(Báo Quảng Ngãi)- Vụ dưa hấu năm nay nông dân than trời vì dưa ế, giá rẻ. Thảm cảnh này khiến nông dân sản xuất các loại nông sản khác thấp thỏm, âu lo. Nhất là khi bài toán đầu ra cho nông sản đến giờ vẫn còn bỏ ngỏ…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đầu vụ, giá dưa hấu ở mức 5.000 - 8.000 đồng/kg. Đến giữa vụ, giá chỉ còn 800 - 2.000 đồng/kg, rồi bất ngờ cuối vụ giá “nhảy” 4.000đ – 6.000đ/kg khiến người trồng dưa chới với. Lý do, khi giá hạ thương lái chẳng thèm mua, khiến người trồng dưa phải cắt trái về cho… trâu, bò ăn; đến khi giá dưa nóng trở lại thì sản phẩm lại hiếm! “Nhìn họ, ngẫm thấy mình cũng chẳng khá hơn. Mấy tháng trời đổ mồ hôi, sôi nước mắt chăm cây dưỡng củ nhưng đến khi thu hoạch thì giá hạ, rồi bạn hàng không chịu mua mà quặn cả lòng”, ông Trần Được, người trồng mì ở xã Đức Minh (Mộ Đức) tâm sự.
Vì đâu dưa “đắng”?
Lý do khiến dưa ứ đọng, giá rẻ như bèo thì có nhiều. Thứ nhất, con đường đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước vừa ít vừa hẹp, lại qua nhiều khâu trung gian. Điều này thể hiện qua con số: Ngoài Quảng Ngãi, dưa hấu được trồng ở hơn 30 tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng việc tiêu thụ chỉ trông chờ vào một bộ phận thương lái mà chưa có sự tham gia của các doanh nghiệp (DN) thực thụ. Đã thế, dưa xuất ngoại (chủ yếu sang Trung Quốc) chỉ nhờ độc cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Thế nên khi cửa khẩu “nghẽn” vì quá tải, thì thương lái ngừng mua, khiến dưa hấu “ngủ” tại ruộng! Xót lòng, nhưng cả nông dân và chính quyền cơ sở cũng bất lực.
Người trồng mì đang lo sẽ rơi vào thảm cảnh như dưa hấu. |
Thứ hai, việc sản xuất không chính quy. Tại vùng dưa ở xã Đức Lân (Mộ Đức), ngoài diện tích đất dành riêng cho dưa hấu, thì không ít diện tích các loại cây trồng khác cũng bị dưa chiếm chỗ. Nguyên do là những năm trước, dưa trúng mùa được giá nên người trồng dưa bỏ qua cảnh báo của ngành nông nghiệp cũng như chính quyền địa phương. Họ vẫn ồ ạt phá hơn 50 ha mía, bắp để trồng dưa, những mong đổi đời. Vì nói như ông Nguyễn Đường, thôn Tú Sơn 2 thì: “Chi phí thực tế cho dưa không lớn. Chỉ cần chúng tôi chịu cực 65 - 70 ngày là có thể kiếm 7 - 10 triệu đồng tiền lãi/sào nếu… trời thương!”. Cũng vì lý do này mà hiện giờ, bất chấp việc dưa hấu đang ê chề, nhiều nông dân nơi đây vẫn tiếp tục làm đất, phủ bạt xuống giống dưa.
Thứ ba, nông dân chưa áp dụng kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch. Bởi với việc hái trái tươi đủ tuổi chất bên đống rơm đủ lớn, rồi đợi thương lái cho xe đến chở thì không cần cửa khẩu “nghẽn” hay giá trượt, nông dân cũng đã khốn khổ vì sự mẫn cảm của dưa hấu với thời tiết. Thế nên, chỉ cần thương lái nghỉ thu mua một ngày là người trồng dưa đã mất ăn mất ngủ. Vì “thời gian nằm chờ càng lâu, lượng dưa bị hỏng càng lớn. Thương lái càng có cớ làm eo, ép giá”, ông Trần Hùng, người trồng dưa ở xã Phổ An (Đức Phổ) giải thích.
Lối thoát nào cho nông sản
Nhìn người trồng dưa, nông dân sản xuất các loại nông sản khác cũng không khỏi thấp thỏm, âu lo. Bởi những lý do khiến dưa “chết” cũng chính là nút thắt của các loại nông sản như mì, mía, rau… Đơn cử như mì. Dù có sự tham gia của DN nhưng thực tế, nông dân vẫn chưa thoát khỏi sự ràng buộc với thương lái. “Ngay như địa phương chúng tôi, dù chẳng xa Nhà máy mì Sơn Hải là mấy, nhưng vụ thu hoạch nào, bà con cũng khốn khổ vì không đợi được phiếu đốn, bị thương lái ép. Nhất là khi thu hoạch mà gặp trời mưa thì nông dân bỏ ăn vì mì thối”, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Kỳ Đinh Tấn Bắc chia sẻ. Trước đã thế, năm nay người trồng mì càng lo lắng hơn khi Nhà máy mì Tịnh Phong phải di dời.
Quả thật, giải quyết đầu ra cho nông sản đến giờ vẫn là bài toán khó dù Chính phủ không thiếu chính sách hỗ trợ. Từ Nghị định 80 về chính sách liên kết tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, tín dụng nông nghiệp theo Nghị định 41 đến Quyết định 68 về hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, rồi Nghị quyết 48 giảm tổn thất sau thu hoạch... Tuy nhiên, tất cả những chính sách trên cũng không khiến nông sản trong tỉnh được “dễ thở” hơn khi mà DN vẫn đứng ngoài cuộc, nông dân mạnh ai nấy làm, còn ngành chức năng thì lúng túng trong việc quy hoạch sản xuất cũng như dự báo thị trường. Nghĩa là liên kết 4 nhà đã lỏng lẻo, giờ càng hời hợt.
Rõ ràng, lối thoát cho nông sản chỉ có thể trông chờ vào cái bắt tay hành động của “3 nhà” gồm Nhà nước, DN và nhà nông. Nhưng để nông dân và DN thực sự “là bạn”, Nhà nước phải hoàn thành vai trò cầu nối của mình, mà trước hết là đưa những chính sách trên đến gần với DN hơn. Đồng thời sớm có chiến lược quy hoạch và phát triển vùng sản xuất theo hướng cơ giới hóa; kịp thời định hướng và dự báo thị trường, giá cả để giúp nông dân lựa chọn đúng đắn trước khi bắt tay đầu tư sản xuất, tránh thảm cảnh “được mùa rớt giá” như lâu nay.
Bài, ảnh: MỸ HOA