(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, nhờ cây keo nguyên liệu được giá mà cuộc sống của người trồng keo ở các huyện vùng cao Quảng Ngãi được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, do thời điểm “chín muồi” để thu hoạch cây keo đạt năng suất cao nhất kéo dài đến 5 năm, trong khi bà con không thể nhịn được những nhu cầu thiết yếu trước mắt nên dẫn đến tình trạng bán keo chưa đủ tuổi xảy ra phổ biến. Đây là bài toán khó cần lời giải để giúp cuộc sống người trồng keo bớt bấp bênh.
Cái khó do độc canh
Đi đến các huyện vùng cao Quảng Ngãi như Sơn Hà, Tây Trà, Ba Tơ… sẽ thấy cây keo phủ xanh bạt ngàn những ngọn đồi, triền núi. Nhờ chi phí trồng keo thấp, giá một cây keo con chỉ khoảng 1.000 đồng, lại sẵn đất đai phì nhiêu, cây keo trở thành kế mưu sinh chính yếu của nhiều người dân. Đặc biệt, với những người dân vùng cao bị núi đồi “che khuất”, thì cây keo gần như là chiếc “cần câu cơm” duy nhất mà họ có. Nhưng cũng vì quá trông chờ vào cây keo mà dẫn đến những thiếu thốn trước mắt không có hướng giải quyết.
Keo chưa đủ tuổi được bán cho tư thương. |
Thông thường, thời gian để thu hoạch keo là 4-5 năm, nhưng ngoài keo ra thì mỗi hộ dân chỉ có vài sào ruộng trồng lúa để kiếm gạo thổi cơm, trong khi cuộc sống hằng ngày cần nhiều khoản chi tiêu. Từ đó, cây keo vốn là của để dành, là tài sản dài hạn bỗng bất đắc dĩ trở thành “chỗ chỉ” lúc chủ nhân của nó rơi vào thế bí. Cũng vì bán keo chưa đủ tuổi mà người dân bị các đầu nậu ép giá, từ giá trung bình 50-60 triệu đồng/ha xuống còn 20-30 triệu đồng/ha.
Chị Lương Thị Kim ở thôn 5, xã Sơn Bao (Sơn Hà) vốn là người từng có vài hecta keo nay đã chuyển sang bán hàng tạp hóa giải thích: “Không phải người dân không nhận thức được, mà vô thế bí là phải bán thôi, lý do thì nhiều vô kể: Thiếu ăn, con đau, chồng ốm…”. Chính chị Kim đã phải bán keo non khi chồng chị bị tai biến cách đây 7 năm, chị Kim nghẹn ngào: “Chồng chị đau lâu quá, keo cũng bán non rồi đến khi kiệt quệ phải bán rẫy luôn…”.
Phép thử xen canh, luân canh
Nhiều người trồng keo đã tận dụng diện tích trồng keo để xen canh, luân canh cây mì. Nhưng do trồng mì đòi hỏi nhiều chi phí và công chăm sóc, nên phần lớn người trồng mì là những hộ khá giả, và thường không bán keo non.
Những hộ nghèo thì đất ít, lại không có vốn đầu tư và phương pháp khoa học để trồng xen canh cây khác nên cái vòng tròn luẩn quẩn thiếu tiền-bán keo cứ lặp lại. Người có lợi nhất là các chủ đầu nậu, họ có thể áp đặt giá khi người dân không còn lựa chọn nào khác.
Chị Nguyễn Thị Hẹn (thôn Đông Hòa, xã Tịnh Giang) có 10 sào keo. Tuy có diện tích keo khá cao nhưng chị Hẹn cho biết vẫn chuộng trồng mì hơn vì cho thu nhập nhanh. Khi trồng mì được 1-2 năm, đất xấu đi chị lại trồng keo. Ngoài xen canh thì luân canh cũng là một lựa chọn với những trường hợp như chị Hẹn, nhưng phần lớn đều tự phát, thiếu sự hướng dẫn khoa học của các cơ quan chuyên trách nên dẫn đến hiệu quả không cao, dễ làm đất canh tác suy thoái, bạc màu.
Bài toán khó của việc trồng keo cần thêm sự vào cuộc của các cơ quan chuyên trách nông nghiệp để giúp đỡ bà con tìm ra lời giải. Giải bài toán canh tác cây keo cũng là giải bài toán nâng cao cuộc sống của bà con nông dân trồng keo ở tỉnh ta.
Bài, ảnh: Hoàng Linh