(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều người dân sau khi phun thuốc, chăm sóc đồng ruộng của mình đã vô ý bỏ lại các chai lọ, bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng, mương dẫn nước gây ô nhiễm môi trường. Nguy hiểm hơn là có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người nếu người dân dẫm phải mảnh thủy tinh từ các chai lọ này. Trước tình hình đó, một số địa phương trong tỉnh đã có những cách làm hay để bảo vệ môi trường.
Bảo vệ môi trường đồng ruộng
Sau một thời gian học hỏi kinh nghiệm, tham quan từ các xã bạn, bắt đầu từ vụ đông xuân 2013 - 2014, Hội Nông dân (HND) xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) đã kêu gọi, huy động các hội viên đóng góp xây dựng và đặt các “thùng rác đặc biệt” trên các cánh đồng để người dân tự giác bỏ các loại rác thải độc hại này.
Việc đặt các bi đựng bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật đã góp phần làm cho các cánh đồng sạch hơn. |
Loại “thùng rác đặc biệt” được đúc bằng xi măng. Theo ông Lê Văn Phục - Chủ tịch HND xã Nghĩa Thắng, HND dự định mua các ống bi có sẵn. Tuy nhiên, sau khi tính toán lại, các ống bi bán sẵn có kích thước lớn nên HND đặt đúc các bi theo kích thước chiều cao 60cm, đường kính 70cm nhằm không ảnh hưởng đến lối đi vốn nhỏ hẹp trên đồng ruộng. Trên các ống bi có in đậm các dòng chữ: “Hội Nông dân xã Nghĩa Thắng - Nơi bỏ vỏ thuốc BVTV”.
Hiện tại trên địa bàn xã Nghĩa Thắng có 31 điểm đặt các bi đựng rác thải, chủ yếu trên các cánh đồng dọc đường quốc phòng, Tỉnh lộ 63B. Cứ khoảng một tháng là Hội cử người đi kiểm tra và tiêu hủy bằng cách gom lại một chỗ và đốt. Hiện tại, HND xã Nghĩa Thắng đang phấn đấu huy động xây dựng 100 ống bi để đặt trên tất cả các cánh đồng của xã.
Còn tại xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) hiện có 29 điểm đặt bi trên 4 cánh đồng của xã. Việc thu gom, xử lý chất thải bảo vệ thực vật trên địa bàn do Hội Cựu chiến binh (CCB) xã tiên phong đảm nhận theo chủ trương của Hội CCB huyện về bảo vệ môi trường.
Theo ông Phan Văn Biên - Chủ tịch Hội CCB xã Nghĩa Thuận: Bức xúc trước thực trạng bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi khắp cánh đồng, năm 2011, ông đã nảy ra sáng kiến may 4 bao bố đặt trên đồng ruộng để người dân tự giác bỏ rác vào. Việc làm này đã được nhiều người dân hưởng ứng. Ông Biên kể: “Chỉ sau một thời gian 4 bao bố này đầy các chai lọ, bao bì. Tiếp tục phát huy, xã Nghĩa Thuận đang chuẩn bị đặt các bi đựng rác trên 2 cánh đồng còn lại của xã. Các chi hội trưởng của thôn trực tiếp thu gom, mua xăng đốt các bao bì, còn chai lọ tập trung để xe của Công ty Môi trường đến chuyển đi.
Việc đặt các bi đựng rác thải này tác động tích cực đến nhận thức của người dân trong việc thu gom, không vứt chai lọ, bao bì bừa bãi trên đồng ruộng. Nhiều người sau khi phun thuốc xong không còn tiện tay vứt xuống mương nước nữa. Nhiều cánh đồng trở nên sạch sẽ hơn. Các mương nước không bị nghẽn lại vì rác thải ứ đọng...”.
Lão nông Lâm Quang Trà (82 tuổi, xóm 1, thôn An Tây, Nghĩa Thắng) nói: “Đặt các bi đựng rác này có ích lắm!. Bà con có chỗ để bỏ mấy cái chai lọ vô đây”. Còn ông Nguyễn Quốc Việt (55 tuổi, xóm 3, thôn An Tây) cười hồ hởi: “Nông dân tụi tui hoan nghênh và cảm ơn HND đã tạo điều kiện để người dân có nơi bỏ rác. Mấy năm trước, chai lọ đựng thuốc trừ sâu đầy dưới các mương nước, vớt lên bỏ đầy đường, nhìn dơ bẩn lắm !”.
Tiếp tục nâng cao nhận thức cho nông dân
Tuy nhiên sau khi đi kiểm tra các bi đựng rác thải trên các cánh đồng, ông Lê Văn Phục trầm ngâm cho biết: “Thật ra vẫn còn nhiều người dân vẫn chưa nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường, nhiều người đi phun thuốc ở các cánh đồng nằm xa các bi đựng rác vẫn chưa tự giác mang rác ra bỏ đúng nơi quy định. Nhiều bi đựng rác trên các cánh đồng gần đường đi bị người dân “tận dụng” làm nơi đựng rác thải sinh hoạt trong gia đình”.
Cùng suy nghĩ trên, ông Phan Văn Biên cũng thẳng thắn: “Bên cạnh việc nhiều người dân tích cực tham gia vào mô hình này, còn một số ít vẫn chưa có ý thức. Tuy nhiên đây chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”.
Điều trăn trở tiếp theo là việc tiêu hủy vẫn mang tính chất thủ công. Việc đốt các bao bì, chai lọ, thải khí trực tiếp vẫn gây ô nhiễm đến môi trường. Dự định lâu dài của 2 xã trên là liên kết với công ty môi trường thu gom lại, mang đi tiêu hủy đúng nơi, đúng cách. Theo ông Lê Văn Phục thì, nhiều địa phương sau một thời gian sử dụng, nông dân “quên” các bi đựng rác, tiện tay vứt chai lọ, bao bì xuống đồng, mương nước. Các ống bi thay vì đựng rác, lại là nơi để cỏ dại mọc hoang um tùm, chuột sinh sôi. Điều quan trọng nhất là cán bộ xã phải luôn duy trì việc tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.
Bài, ảnh: Bảo Hòa