Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

02:05, 17/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ năm 2002 - 2004, Quảng Ngãi đã chuyển đổi sản xuất lúa thành công từ 3 vụ/năm sang 2 vụ lúa/năm đem lại hiệu quả kinh tế rất rõ rệt. Nhưng trong những năm gần đây, việc độc canh cây lúa trên diện tích chuyển đổi từ 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa/năm ở những vùng thiếu nước tưới hiệu quả không cao bằng việc chuyển đổi sang các cây trồng cạn như ngô, lạc, cây họ đậu và rau đậu. Các loại cây trồng này đã đem lại hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, góp phần nâng cao đời sống của nông dân.

TIN LIÊN QUAN


Thực tiễn cho thấy, nhiều địa phương thực hiện công thức luân canh theo các mô hình lúa đông xuân - lạc hè thu, lúa đông xuân - bắp lai hè thu cho giá trị trên 60 triệu đồng/ha/năm; lúa đông xuân - ớt hè thu trên 90 triệu đồng/ha/năm; lúa đông xuân – bí, cà chua hoặc khổ qua hè thu trên 160 triệu đồng/ha/năm...
 

 

Sản xuất trình diễn giống ớt năng suất cao tại xã Tịnh Châu, TP.Quảng Ngãi.
Sản xuất trình diễn giống ớt năng suất cao tại xã Tịnh Châu, TP.Quảng Ngãi.

 Mặc dù các mô hình chuyển đổi trong thời gian qua đã đem lại lợi nhuận cao, được giới thiệu và tổ chức tham quan, nhưng các địa phương vẫn chưa mạnh dạn chỉ đạo thực hiện trên diện rộng. Diện tích chuyển đổi cây trồng bằng công thức luân canh chưa nhiều. Sản xuất còn phân tán, manh mún.

Vì những lý do trên, Sở NN & PTNT đã đề ra định hướng trong thời gian đến phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo nguyên tắc thực hiện chuyển đổi từ đất trồng lúa 2 vụ, 1 vụ kém hiệu quả sang cây trồng cạn hoặc luân canh lúa với cây trồng cạn phải đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất lúa 2 vụ/năm mà chỉ đạt sản lượng dưới 10 tấn/ha/năm.

Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa có hiệu quả, các địa phương cần chỉ đạo xây dựng kế hoạch chuyển đổi theo các công thức canh tác cụ thể cho từng vùng.

Đối với vụ hè thu 2014, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo, trên chân đất lúa không chủ động nước tưới mà thoát nước tốt thì thực hiện các công thức luân canh lúa (đông xuân)-ngô (hè thu); ngô lai (đông xuân)- rau, đậu các loại (hè thu); lúa (đông xuân) - rau ăn quả như cà tím, khổ qua, dưa leo, bí xanh (hè thu).

Trên chân đất lúa cát pha, bạc màu nên sản xuất lúa (đông xuân) - lạc, đậu xanh, đậu nành (hè thu) hoặc ngược lại; lúa (đông xuân) - mè (hè thu); lạc (đông xuân) - bắp lai (hè thu).

Khi chuyển đổi từ lúa sang cây trồng cạn, các địa phương cần chú ý khoanh vùng sản xuất cây trồng đảm bảo liên vùng, tránh tình trạng đan xen lúa - màu. Đất đai thổ nhưỡng phải phù hợp với cây trồng cạn và cần chọn lựa cây trồng phù hợp, có thị trường, dễ tiêu thụ.

Các đơn vị chức năng cần phân công cán bộ kỹ thuật tập huấn quy trình kỹ thuật, hướng dẫn nông dân thiết kế hệ thống băng, liếp, tưới, tiêu úng và hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nhằm đạt năng suất, hiệu quả cao.              
   Bài, ảnh: N.Khâm  
 

.