Thuốc bảo vệ thực vật: Vàng thau... cùng lên kệ

08:04, 12/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều lần báo chí đề cập và nhiều lần ngành nông nghiệp tỉnh rầm rộ ra quân kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vi phạm nhưng rồi hàng giả, thuốc kém chất lượng vẫn ngồn ngộn ở quầy, ngoài đồng…   
    
Chỉ trong tháng 3.2014, Chi cục Bảo vệ thực vật đã kiểm tra, phát hiện 21/87 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV có sai phạm. Trong đó, 2 trường hợp không có Chứng chỉ hành nghề, 7 trường hợp không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, 4 trường hợp ghi nhãn không đúng quy định và 8 trường hợp bán thuốc BVTV hết hạn sử dụng. Chi cục đã tiến hành xử phạt 25 trường hợp vi phạm với tổng số tiền 53 triệu đồng (trong đó có 7 trường hợp do Thanh tra Sở NN&PTNT xử phạt).

Quảng cáo không trung thực!

Trên khắp đồng lúa từ huyện Bình Sơn đến Đức Phổ, đâu đâu tôi cũng thấy sự hiện diện của biển quảng cáo Thuốc trừ bệnh đạo ôn hiệu Kasai-S® 92SC của Công ty Arysta LifeScience. Quan sát kỹ, thì thấy tấm biển trên chỉ “mọc” trên những đám lúa đẹp - tức lá xanh, thân đứng, bông dài, hạt sáng. Chẳng thế mà lão nông Võ Phú, ngụ thôn 2, xã Đức Chánh (Mộ Đức) mới tấm tắc khen: “Thuốc này dưỡng lúa tốt quá. Bông toàn hạt chắc”.

 

Dù không sử dụng thuốc này nhưng đám lúa vẫn được DN gắn biển nhằm mục đích quảng cáo, đánh lừa nông dân. Ảnh: MỸ HOA
Dù không sử dụng thuốc này nhưng đám lúa vẫn được DN gắn biển nhằm mục đích quảng cáo, đánh lừa nông dân. Ảnh: MỸ HOA


Không chỉ ông Phú mà rất nhiều nông dân khi ngang qua những ruộng lúa có biển quảng cáo trên đều trầm trồ, bảo “thuốc tốt” rồi ghi tên, vụ sau mua xài.

Tuy nhiên, khi tôi hỏi vụ đông xuân 2013 - 2014, cây lúa vùng này có bị nhiễm đạo ôn không thì ông Phú lắc đầu, nói rành rọt: “Không”. Thấy lạ, tôi liền tìm gặp chủ nhân của những đám ruộng có biển quảng cáo trên để tìm hiểu. Hóa ra, tấm biển quảng cáo ấy được đứng ở ruộng là do “có anh thanh niên cho tôi chai thuốc hiệu đó, bảo khi lúa bị đạo ôn thì phun. Nhưng vụ này, lúa nhà tôi chỉ bị nhiễm ít rầy nâu, chứ có mắc bệnh đạo ôn đâu”, ông Ba Hiền, ngụ thôn Phước Sơn, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) khẳng định.

Rõ ràng, doanh nghiệp (DN) quảng cáo thuốc theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen”. Bởi theo quy định của ngành nông nghiệp, DN muốn gắn bảng quảng cáo sản phẩm trên đồng ruộng thì phải được Sở NN&PTNT, cụ thể là Chi cục BVTV đồng ý. Đồng thời DN phải bảo hiểm năng suất cho nông dân khi họ sử dụng sản phẩm đó. Nhưng qua trao đổi, Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô khẳng định: “DN trên tự ý gắn biển, đánh lừa nông dân”.

Quản lý có chặt?

Ngoài đồng đã thế, ở các cửa hàng bán thuốc BVTV cũng nhốn nháo không kém. Đó là thuốc BVTV được bày bán la liệt với đủ chủng loại, mẫu mã, chất lượng tốt xấu lẫn lộn khiến nông dân chẳng biết đâu mà lần. Kiểm chứng điều này, tôi đến một cửa hàng bán thuốc BVTV nằm trên Quốc lộ 1, đoạn thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức) hỏi mua thuốc trừ sâu đục thân, đục trái non trên bắp. Sau vài phút, chủ cửa hàng mang ra 6 lọ thuốc, rồi thao thao bất tuyệt về công dụng.

Trong số ấy, tôi thấy có cả Furadan, là loại thuốc nằm ngoài danh mục cho phép sử dụng của Bộ NN&PTNT! Trước thực trạng này, Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho rằng , “rất khó kiểm soát” mặc dù hằng năm, Thanh tra Sở cũng như Chi cục BVTV tổ chức nhiều đợt thanh tra, xử phạt, rồi xếp loại cơ sở A, B (tốt), C (vi phạm). Căn cứ “thang điểm” này, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân nên đến các cửa hàng loại A, B để mua thuốc BVTV nhằm tránh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Tuy nhiên, cách khuyến cáo này không nhận được sự đồng tình của nông dân. Lý do, làm sao người dân biết đâu là cửa hàng A, B; đâu là cơ sở loại C? Bởi tất cả các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV đều không treo “hạng” của mình trên bảng. Bởi thực tế, thuốc BVTV hiện nay quá nhiều, còn nông dân thì không phải ai cũng am hiểu về chất lượng, nhãn hiệu hàng hóa... Thế mới có chuyện nhiều người mua và sử dụng thuốc cấm, thuốc giả nhưng không hề hay biết. Đến khi phát hiện thì phải trả giá đắt bằng sự thất bát, mất mùa.  

Rõ ràng, thị trường thuốc BVTV trong tỉnh đang rất lộn xộn. Nếu không sớm được sắp xếp, bố trí thì nông dân sẽ vẫn còn phải bỏ tiền mua họa dài dài! Tuy nhiên, cách xử lý như thế nào thì lại phụ thuộc vào hành động của lực lượng chức năng có thực sự quyết liệt. Chứ với kiểu thanh tra theo lịch như hiện nay thì không biết đến khi nào, thuốc BVTV dỏm mới bị dọn ra khỏi kệ?

 

MỸ HOA
 


.