Xuống giống vụ hè thu: Nguy cơ trễ lịch thời vụ

07:05, 23/05/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Đã bước vào thời điểm xuống giống vụ hè thu, nhưng nhiều cánh đồng, gốc rạ vẫn xanh um, bà con nông dân đang nóng lòng chờ nước. 

TIN LIÊN QUAN

Mong ngóng nước
 
Dưới cái nắng cháy da cháy thịt, đánh con trâu cày trên 2 sào ruộng không một chút nước, xanh um gốc rạ, ông Phạm Văn Thơ ở thôn Đông Hưng, xã Phổ Vinh (Đức Phổ) nói: “Vừa cắt xong vụ đông xuân tôi đã dọn ruộng, đốt rạ sạch sẽ chờ nước xuống thuê máy cày làm đất mà chờ mãi chẳng thấy chút nước nào”.
 
Những ngày này, lội trên nhiều cánh đồng, đâu cũng thấy ruộng đồng khô khốc, hệ thống thủy lợi chưa có nước, dù bà con đã nạo vét hệ thống mương tưới, dọn bờ, mang phân chuồng ra ruộng chờ sẵn.

 

Đã đến thời vụ xuống giống mà mương máng, ruộng đồng vẫn khô khốc.
Đã đến thời vụ xuống giống mà ruộng đồng vẫn chưa có nước.
 
Chị Bùi Thị Trúc, nông dân ở thôn Tân Bình, xã Phổ Minh (Đức Phổ) lo lắng: “Huyện nói ngày 10.5 có nước mà giờ mương chính nước chưa đủ thấm đáy mương. Lẽ ra phải có nước sớm để mình thuê người cày lật đất rồi mua vôi về rãi để triệt tiêu mầm bệnh. Thiếu nước mình phải thông cảm chứ kiểu xuống giống cập rập mầm bệnh dễ bùng phát!”.
 
Hàng nghìn hộ dân ở huyện Đức Phổ đang nơm nớp lo trễ lịch thời vụ, thiếu nước gieo sạ và tưới cho ruộng lúa trong thời gian tới. 
 
Ông Trần Thanh Hòa- Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Phổ cho biết, vụ hè thu này, toàn huyện xuống giống 4.800 ha lúa. Hiện nay mực nước ở các hồ chứa và các đập bổi, đặc biệt là Hồ Liệt Sơn đang xuống thấp nên khả năng sẽ có 786 ha ở các vùng cuối kênh, vùng chân ruộng cao của các xã Phổ Châu, Phổ Thạnh, Phổ Khánh, Phổ Cường, Phổ Vinh, Phổ Minh, Phổ Ninh, Phổ Nhơn, Phổ Thuận, Phổ Văn, Phổ An và Phổ Quang bị hạn nếu thời gian tới tiếp tục không có mưa.
 
Không chỉ ở huyện Đức Phổ mà nhiều bà con ở khắp nơi trong tỉnh đang nóng lòng chờ nước để xuống giống. Nguy cơ hạn hán khốc liệt cũng đang đe dọa rất nhiều vùng. Trên nhiều chân ruộng, rất đông bà con nông dân đành xuống giống gieo trên ruộng sạ rồi chờ nước. Nhiều nông dân chọn giải pháp bơm nước từ giếng để xuống giống thay vì chờ nước thủy lợi.

 

Nhiều nông dân phải bơm nước từ giếng để dọn ruộng xuống giống.
Nhiều nông dân phải bơm nước từ giếng để dọn ruộng xuống giống.
 
 
Doanh nghiệp quản lý, khai thác, cung ứng nước cũng đang hết sức lo lắng. Nắng nóng kéo dài cộng với việc ảnh hưởng bởi tích nước của Thủy điện Đắkdrinh ở thượng nguồn nên trong những ngày 16-18.5, đập Thạch Nham xuống dưới tràn từ 1-1,5 m. Từ ngày 20.5, Thủy điện Đắkdrinh nhả nước nên mực nước tăng trở lại. Trước đây nguồn nước Thạch Nham xuống tự nhiên, nay phụ thuộc vào Đắkdrinh nên mất đi một lưu lượng không nhỏ. Vì thế tình trạng thiếu nước cục bộ đã xảy ra ngay trong vụ đông xuân vừa qua. 
 
Cùng với nguồn nước Thạch Nham, nhiều hồ chứa nước, đập bổi mực nước chỉ đạt dưới 50% như: Hồ chứa nước An Thọ (Phổ Ninh), Mạch Điểu (Đức Phú), Đá Bàn (Đức Tân), Cây Sanh (Phổ Châu), Hố Quýt (Tịnh Thọ), Liệt Sơn (Phổ Hòa), Di Lăng (Sơn Hà)…
 
“Công ty khuyến cáo bà con sử dụng nước hết sức tiết kiệm, tranh thủ có nước đến đâu xuống giống đến đó theo kiểu cuốn chiếu, tránh trường hợp ngâm ruộng lâu, xảy ra trường hợp cấp nước nhiều lần, tốn nhiều nước. Làm như thế mới hạn chế được tình trạng thiếu nước cuối vụ nếu thời tiết vẫn khắc nghiệt như hiện nay”- ông Huỳnh Tấn Ngọc- Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi nói.
 
Không nên lấy lúa thương phẩm làm giống
 
Bước vào vụ mới, cùng với nỗi lo thiếu nước, nông dân đối mặt với nhiều nỗi lo cũ như giống lúa, phân bón đều tăng. Theo lý giải của các đại lý thì do chi phí vận chuyển tăng cao vì bị siết chặt vận tải.
 
Để hạn chế chi phí sản xuất trong thời buổi đắc đỏ, một điều đáng lo là nhiều nông dân đã chọn giải pháp lấy lúa ăn (thương phẩm) của vụ trước làm giống thay vì mua giống mới nguyên chủng. 
 
“Mình lấy lúa ăn làm giống đỡ tốn cả mấy trăm nghìn. Mùa trước lúa vừa lên ốc bươu vàng cắn be bét tui phải xin mạ thuê nhân công cấy hết 500 nghìn đồng. Coi như làm sào ruộng không đủ bù chi nên vụ này phải tiết kiệm”- bà Nguyễn Thị Huệ ở thôn Thọ Lộc Bắc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) giãi bày.
 
Đây là điều không tốt, làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lúa. Bởi hạt giống thương phẩm giống nảy mầm sẽ không đều, tỷ lệ nảy mầm cũng rất thấp dẫn đến lượng hạt giống cần dùng nhiều, có khi phải bỏ giống, gây lãng phí và khó khăn cho việc xuống giống. 

 

Bà con nên chọn giống nguyên chủng thay vì giống thương phẩm để gieo sạ.
Bà con nên chọn giống nguyên chủng thay vì giống thương phẩm để gieo sạ.
 
Là đơn vị cung ứng giống lớn nhất của tỉnh, Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh đã cung ứng ra thị trường 3.000 tấn giống (chiếm 45% diện tích toàn tỉnh). Để phục vụ nhu cầu sản xuất kịp thời, ngoài số lượng hạt giống tự sản xuất, Trung tâm đã liên kết với các đơn vị ngoài tỉnh. Bao gồm các giống lúa trung, ngắn ngày: ĐV108, D9H815-6, D9H99-81, HT1, ML48, TH6, SH2, VN121, TH3-3, TH3-5, Bio 404, Nhi ưu 838…
 
Để đảm bảo vụ mùa thắng lợi, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân cần tuân thủ đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa, chăm sóc đúng quy trình. Đặc biệt muốn khâu phòng chống hạn mang lại hiệu quả thì chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện chế độ tưới nước tiết kiệm theo phương pháp ướt- khô xen kẽ, nhất là tại các khu vực có nguy cơ đang bị thiếu hụt nước.
 
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 

.