Dân chê ruộng cải tạo

12:05, 26/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- 4,9 ha ở xứ đồng Trái Bầu thôn 7, xã Đức Nhuận (Mộ Đức) được chia làm 3 lô. Sau khi việc cải tạo hoàn thành (cuối năm 2013), 2 lô được nông dân nhận sản xuất ngay từ vụ đông xuân 2013 - 2014; lô còn lại có diện tích gần 12.000 m2 bị 11 hộ chê sâu, ngập úng nên từ chối nhận ruộng khiến nó hoang hóa đến tận giờ…

Ruộng bỏ hoang

Nhìn người hàng xóm Trần Ngọc Vân đốt rạ, chuẩn bị xuống giống vụ hè thu mà ông Lê Đức rầu rĩ, than vắn thở dài. Bởi cùng xứ đồng Trái Bầu, chỉ cách nhau cái bờ mà vụ rồi, ruộng nhà ông Vân lúa tốt bời bời với 9 bao/sào; còn đám ruộng 2,4 sào của ông Đức thì lại kín…cỏ dại! Đến khi cỏ được bà con dọn đốt thì mặt ruộng lại rơi vào trạng thái khô hạn, nứt toác.
 
Đơn vị thi công tiếp tục cải tạo ruộng gần diện tích bị dân “chê”.
Đơn vị thi công tiếp tục cải tạo ruộng gần diện tích bị dân “chê”.

Trông cảnh ấy, ông Đức không giấu được bức xúc, nói: “Họ bảo cải tạo cho ruộng tốt, lúa nhiều. Nhưng cải tạo xong thì bờ xôi ruộng mật của tôi lại cằn cỗi, sạ còn không được...”. Cùng tâm trạng với ông Đức, lão nông Nguyễn Tặng cũng ấm ức vì 650 m2 ruộng nhà mình bỗng dưng bị bỏ liền 3 vụ. “Nghĩa là gia đình tôi mất gần 30 bao lúa”, ông Tặng nhẩm tính.  

Không riêng gì ông Đức, ông Tặng mà 9 hộ dân ở thôn 7 có ruộng nằm trong diện tích 1 ha trên cũng rơi vào cảnh tương tự. Đó là sau cải tạo, cỏ đứng ruộng thay lúa.

Xảy ra tình trạng này, 11 hộ dân cho rằng đó là do “lô ruộng sau cải tạo bị thấp, trũng hơn khu vực xung quanh từ 25 - 35cm khiến nước ứ đọng, không có đường thoát. Nếu sạ, giống sẽ chết úng”. Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi thì, 2/3 ruộng bỏ hoang là nằm trong thời gian thi công cải tạo nên nông dân được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/sào/vụ. Nhưng riêng vụ đông xuân 2013 - 2014 thì họ mất trắng, tức không sản xuất được mà đơn vị thi công cũng chẳng hỗ trợ bất cứ thứ gì. Điều này khiến 11 hộ bức xúc. Bởi, “lỗi do đơn vị thi công giao ruộng không đảm bảo chất lượng nên chúng tôi mới từ chối nhận sạ. Vì vậy họ phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho bà con mới đúng”, ông Nguyễn Tặng khẳng định.

Do thiếu người dẫn thủy?

 Xung quanh vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Nhuận Nguyễn Vũ Trung thừa nhận việc hơn 1 ha ruộng bị nông dân bỏ, không gieo sạ được trong vụ đông xuân 2013-2014 là có thật. Tuy nhiên, ông Trung cho rằng, xảy ra tình trạng trên không phải do đơn vị thi công “móc đất quá sâu gây trũng mà vì trời mưa, đặc biệt là do không có người dẫn thủy điều tiết ở Rộc Chánh và vỏ khổ ông Trâu nên khi phía xã Đức Thắng cơi nước tưới cho xứ đồng cây Nính thì 1 ha trên mới bị úng!”. Lời giải thích này không nhận được sự đồng tình của nông dân. Bởi, nếu chỗ đất ấy không bị lấy quá sâu thì tại sao hiện giờ, đơn vị thi công lại hối hả “bồi” thêm đất để cao trình bằng 2 lô bên cạnh?.

Như vậy, dù được xem là giải pháp tiết kiệm chi phí và giúp dồn điền đổi thửa nhanh cán đích, nhưng rõ ràng, cải tạo đồng ruộng bằng cách tận thu đất sét vẫn là “con dao hai lưỡi” nếu quy trình thực hiện yếu khâu giám sát và nghiệm thu thiếu chặt chẽ. Thế nên ông Trần Văn Thanh - cán bộ thủy nông Hợp tác xã Nông nghiệp Năng An (Đức Nhuận) mới nói vui rằng: “Lẽ ra trước khi nhận bàn giao công trình mình phải dùng… giá và thước ngắm xem cao trình, rồi tháo nước vào ruộng để thử xem nó xuống đất đến đâu. Chứ nhìn bằng mắt thường, thấy mặt ruộng bằng phẳng rồi nhận. Đến khi xảy ra chuyện thì đơn vị thi công phủi tay”.

Dẫu là câu nói vui, nhưng nó cũng đáng để các địa phương đã và đang triển khai việc tận thu đất sét, cải tạo đồng ruộng suy ngẫm.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 

.