(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi có 130 km bờ biển, vùng ven biển dân cư sinh sống đông đúc. Cuộc sống của họ dựa vào tài nguyên của biển. Tuy nhiên, do thiếu đồng bộ trong việc quản lý, mạnh ai nấy khai thác, sử dụng nên dẫn đến tài nguyên biển ngày càng cạn kiệt, môi trường ô nhiễm, xói mòn. Chi cục Biển và Hải đảo đã thực hiện Dự án quản lý tổng hợp đới bờ (THĐB) nhằm tối ưu hóa các lợi ích về biển để phục vụ cho sự phát triển bền vững.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Quản lý tổng hợp đới bờ là phương thức hoàn toàn mới đối với cả nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng. Để công tác này quản lý hiệu quả, bước đầu Quảng Ngãi đã thiết lập cơ chế điều phối, nâng cao nhận thức quản lý THĐB cho cán bộ các ngành liên quan và người dân ven biển...
Nâng cao nhận thức quản lý THĐB
Lợi ích về biển và hải đảo không chỉ đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho tỉnh mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Thế nhưng, lâu nay, mỗi ngành, mỗi cấp đều thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của mình. Ở mỗi vùng ven biển, mạnh ai nấy khai thác dẫn đến hệ lụy ô nhiễm môi trường, tài nguyên ngày càng cạn kiệt và xói lở, ngập mặn nghiêm trọng.
Quản lý tổng hợp đới bờ nhằm hạn chế tình trạng các cánh đồng bị ô nhiễm bỏ hoang như lâu nay. |
Thực hiện dự án tổng thể quản lý THĐB giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ), đồng thời ban hành Quy chế hoạt động của BCĐ quản lý THĐB Quảng Ngãi; Quy chế phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, Chi cục Biển và Hải đảo đã mở 4 lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, cách liên kết quản lý tổng hợp giữa các ngành, các địa phương và trách nhiệm của mỗi cá nhân vùng ven biển cho lãnh đạo, đại diện lãnh đạo ngành, cá nhân vùng liên quan. PGS. TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng, quản lý THĐB nhằm tối ưu hóa các lợi ích về biển. Vì vậy, làm cách nào để cán bộ hiểu quản lý, người dân hiểu việc khai thác, sử dụng tài nguyên vùng đới bờ hợp lý, hiệu quả, để 10 năm, 20 năm... tài nguyên này vẫn phát triển tốt, đem lại lợi ích lâu dài và bền vững cho chúng ta. Việc mở các lớp tập huấn, đơn giản hóa các thủ tục, cách thức quản lý để thu hút đa bộ phận, nhiều thành phần tham gia cùng quản lý THĐB.
Tối ưu hóa các lợi ích vùng đới bờ
Quảng Ngãi có tiềm năng thủy, hải sản vùng đới bờ rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, dọc dài ven biển này, lâu nay, bà con nuôi tôm, thải nước, rác thải, các cơ sở chế biến hải sản, cơ sở đóng mới tàu thuyền, nhà máy xí nghiệp mọc lên… đã gây tác động không ít đến môi trường vùng đới bờ. Việc khai thác san hô, cát nhiễm mặn, rong mơ, thủy hải sản một cách ồ ạt làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Tại Bình Châu (Bình Sơn), nạn vứt rác thải, nạn xả dầu tàu thuyền trong nhiều năm qua đã dẫn đến hệ lụy các cánh đồng nuôi tôm trở thành "cánh đồng chết", nguồn hải sản vùng đới bờ cạn kiệt...
Ông Đỗ Ngọc Vinh - Chi Cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo tỉnh cho biết: Việc phối hợp, triển khai, quản lý THĐB cần thiết hơn bao giờ hết, nhằm điều tra để nắm tài nguyên hiện có, công tác quản lý hiện nay... Từ đó, có những kế hoạch phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực cùng nhau quản lý. Như, trước đây chưa có sự quản lý tổng hợp nên khi triển khai dự án phát triển du lịch bãi biển Mỹ Khê, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh (nay là TP.Quảng Ngãi), nhà đầu tư đã chặt phá rừng dương để phục vụ dự án làm cho chức năng che chắn cát của cây không còn. Rồi việc nuôi tôm xả thải, nạn lấn sông làm hồ nuôi tôm như ở lòng sông Vực Hồng (Nghĩa Hòa, Tư Nghĩa) cũng tạo ra hệ lụy gây ô nhiêm môi trường…
Việc quản lý THĐB là nhằm tổ chức một hệ thống tổng hợp, thống nhất để bảo đảm sự bền vững của các nguồn tài nguyên đới bờ, duy trì đa dạng sinh học, phát triển kinh tế xã hội và chống lại các biến đổi của thiên nhiên. Đồng thời khắc phục hậu quả của các dự án phát triển không được điều phối tại đới bờ, quy hoạch đa ngành xây dựng các dự án một cách tổng hợp, nhờ phân tích tài nguyên định hướng cho tương lai và đảm bảo tính bền vững cho mỗi sáng kiến phát triển.
Triển khai quản lý THĐB sẽ tăng cường nhận thức đầy đủ về các hệ tài nguyên thiên nhiên quý giá của đới bờ và tính bền vững của chúng đối với các hoạt động đa dạng của con người. Tối ưu hóa việc sử dụng đa mục tiêu các hệ tài nguyên đới bờ thông qua việc tổng hợp các thông tin sinh thái, xã hội, kinh tế. Triển khai các cách tiếp cận đa ngành, hợp tác và phối hợp liên ngành nhằm giải quyết những vấn đề phát triển phức tạp, đồng thời xây dựng các chiến lược tổng hợp nhằm mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động kinh tế.
Quản lý THĐB còn giúp chính quyền nâng cao năng suất và hiệu quả của việc đầu tư tài chính và nhân lực, nhằm đạt các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường, thực hiện được các cam kết quốc tế liên quan tới môi trường biển và ven bờ. Qua đó, đạt mục đích tối ưu hóa các lợi ích kinh tế, xã hội do việc sử dụng tài nguyên mang lại.
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN