(Báo Quảng Ngãi)- Ba Tơ hiện là vùng nguyên liệu mía lớn nhất tỉnh. Tuy vậy, giá mía xuống thấp không đủ chi phí khiến người trồng mía chịu nhiều thua thiệt. Giải pháp nào để giữ vùng nguyên liệu mía là chuyện không chỉ của người trồng mía.
Vị đắng của mía
Trên các cánh đồng mía Ba Chùa, Ba Dinh, Ba Tô ...(Ba Tơ), hiện nay đồng bào đã thu hoạch xong vụ mía năm 2013-2014. Đất còn ẩm, các gốc mía đã bắt đầu nẩy mầm. Đây là thời kỳ đồng mía cần người dọn đồng, chăm sóc xới gốc, làm cỏ... Thế nhưng, nhiều cánh đồng chỉ trơ ra những gốc, lá khô và rất vắng bóng người. Uể oải cuốc từng lát xắn gốc mía, anh Phạm Văn Bôn - tổ 6 thôn Gò Ghem xã Ba Chùa bảo rằng: "Làm mía không có lãi. Phá gốc bỏ để trồng cây khác thì tiếc, mà kêu người làm thì tốn công và tiền của quá, nên một mình làm dần".
Chi phí giống, phân bón, công thu hoạch, vận chuyển chiếm khá lớn, trong khi giá mía lại hạ dài nông dân không có lãi. |
Sở dĩ anh Bôn than phiền là vụ mía năm qua anh thu hoạch không có lãi. Trên một đám ruộng chân cao trồng mía, anh thu được hơn 15 tấn nguyên liệu. Mặc dù Nhà máy đường Phổ Phong quy định mỗi tấn mía hàm lượng đường 10CCS mua 850 ngàn đồng. Nhưng mía của anh hàm lượng đường thấp nên bán chỉ được 650 nghìn đồng/tấn nên tổng số tiền bán mía được trên 9,7 triệu đồng. Anh ngao ngán: "Mấy năm trước cũng lượng mía như thế nhưng mình bán được 12 triệu đồng, chi tiêu đã chật vật, nhưng nghĩ ở đây đất đồi, đất chân cao không trồng mía thì trồng keo, nhưng keo trồng dài năm mới thu hoạch nên mình mới trồng mía. Bây giờ, thì giá mía xuống thấp quá thu hoạch trừ tiền đầu tư, phân bón, tiền vận chuyển ... thì chẳng còn bao nhiêu. Mấy hôm rồi mình định phá gốc trồng mì nhưng mía mới trồng được hai vụ nên phá thì tiếc, còn để lại thì đuối sức rồi".
Anh Phạm Văn Mết thôn Mô Lang (Ba Tô) sau khi ra thăm đồng mía cũng mệt mỏi than rằng: "Thấy giá mía hạ dài, nhiều hộ nản lòng. Mình vần công với họ để xới đất nhưng không ai đi cả, vì họ cần tiền chi tiêu trong mùa giáp hạt nên đi làm keo hết rồi". Nói rồi, ông chỉ những đám mía đang nẩy mầm lên xanh bảo: "Bấy nhiêu ruộng mía, thu hoạch bán cho nhà máy đường, họ tính được 11 tấn, trừ hết chi phí giống mía, phân bón, công thu hoạch, vận chuyển, năm ngoái còn được 5 triệu đồng, còn năm nay chỉ 3 triệu đồng”.
Vì vậy, mà nhiều cánh đồng mía ở huyện Ba Tơ đang trong thời kỳ chăm sóc nhưng một số nông dân đã bỏ trỗi, đi làm công kiếm tiền chi tiêu trước mắt. Đồng mía Ba Tơ đứng trước nguy cơ không đủ sức để phát triển.
Giữ vùng mía trọng điểm?
Những năm trước đây, khi ở các huyện đồng bằng nông dân phá mía trồng mì, trồng dưa kết hợp với trồng đậu, diện tích mía ngày càng thu hẹp. Nhà máy đường Phổ Phong đã nghĩ ngay đến việc xây dựng mô hình trồng mía trên đất dốc và chọn Ba Tơ làm hướng mở để phát triển vùng nguyên liệu mía trọng điểm của nhà máy.
Nhiều nông dân đồng bào dân tộc thiểu số thấy trồng lúa một vụ ăn nước trời hoặc những vùng gò đồi lâu nay trồng bạch đàn, keo nguyên liệu lâu có thu hoạch nên thấy chủ trương đầu tư của nhà máy hấp dẫn đã tình nguyện chuyển sang trồng mía. Nhờ đó, cây mía không chỉ đứng được trên địa bàn huyện Ba Tơ mà diện tích ngày càng tăng cao. Nếu như niên vụ 2011-2012 Ba Tơ chỉ có 793 ha thì năm 2012-2013 lên 884 ha và đến niên vụ 2013-2014 lên đến 1.004 ha với năng suất dự kiến đạt 60 tấn/ ha. Tuy vậy, hiện nay giá mía hạ, chữ đường thấp nên người trồng mía đang nản lòng là điều không thể khác được. Đây đó, ở xã Ba Dinh, Ba Tô, Ba Tiêu, Ba Ngạc và một số hộ dân nơi khác đã đào gốc mía chuyển sang trồng mì vì họ không thể kéo dài việc trồng mía với nguồn thu nhập không đủ bù chi phí.
Trao đổi với ông Tạ Công Tường - Quyền Giám đốc Nhà máy Đường Phổ Phong về giải pháp để giữ vùng nguyên liệu mía, ông cho rằng: Giá mía hạ dài là điều bất khả kháng, bởi ảnh hưởng giá đường của thế giới đang giảm. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu thì phải giữ, Nhà máy đường đã đưa ra nhiều giải pháp, trước mắt là trợ giá cho nông dân từ 160.000 - 180.000 đồng/tấn.
Tổng số tiền trợ giá trên 51 tỷ đồng. Đối với những diện tích trồng mới (từ đất màu kém hiệu quả chuyển sang trồng mía) trong vụ này, nhà máy sẽ hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; đồng thời vẫn duy trì chính sách hỗ trợ cho nông dân mượn vốn (không lấy lãi) để làm đất, mua giống, phân bón và cả công chăm sóc khi trồng mới. Sau khi thu hoạch vụ đầu, nhà máy chỉ thu hồi 60% tiền đầu tư. Số tiền còn lại sẽ trừ vào các vụ tiếp theo.
Về lâu dài, Nhà máy sẽ chuyển giao khoa học kỹ thuật cho toàn vùng mía trọng điểm trên 1.000 ha ở Ba Tơ, với năng suất bình quân 80 - 90 tấn/ha. Hiện Nhà máy đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai dự án phát triển vùng nguyên liệu mía tại huyện miền núi Sơn Hà, với diện tích 300 ha, dự kiến năng suất khoảng 80 - 90 tấn/ha. Trên cơ sở các vùng mía trọng điểm, các dự án triển khai thành công, Nhà máy sẽ triển khai trong toàn tỉnh để nông dân áp dụng kỹ thuật, trồng giống mía mới đạt năng suất, chất lượng đường như dự định thì người trồng mía sẽ có lãi cao. Thực hiện được điều này, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, nhà khoa học, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần vào cuộc quy hoạch vùng trồng mía liên thửa, liên vùng, để đưa cơ giới vào đồng ruộng, vào đất đồi, giúp giảm công trồng, chăm sóc, nâng cao chất lượng, năng suất mía... thì sẽ thu hút người trồng mía, giữ vững vùng nguyên liệu bền vững.
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN