(Báo Quảng Ngãi)- Trà lúa chính vụ đông xuân 2013 - 2014 được xem là được mùa nhất từ trước đến nay với năng suất gần 57 tạ/ha. Con số này khiến nông dân trong tỉnh nức lòng sau những bộn bề gian khó từ đầu vụ…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, năng suất lúa bình quân vụ sản xuất đông xuân 2013 - 2014 là 56,9 tạ/ha. Trong đó, trà lúa gieo sạ trước lịch thời vụ (4.108 ha) đạt 39 tạ/ha, trà chính vụ (32.410 ha) đạt 59,1 tạ/ha và trà muộn (2.304 ha) đạt 52,6 tạ/ha.
Rốn lũ được mùa
Trở lại xã Hành Tín Tây, Hành Tín Đông và Hành Thiện... các địa phương bị trận lũ hồi giữa tháng 11 tàn phá nặng nề nhất của rốn lũ Nghĩa Hành những ngày này mới thấy hết niềm vui của người dân. Đó là hình ảnh lúa vàng ươm, bông dài trĩu hạt ngay trên những diện tích ruộng đã từng bị đất, đá bồi lấp cách đây hơn nửa năm. Chẳng thế bà Lê Thị Hóa, ngụ thôn Tân Phú 1, xã Hành Tín Tây mới bảo rằng: “Sau lũ, đám ruộng 2 sào này ngập đầy đất nên tôi nghĩ không sạ vụ đông xuân. Ai ngờ giờ nó lại cho tới 18 bao lúa KD đột biến”. Cạnh đó, đại gia đình ông Nguyễn Thọ cũng hối hả cắt, suốt và chuyển lúa với nụ cười rạng rỡ. Lý do, ba đám ruộng (hơn 5 sào) đã từng bị lũ phủ đất, đá vừa mang về cho ông gần 15 tạ lúa sạch, thay vì 10 - 11 tạ như trước đây.
Giống lúa thuần ĐH815-6 mang lại niềm vui được mùa, được giá cho nông dân. |
Còn tại xã Hành Thiện, không khí rộn ràng, phấn khởi cũng diễn ra trên khắp các cánh đồng. Vì với năng suất lúa trên 65 tạ/ha, nông dân nơi đây bảo rằng họ có thể yên tâm, trút bỏ nỗi lo mất mùa từ đầu vụ.
Cùng với “rốn lũ” Nghĩa Hành, nông dân huyện miền núi Ba Tơ cũng được mùa với năng suất lúa đạt trên 50 tạ/ha, cao nhất trong 6 huyện miền núi. Có được những con số trên là nhờ “Nông dân chấp hành đúng lịch gieo sạ, chủ động phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt là việc cấp phát giống hỗ trợ kịp thời; rồi kênh mương, công trình thủy lợi bị lũ phá sớm được sửa chữa, khắc phục nên lúa không rơi vào cảnh thiếu nước”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Minh Hường cho biết.
Giống lúa thuần lên ngôi
Vụ đông xuân 2013 - 2014 được xem là thời điểm để các giống lúa thuần như Đồng Văn 108, KD đột biến, VN121, TH6, 0M6976… “trổ tài” với việc ít nhiễm sâu bệnh, năng suất trên 65 tạ/ha. Trong đó, phải kể đến sự có mặt hai loại giống thuần nội tỉnh là ĐH815-6 và ĐH9981, là sản phẩm của Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh (Trung tâm). Với lợi thế “sinh” ra tại tỉnh, lại chịu lạnh, năng suất đạt từ 70 - 80 tạ/ha nên những năm gần đây, hai loại giống lúa thuần trên đã được nông dân bắt đầu chú ý.
Tại cánh đồng thôn Đông Quang, xã Phổ Văn (Đức Phổ), giống ĐH815-6 khiến bà con nông dân nức lòng vì lúa đạt năng suất 80 tạ/ha. Ngay khi gặt xong, 50% thóc sẽ được Trung tâm thu mua với giá 5.800 đồng/kg; số còn lại được người dân dùng để trao đổi, sử dụng trong các vụ tiếp theo.
Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hòa, xã Đức Phú (Mộ Đức) Phạm Thanh Tư cũng nhận định rằng, ĐH9981 và ĐH815-6 có “sức khỏe” tốt, năng suất cao lại dễ tính nên nhiều năm nay, nó được xã viên HTX lựa chọn gieo sạ. Nhất là khi vụ đông xuân vừa rồi, dù ruộng ở Phước Hòa không dồi dào nước tưới nhưng hai giống trên cũng cho tới 4 tạ/sào. “Vụ hè thu này, cùng với KD đột biến thì chúng tôi cơ cấu ĐH815-6 vào hàng giống chủ lực”, ông Tư khẳng định.
Những bài học
Mặc dù trà chính thắng lớn nhưng với trà lúa không chủ động nước tưới, phải gieo sạ trước lịch (4.108ha) thì năng suất chỉ 39 tạ/ha. Cá biệt có hơn 361 ha bị mất trắng vì “khát”. Nguyên nhân không hẳn vì “nắng nóng kéo dài, kênh mương hư hỏng” mà còn ở sự chủ quan của nông dân lẫn chính quyền địa phương.
Đơn cử như 180ha lúa trà sớm ở các cánh đồng Hội Đức, Vĩnh Tuy và Phú Sơn của xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh), hay hơn 210 ha của xã Phổ Cường (Đức Phổ) bị thất thu, mất trắng. Ngoài lý do khách quan là nắng hạn kéo dài thì lúa đứng rạ, sinh lép là do hệ thống kênh mương bồi lấp, không dẫn được nước; rồi nông dân chủ quan, nghĩ rằng... trời sẽ mưa giữa vụ nên cố bám lúa, mà không chịu nhường đất cho các cây trồng khác như bắp, đậu phụng... Điều đáng nói là số diện tích lúa trên năm nào cũng đối mặt với nguy cơ “khát”, mất mùa nhưng nông dân vẫn không chấp nhận chuyển đổi cơ cấu cây trồng dù chính quyền xã đã nhiều lần khuyến cáo.
Rõ ràng, bên cạnh niềm vui trúng mùa thì vẫn còn nhiều nông dân rơi vào cảnh thất thu. Và để tránh tái diễn thảm cảnh “gieo lúa gặt lép”, phải cắt rạ cho trâu, bò ăn trong vụ hè thu này thì, nông dân mong muốn ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương khắc phục những tuyến kênh hư hỏng để ruộng của họ không “gần kênh xa nước”.
Bài, ảnh: MỸ HOA