(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi thu hoạch xong vụ đậu đông xuân, không cho đất nghỉ, người dân Thanh Thủy đã tranh thủ làm đất, xuống giống vụ hành nước. Nhiều hộ còn phá keo, dương liễu để chuyển sang trồng hành với mong muốn có nguồn thu nhập khá hơn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn) có hơn 550 hộ dân, thì đã có hơn 80% hộ sống bằng nghề trồng hành. Mặc dù chưa có thương hiệu, nhưng do cây hành ở Bình Hải làm trái vụ so với cây hành ở Lý Sơn nên luôn bán được giá. Nhờ cây hành mà nhiều người đã thoát nghèo, có cuộc sống khá giả hơn.
Người dân Thanh Thủy hối hả vào vụ hành nước. |
Sau thời gian trồng keo không đem lại hiệu quả, ông Đỗ Sang quyết định phá keo chuyển sang trồng hành. Ông Sang chia sẻ: “Trước đây, tôi nghĩ trồng hành vất vả, tốn nhiều công. Trong khi đó trồng keo không tốn công chăm sóc, có thời gian nhàn rỗi để đi làm việc khác, vì vậy mấy sào đất tôi đều trồng keo. Tuy nhiên, tính ra sau 4 - 5 năm mà thu hoạch chẳng được mấy đồng. Trong khi những người khác trồng hành thì 5 năm đã thu lãi được mấy trăm triệu rồi. Giờ tôi quyết định chuyển sang trồng hành”.
Đang là công nhân lương mỗi tháng khoảng 4 triệu đồng, nhưng anh Nguyễn Văn Dự lại quyết định xin nghỉ việc để thuê đất trồng hành. Bởi theo anh Dự, làm công nhân tuy có đồng lương hằng tháng, nhưng tính ra chi phí này nọ thì cũng chẳng có dư giả gì. Và chính sự chịu khó, tin tưởng vào cây hành mà đời sống gia đình anh đã khá giả hơn. Cụ thể, chỉ riêng năm 2013, cây hành đã mang lại cho anh gần 400 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, anh thu lãi khoảng 250 triệu đồng. Đối với anh cũng như nhiều người nông dân khác, đây là số tiền không hề nhỏ.
Tuy không phải ai cũng có thu nhập cao như anh Dự, nhưng ở Thanh Thủy, trung bình mỗi hộ cũng thu nhập được khoảng 60 – 70 triệu đồng/năm nhờ trồng hành. So với trồng bắp, đậu và trồng lúa ở những vùng khác thì cây hành Thanh Thủy đem lại hiệu quả cao hơn nhiều, thời gian cho thu hoạch lại ngắn, giúp người dân có thu nhập, ổn định cuộc sống.
Mặc dù cây hành đã và đang đem lại hiệu quả cao cho người dân Thanh Thủy, tuy nhiên, để phát triển được cây hành trên vùng đất này, người dân cũng đã gặp phải không ít khó khăn. Trong đó nguồn nước tưới là một trong những trở ngại lớn nhất.
Cây hành là cây rất cần nước, từ ngày xuống giống cho đến khi thu hoạch hầu như ngày nào cũng phải tưới nước. Để có được nguồn nước tưới đủ cho cây hành, người dân phải đào nhiều giếng rất sâu. Đặc biệt, vào mùa nắng, nguồn nước lại càng trở nên khan hiếm hơn. Đó là chưa kể những hộ có đất ở cách xa nguồn nước phải chạy tới 2 mô tơ, 4 đường điện mới có thể đưa nước về ruộng hành được. Còn đối với những hộ không thể chạy nước bằng điện thì chi phí đội lên rất cao.
Chị Nguyễn Thị Trúc cho biết: “Tôi có 6 sào đất ở khu vực xóm núi Đồng Mịnh. Vì nơi đây cách xa đường dây điện sinh hoạt, nên tôi chỉ có thể chạy nước bằng dầu. Chỉ tính riêng tiền chạy nước, một vụ tôi phải bỏ ra gần 4 triệu đồng để tưới 6 sào hành. Như vậy tính ra chi phí cao gấp 3 lần so với những người chạy nước bằng điện. Trồng hành có lãi, nhưng chi phí cao quá nên cũng khổ cho nông dân. Giờ chỉ mong sao Nhà nước đầu tư thêm đường điện để việc sử dụng điện của bà con nơi đây được thuận tiện hơn”. Mong mỏi của chị Trúc cũng là mong mỏi của hàng trăm hộ dân ở vùng đất cát nơi đây.
Bài, ảnh: HỒNG HOA