"Chảy máu" tài nguyên rừng vùng giáp ranh

09:04, 21/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trữ lượng gỗ lớn, hệ sinh thái đa dạng và phong phú về chủng, loài nên rừng giáp ranh giữa 3 tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Kon Tum được xem là miếng mồi ngon mà lâm tặc đang nhòm ngó. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các ngành chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ…

Sau hai năm (2011-2013) thực hiện Quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng, lâm sản vùng giáp ranh giữa Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum, lực lượng chức năng của 3 tỉnh đã tổ chức 1.136 đợt kiểm tra, truy quét các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng. Qua đó, phát hiện xử lý 550 vụ; tịch thu 547m3 gỗ, 4 xe ô tô, 95 xe máy, 11 cưa xăng và nhiều dụng cụ khác; thu nộp ngân sách hơn 6,2 tỷ đồng. Riêng Quảng Ngãi, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tổ chức 803 đợt tuần tra, truy quét; phát hiện, xử lý 141 vụ; tịch thu 214m3 gỗ và 80 loại phương tiện; thu nộp ngân sách hơn 1,6 tỷ đồng.

Đối tượng phá rừng “nhờn” luật

“Vùng giáp ranh rộng, lại nằm ở vùng sâu vùng xa, hệ thống giao thông chính kết nối địa bàn 3 tỉnh hoàn thiện khiến các đối tượng phá rừng và buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép như được mọc thêm vây cánh; trong khi ngành chức năng đã thiếu phương tiện, lại yếu lực lượng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang khẳng định tại buổi họp sơ kết hai năm thực hiện Quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng, lâm sản vùng giáp ranh giữa 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum vừa được tổ chức tại Quảng Nam.

Lực lượng kiểm lâm truy quét các đối tượng phá rừng đốt than.
Lực lượng kiểm lâm truy quét các đối tượng phá rừng đốt than.


Tuy nhiên, ông Quang cho rằng, đó chỉ là lý do khách quan, còn mấu chốt của vấn đề “chảy máu rừng” chính là thực trạng đời sống của người dân vùng giáp ranh. Đó là dân trí thấp, cuộc sống khó khăn, đất sản xuất lại thiếu nên không chỉ lâm tặc, mà chính đồng bào dân tộc thiểu số cũng tham gia phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Lợi dụng điều này, bọn lâm tặc trà trộn và cùng tham gia với dân khiến việc xử lý của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Hơn nữa, lực lượng chức năng tham gia truy quét đối tượng phá rừng chỉ được quyền đẩy đuổi, tịch thu phương tiện chứ không được phép tiêu hủy, xử lý. Theo ngành chức năng 3 tỉnh, đây chính là lỗ hổng lớn nhất trong việc quản lý rừng, bảo vệ lâm sản. Mặc dù hiện giờ, một số địa phương như Quảng Ngãi, Quảng Nam cho phép lực lượng tham gia truy quét tiêu hủy tại chỗ phương tiện đã tịch thu nhưng biện pháp này cũng chỉ mang tính đối phó vì mất máy này, đối tượng phá rừng lại sắm máy kia. Thế nên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ đề xuất: “Cần phải tăng chế tài và hình thức xử lý theo hướng hình sự. Vì việc xử lý hành chính khiến đối tượng “nhờn” luật”.  

Cần tiếng nói chung

Vùng giáp ranh thường là khu vực xa, địa hình hiểm trở, dân cư thưa thớt, hành lang pháp lý lại chưa rõ ràng. Thế mới có chuyện “đất anh đất tôi, mạnh ai nấy quản”; kéo theo thời gian truy quét, tuần tra kiểm soát bị “vênh” nên đuổi bên này, đối tượng phá rừng lại chạy sang bên kia. Câu chuyện này đã và đang xảy ra tại khu vực khai thác vàng trái phép ở sông Bua - vùng giáp ranh giữa huyện Nam Trà My (Quảng Nam) và Sơn Tây (Quảng Ngãi).

Để giải quyết tình trạng trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ cho rằng: “Lực lượng chức năng các địa phương cần thường xuyên trao đổi thông tin cho nhau. Chứ bên này tổ chức truy đuổi, bên kia “bất động” thì bắt ai, ai bắt?”.

Vấn đề nổi cộm nữa là tình trạng một nhóm người phá rừng của tỉnh này, rồi chuyển sản phẩm sang tỉnh bạn để hợp thức hóa, mang đi tiêu thụ. Việc di chuyển tài nguyên rừng như thế khiến dư luận bức xúc và nghi ngờ có sự tiếp tay của lực lượng chức năng. Đơn cử như vùng giáp ranh các huyện Nam Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam) và Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plong (Kon Tum). Đã thế, nhiều nhà máy chế biến nguyên liệu giấy không biết vô tình hay cố ý lại trung chuyển sản phẩm “lậu” từ rừng, đó là trà trộn gỗ tự nhiên vào xe keo, mang đi tiêu thụ. Đến khi lực lượng chức năng phát hiện, yêu cầu phối hợp kiểm tra thì các nhà máy này lại bất hợp tác! “Rõ ràng khâu quản lý, phối kết hợp của kiểm lâm cũng như chính quyền cơ sở quá yếu kém”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Hải thẳng thắn bày tỏ.

Như vậy, để hạn chế tình trạng “chảy máu rừng”, vấn đề trước mắt là phải đảm bảo định mức đất sản xuất cho người dân vùng giáp ranh. Điều này vừa hạn chế tình trạng dân xâm canh xâm cư, vừa giúp bà con tránh bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo phá rừng vì lý do thiếu đất sản xuất. Ngoài ra, các tỉnh cũng cần xem xét cấp phép xây dựng thủy điện loại nhỏ vì thực tế “điện sinh ra ít, nhưng rừng lại mất quá nhiều”.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.