Lúa "vàng", mong giá đừng "bạc"

08:04, 24/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù không phải là “vựa” lúa gạo của cả nước, nhưng với sản lượng đạt hơn 412 nghìn tấn/năm, cây lúa hạt gạo ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống nông dân cũng như bảo đảm an ninh lương thực của tỉnh.

Hiện giờ, thóc (khô) đang có giá 5.500-5.600 đồng/kg. Còn thóc giống (tươi) được Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi Quảng Ngãi (Trung tâm) thu mua với giá 6.200-6.300 đồng/kg.

Lúa rộ, giá giảm

Từ ngày 15.3 đến 30.4, Thủ tướng Chính phủ quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ đông xuân 2013-2014 và sáng 16.4, Việt Nam trúng thầu cung ứng 800 nghìn tấn gạo cho Philippine, nhưng những tin vui ấy không mấy tác động đến nông dân trong tỉnh. Bởi họ cho rằng, sự ưu ái lẫn cơ hội ấy chỉ dành cho “vựa” lúa gạo của cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long, chứ với nông dân Quảng Ngãi thì, làm lúa chỉ để…đảm bảo cái ăn và phục vụ chăn nuôi! Hơn nữa, theo bà con thì Đồng bằng sông Cửa Long cách xa Quảng Ngãi đến... 1.000 km nên giá lúa gạo sẽ “mạnh ai nấy nhảy”, chẳng ảnh hưởng gì nhau.

 

Thu mua thóc giống tại Trung tâm giống cây trồng vật nuôi Quảng Ngãi
Thu mua thóc giống tại Trung tâm giống cây trồng vật nuôi Quảng Ngãi


Nhận định trên của nông dân tuy có lý nhưng không hẳn là như vậy! Minh chứng điều này, ông Trương Văn Khánh - Trưởng Phòng kế hoạch, Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (Công ty CPNSTP) thông tin rằng, hiện giờ giá thóc khô ở Quảng Ngãi cao hơn Đồng bằng sông Cửu Long 100-200 đồng/kg. Nguyên nhân của sự chênh lệch có phần vô lý này là tuy sản lượng lúa Quảng Ngãi không lớn, nhưng hoạt động mua bán lại nhộn nhịp. Nhất là sự có mặt của Kho dự trữ quốc gia; rồi các công ty, trung tâm tiêu thụ không dưới 10.000 tấn thóc quy gạo mỗi năm (riêng Công ty CPNSTP thu mua 7-8 nghìn tấn thóc quy gạo/năm). Đó là chưa kể sự góp mặt của các cửa hàng, điểm xay xát.

Tuy nhiên, sự nhộn nhịp trên vẫn không giúp nông dân thoát khỏi cảnh “vào vụ, giá giảm”. Ngay lúc này, tức vụ đông xuân 2013-2014, dù trà chính chưa bước vào thời điểm thu hoạch rộ nhưng giá lúa đã bắt đầu giảm. Cụ thể, thóc giống (tươi) giảm 200-300 đồng/kg, thóc (khô) giảm 200 đồng/kg. Điều này đồng nghĩa với việc thương lái sẽ ép giá nông dân khi lúa được thu hoạch rộ vào giữa và cuối vụ. Lý do, “thương lái biết tụi tui vào vụ sản xuất hè thu sớm nên cần tiền để mua giống, làm đất, phân, thuốc”, lão nông Nguyễn Phỉ Bé ngụ thôn Phú Văn, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) cho hay.    

…Nông dân lo “bơi”

Giá lúa gạo “nhảy” ngay từ đầu vụ, khiến nông dân phải “bơi” với nhiều khoản phí khi bước vào vụ sản xuất mới. Vì nói như ông Bé: “Lúa có giá, dễ bán chỉ dành cho số ít những người sản xuất giống. Chứ với bà con làm lúa thường thì đâu dễ được thế”! Nguyên nhân, thứ nhất là định hướng sản xuất và tiêu thụ “vênh” nhau. Điều này thể hiện qua việc nông dân các địa phương trong tỉnh đã áp dụng nhiều kỹ thuật nhằm sản xuất lúa theo hướng hàng hóa-tức là năng suất đi đôi với chất lượng. Tuy nhiên, vì cho rằng “lúa, gạo bán được mấy đồng đâu mà tính” nên bà con không bận tâm nhiều đến chuyện sản phẩm của mình được đóng gói xuất ngoại hay chỉ làm thức ăn cho gia súc gia cầm (GSGC). Đây chính là thiệt thòi của nông dân. Theo ông Trương Văn Khánh thì: “Chênh lệch giá bán giữa gạo xuất khẩu và gạo làm thức ăn cho GSGC là rất lớn. Nhưng vì nông dân không để ý, cứ bán “sô”-cào bằng nên bị thua thiệt”.

Thứ hai, phẩm cấp gạo Quảng Ngãi không cao, trong khi việc thu mua lại qua tay quá nhiều trung gian. Ngay như Công ty CP NSTP, để có 7-8 nghìn tấn thóc dự trữ hằng năm, họ cũng phải nhờ lực lượng... thương lái gom hàng! Lý giải điều này, ông Khánh cho rằng lúa ở Quảng Ngãi gieo sạ theo kiểu “mỗi đám một giống” nên chất lượng gạo không đồng nhất. Hơn nữa, việc thu hoạch lúa không diễn ra trong cùng thời điểm nên lượng thóc thu về trong ngày quá nhỏ.

Để giải quyết vấn đề này, ông Trương Văn Khánh hiến kế rằng, lúa gạo Quảng Ngãi cần được “quy về một mối” do một tổ chức, tập đoàn hay hợp tác xã quán xuyến cả đầu vào và đầu ra của lúa gạo. Điều này không chỉ giúp phẩm cấp của lúa gạo được cải thiện (vì sẽ thay đổi tư duy sản xuất của nông dân), mà còn giảm chi phí trung gian không đáng có. Từ đó, giúp người làm lúa yên tâm bám ruộng và không phải lo “bơi” mỗi khi bước vào vụ sản xuất mới.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.