tín dụng khai thác hải sản xa bờ” của Chính phủ nói chung và việc Ngân hàng BIDV Việt Nam dành gói tín dụng 3.000 tỷ đồng cho ngư dân vay vốn để đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá, trang bị phương tiện, thiết bị hiện đại có ý nghĩa thiết thực hơn bao giờ hết…
Tàu to, nỗi lo không nhỏ
“Nhà nước ưu tiên vốn cho ngư dân chúng tôi như thế là tốt rồi. Nhưng mà đóng tàu thép xong, tôi lo không biết cách sử dụng nó có gì khác tàu gỗ không? Rồi sửa chữa ở đâu bởi hiện giờ, tôi thấy tỉnh mình đâu có chỗ nào làm nước tàu vỏ thép”, ngư dân Hàn Văn Nguyên, ngụ xã An Hải (Lý Sơn) lo lắng. Bởi theo ông Nguyên, hơn 20 năm gắn bó với biển, ông chưa bao giờ cầm lái con tàu vỏ gỗ công suất lớn (con tàu hiện giờ của ông có công suất 100 CV), nói gì đến tàu vỏ thép với công suất lên đến gần cả nghìn CV. Thế nên khi nghe Nhà nước cho ngư dân vay ưu đãi, ông Nguyên hào hứng lắm vì giấc mơ “có tàu to” sắp thành hiện thực. Nhưng với những nỗi lo trên khiến ngư dân Hàn Văn Nguyên do dự, cân nhắc.
Tàu vỏ thép hứa hẹn nâng cao hiệu quả khai thác, đánh bắt cho ngư dân. (trong ảnh: Tàu vỏ thép Hoàng Anh 01 đầu tiên của tỉnh). Ảnh: MỸ HOA |
Ngư dân Võ Công Nhân, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), bày tỏ niềm vui và những lo lắng: "Cho vay đến 90% tổng giá trị con tàu, bảo hiểm tàu là điều mà ngư dân mong ước từ lâu. Tuy nhiên, đóng tàu vỏ thép phải đầu tư khá lớn, nhưng trả lãi và gốc trong vòng 10 đến 12 năm là ngắn. Bởi, trong điều kiện hiện nay, ngư dân ra khơi đánh bắt rất khó khăn...".
Nhiều ngư dân còn băn khoăn về thủ tục vay vốn, lãi suất cho vay, bao giờ áp dụng gói tín dụng; khi vay họ có được làm chủ đồng vốn để sắm trang thiết bị... Ngư dân Phan Bé, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) cho biết: "Tôi đã được Công ty đóng tàu Nha Trang ứng vốn đóng tàu vỏ thép để ra khơi. Nguồn vốn trả cho Công ty lớn, nhưng thời hạn trả chỉ 7 năm. Giờ nghe Chính phủ có chương trình hỗ trợ ngư dân, với lãi suất thấp, thời gian lại trả nợ lại dài, tôi thật sự vui mừng. Nhưng trong điều kiện của tôi có thể được vay vốn trả lại cho công ty để làm chủ con tàu của mình?".
Ngư dân Ma Thành Văn, xã Bình Chánh (Bình Sơn) vừa thực nghiệm chuyến biển đầu tiên trên con tàu vỏ thép, bộc bạch: "Ra khơi bằng tàu vỏ thép, anh em rất an tâm. Chi phí nhiên liệu so với tàu gỗ không cao lắm. Tuy nhiên, trước khi đóng con tàu vỏ thép này chưa có chính sách tín dụng đánh bắt khơi xa nên anh em đã vay mượn bà con và công ty để đóng tàu. Giờ có gói tín dụng ưu đãi, tôi mong chính sách này sớm đi vào thực tiễn để ngư dân vay trả nợ, tạo điều kiện thuận lợi cho anh em an tâm đánh bắt khơi xa".
“Sẽ đầu tư song hành cùng tàu vỏ thép”
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cho rằng, Quảng Ngãi hiện chỉ có một chiếc tàu vỏ thép trong số 5.400 tàu cá. Chương trình tín dụng của BIDV sớm triển khai sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi bám biển, cùng với lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ thì những băn khoăn, lo lắng nói trên của ngư dân là hoàn toàn hợp lý, nhất là khi tàu vỏ thép có công suất lớn và trang thiết bị hiện đại. Do đó, sắp tới, song hành với việc tuyên truyền, động viên ngư dân mạnh dạn đóng tàu vỏ thép, UBND tỉnh cũng sẽ nghiên cứu, xem xét đầu tư đồng bộ các dịch vụ hỗ trợ và hậu cần.
Chính sách tín dụng ưu đãi sẽ giúp ngư dân đóng tàu vỏ thép bám biển thay dần tàu gỗ hiện nay. Ảnh: T.AN |
Trước mắt, UBND tỉnh sẽ phối hợp với Nhà máy đóng tàu mở các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, tài công và xây dựng cơ sở sửa chữa tàu; đồng thời tập trung nạo vét, thông luồng các cửa biển, đảm bảo cho tàu thuyền ra vào an toàn. “Về lâu dài, tỉnh sẽ tập trung đầu tư phát triển dịch vụ hậu cần phục vụ nghề cá, nhất là việc thu mua sản phẩm, tiếp nguyên nhiên liệu trên biển lẫn trong bờ... nhằm nâng cao hiệu quả khai thác cho ngư dân”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ khẳng định.
Liên quan đến vấn đề này, một số HTX và cơ sở đóng tàu trong tỉnh cũng rục rịch tính chuyện liên doanh với các Nhà máy đóng tàu để phát triển sản xuất. Tiên phong là HTX đóng tàu Cổ Lũy (TP.Quảng Ngãi). Lý giải sự khẩn trương này, Giám đốc HTX đóng tàu Cổ Lũy Phan Như Huỳnh cho rằng: “Do nhu cầu đóng tàu vỏ thép của ngư dân ngày càng lớn”, nên song song với việc cử cán bộ kỹ thuật đi học, đầu tư nâng cấp máy móc và trang thiết bị, thì HTX cũng gấp rút xúc tiến hợp tác với các nhà máy đóng tàu để thành lập điểm tiếp quản sửa chữa, làm nước tàu vỏ thép ngay tại địa phương.
Đối với vấn đề hậu cần, ông Huỳnh tiết lộ, sẽ “kêu gọi ngư dân tham gia vào HTX” để giúp đỡ họ về chi phí đầu vào là vốn, nguyên-nhiên liệu và đầu ra là thu mua sản phẩm, cũng như thành lập các đội, biên đội tàu đánh bắt chuyên biệt. Đây được xem là một giải pháp hay và nếu được thực thi, nó sẽ giúp ngư dân trút bỏ phần nào những băn khoăn, lo lắng với tàu vỏ thép.
MỸ HOA- TRƯỜNG AN