Vùng cát trắng chuyển mình

02:03, 08/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có một thời chưa xa, nhắc về vùng bãi ngang xã Đức Minh (Mộ Đức), người ta thường liên tưởng đến những dải cát trắng nối dài ngút tầm mắt. Mùa nắng đi bỏng chân người, mùa mưa gió thổi thông thốc. Bây giờ, trên vùng đất này đã phủ một màu xanh của mì, đậu, của cây trái quanh năm. Ngoài mé biển, các dịch vụ phục vụ khách du lịch mọc lên bên các vuông tôm chạy dài bên mép sóng. Vùng cát trắng Đức Minh đang chuyển mình.

TIN LIÊN QUAN

Mùa này về xã Đức Minh, ghé các chợ quê rất dễ nhận biết cuộc sống của bà con nơi đây qua các hàng nông, hải sản. Những gian hàng cà chua xứ đồng cát, hàng củ nén, rau bí, tần ơ, rau thơm đủ loại bày bán xanh mướt. Ai cũng chào mời, rau ở quê không phân thuốc gì, mua đi!

 

Nhờ kỹ thuật thâm canh mới, con tôm đã sống trở lại trên vùng cát ven biển Đức Minh.
Nhờ kỹ thuật thâm canh mới, con tôm đã sống trở lại trên vùng cát ven biển Đức Minh.


Đến hàng cá, những con cá trích, cá sòng, cá ngân, mực ống còn tươi rói được các bạn chài đánh bắt ở biển ngang mới đưa vào. Thứ gì cũng rẻ, cũng tươi ngon. Nhiều người bảo, nơi này gạo, thức ăn đều tự sản xuất. Nuôi tôm, nuôi bò, hay trồng mì, trồng đậu kiếm tiền để làm nhà, cho bọn nhỏ ăn học...

Trên con đường nhựa ra bãi biển Đức Minh, bên cạnh những ngôi nhà tầng kiên cố xây dựng hai bên đường là những vườn cà chua, vườn mì đang vào mùa thu hoạch rộ. Chị Phùng Thị Đây, thôn Minh Tân Nam đang thu hoạch cà chua, cho biết: "Nhờ trồng 2 sào cà chua mà có tiền đi chợ hằng ngày. Trước Tết, cà chua được giá 9.000 - 10.000 đồng/kg nên cũng thu được khá tiền. Trên mảnh đất cát trắng này, nhiều người phải bỏ vào Nam, mình nhận làm rồi phân thành nhiều khoảnh nhỏ. Chỗ trồng bắp, chỗ trồng mì, trồng đậu để lấy bột, lấy cây nuôi bò".

Nhà chị Đây nuôi hai con bò đã đến kỳ xuất chuồng. Chị ước chừng trên 50 triệu đồng, nhưng vẫn chưa bán. Ngoài chăn nuôi, trồng trọt, vợ chồng chị Đây còn nuôi tôm với diện tích 500 m2. Có một thời con tôm đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình chị. Rồi, khoảng 2 năm trở lại đây, con tôm cũng đã lấy đi của gia đình chị nhiều tiền của.

Nhờ biết xoay xở, trồng cây lấy trái, lấy rau, lấy cỏ trên đồng cát trắng, mà cuộc sống chị Đây tạm ổn. Năm nay, chị quyết tâm vào Phổ Quang (Đức Phổ) học kỹ thuật nuôi tôm mới để mong kiếm thu nhập. Thay vì mua tôm giống về thả trực tiếp vào hồ nuôi thì nay chị làm nhà lồng đưa vào ươm giống thêm 1 tháng tuổi. Đến khi con tôm cứng cáp chị mới thả vào hồ. Kỹ thuật chăm sóc tôm cũng khác nhiều. Trước đây, sục khí ở mặt hồ thì nay, chị đặt ống sục khí dưới đáy và cả trên mặt hồ. Vì vậy, những ngày trước trong và sau Tết thời tiết thay đổi thất thường nhưng con tôm vẫn phát triển tốt, đến nay hơn 2 tháng tuổi.

Nhờ kỹ thuật nuôi tôm mới, mà ở cánh đồng Minh Tân Nam, ông Bùi Tấn Cầu vừa thu hoạch được 7 tấn tôm, trừ chi phí ông thu về hơn 500 triệu đồng. Mùa tôm ở Đức Minh mới bắt đầu, nhưng mỗi lần thả con giống xuống, hay ra hồ thăm tôm, ai cũng nhớ, cũng nghĩ, cũng nhắc về sự nuôi tôm thành công của ông Cầu trong năm qua. Nhiều người nuôi tôm ở Minh Tân Nam đã nghiệm ra sự thành công của ông là nhờ kỹ thuật nuôi tôm mới: Ươm giống trước, sục khí ở đáy hồ, thả tôm giống với mật độ thưa, cộng nhiều yếu tố khác mà con tôm đã sống trên đồng đất đã từng xảy ra dịch bệnh.

Trong khi chờ thu hoạch tôm, ở phía trong các cánh đồng cát trắng Đức Minh, bà con bắt đầu thu hoạch mì, đóng giếng khoan để trồng lại hoa màu. Ông Bùi Tấn Phụ cho biết, đất cát nhưng nếu biết kỹ thuật thâm canh thì mì cũng lắm củ! Tuy mì ưa với đồng cát trắng, nhưng mùa nắng, nơi đây không cây gì mọc nổi. Ông cùng bà con nghĩ cách đóng giếng khoan. Cứ nửa tháng, hoặc một tháng thì  chạy nước một lần. Tháng 3-4 gặp mưa giông, đến tháng 6 - 7 tưới dặm, là mì có thể qua một năm đến kỳ thu hoạch. Tiền chi phí không cao, nhưng trên 1 sào, ông Phụ đã thu được 4 tấn mì tươi. Ông không bán ngay mà "bắt" củ mì sinh lợi tiếp. Ông cắt lát phơi khô, rồi máy lấy bột đầu tư nuôi bò. Nhờ cách làm này, mà một năm ông thu về trên 25 triệu đồng tiền bán bò.

Trên vùng đất cát trắng này, kể từ ngày bãi biển Đức Minh được quy hoạch thành khu du lịch biển, những con người lam lũ trở nên uyển chuyển hơn khi mở quán buôn bán. Dịp xuân về, ngày lễ, tết bãi biển Đức Minh thu hút khá đông du khách. Con cá bắt từ biển lên, con tôm được vớt từ hồ bên cạnh, bán cho du khách gần xa, bà con đã có thêm một nguồn thu đáng kể.

Sau những ngày lễ tết, bà con lại trở về với đồng đất quê nhà canh tác. Những ngư dân vùng bãi ngang, lại chèo thúng, đưa ghe nhỏ ra khơi. Họ đã góp nhặt đồng tiền từ biển mặn, từ đồng cát trắng để xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con cái học hành đàng hoàng. Vùng bãi ngang Đức Minh đang phát triển từng ngày...

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN

 


.