Sơn Tây: Người dân kém mặn mà thu hoạch cau

02:03, 20/03/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Thời điểm này, hàng ngàn hecta cau  ở huyện miền núi Sơn Tây đang bước vào cuối vụ thu hoạch. Năm nay, giá cau ở mức thấp, tiền bán cau không đủ tiền công thu hái nên không ít người dân kém mặn mà với việc thu hoạch cau.

TIN LIÊN QUAN

Những ngày này, đi dọc theo tuyến đường từ xã Sơn Dung lên xã Sơn Long không khó để người đi đường bắt gặp hình ảnh những buồng cau chín đỏ au khắp các rẫy cau, thế nhưng rất ít người dân đi thu hoạch cau về để bán. 
 
Dạo quanh các rẫy cau, chúng tôi chỉ thấy lác đác vài người đi thu hoạch cau. Đang nhặt những quả cau chín rụng đỏ dưới những gốc cau, chị Đinh Thị Trên ở xã Sơn Dung cho biết: Gia đình tôi trồng khoảng 1.000 cây cau, những năm trước cau tươi được giá, mỗi mùa thu hoạch gia đình tôi có được tiền triệu là chuyện bình thường. Tuy vậy, năm nay giá cau xuống thấp, số tiền thu về chẳng được bao nhiêu. 
 
Theo chị Trên, trước đây thương lái thu mua cau tươi, nhưng những năm gần đây thương lái chỉ mua cau hạt với giá từ 4.000 đồng- 5.000 đồng/kg. "Ngày trước người ta mua cau tươi thì mình chỉ việc hái cau về bán thôi, nhưng bây giờ mình hái cau về còn phải tách bỏ vỏ lấy hạt mới bán được rất mất thời gian. Cứ khoảng 2-3kg quả tươi mình tách bỏ hết vỏ thì được khoảng 1kg hạt tùy theo quả cau nhỏ hay lớn"- chị Trên cho hay.
 
 
Nhiều rẫy cau, cau chín đỏ thế nhưng vắng người thu hoạch
Nhiều rẫy cau, cau chín đỏ thế nhưng vắng người thu hoạch.
 
Qua tìm hiểu của chúng tôi, chính việc thương lái chỉ mua cau hạt, trong khi giá cau hạt không cao khiến cho không ít người dân kém mặn mà trong việc thu hoạch. 
 
Chỉ tay về phía những hàng cau trĩu quả, anh Đinh Văn Xinh ở xã Sơn Dung lắc đầu: Cau thì sai quả đấy nhưng giá cả như thế này nhiều khi không muốn thu hoạch, bởi có khi tiền bán cau không đủ tiền công thu hoạch. 
 
Anh Xinh tính, vừa công hái cau và bóc vỏ cau, một người làm giỏi lắm một ngày chỉ được khoảng 10kg cau hạt. Với giá bán hiện nay, bình quân chỉ được khoảng trên 50 nghìn đồng. Trong khi đó, tiền công đi phát rẫy keo, chặt keo, lột vỏ keo... cũng từ 120 nghìn đồng- 150 nghìn đồng/ngày.
 
"Hầu như bây giờ thanh niên chủ yếu đi làm thuê nhiều hơn là đi thu hoạch cau, bởi tiền thu hái và bổ lấy ruột để bán không bằng tiền công đi làm thuê, nên chỉ có phụ nữ và người già, người không có việc làm mới làm công việc thu hoạch cau. Chính vì vậy nên lượng cau chín nhiều, thu hoạch không kịp, thậm chí nhiều người còn bỏ cau chín rụng đầy gốc"- anh Xinh cho biết.
 
Việc bóc tách vỏ cau rất tốn thời gian, trong khi đó, giá cau hạt không cao, nên người dân kém mặn mà trong việc thu hoạch
Việc bóc tách vỏ cau rất tốn thời gian, trong khi đó, giá cau hạt không cao, nên người dân kém mặn mà trong việc thu hoạch.
 
Chị Nguyễn Thị Kim Ánh- một thương lái thu mua cau ở xã Sơn Dung, cho biết: Mấy năm trước thời điểm này, số lượng cau mà tôi mua ước gần 200 tấn. Tuy nhiên năm nay, tôi mới chỉ mua được khoảng 50 tấn. Mặc dù, theo chị Ánh, giá cau hạt như thời điểm này là tạm chấp nhận được. Bởi nhiều nơi, thậm chí cây cau còn bí đầu ra.
 
Được xem là xứ sở của cau, ở Sơn Tây, cây cau phủ kín khắp các vườn nhà, vườn đồi và hầu như người dân nơi đây, nhà nào cũng có trồng cau.Theo thống kê, toàn huyện Sơn Tây hiện có khoảng hơn 1.400 ha cau, trong đó có khoảng 80% diện tích cho quả. 
 
Có thể nói, đây là loại cây xóa đói giảm nghèo được đông đảo người dân đặc biệt quan tâm kể từ khi trái cau được ào ạt xuất khẩu sang Trung Quốc và nhiều nước khác. Mấy năm trước đây, có thời điểm giá cau tươi dao động từ 10 - 12 nghìn đồng/kg, lúc đắt giá lên đến 16 nghìn đồng/kg và  cây trồng chủ lực này cũng đã giúp nâng cao đời sống và thu nhập cho nhiều người dân trên địa bàn huyện. Song ấy là khi bên Trung Quốc "ăn" mạnh mặt hàng này, mà chỉ "ăn" toàn cau tươi, nhưng bây giờ thì khác, đầu ra đang gặp khó do phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
 
Giá cả của sản phẩm cau bấp bênh do phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc
Giá cả của sản phẩm cau bấp bênh do phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
 
Theo anh Nguyễn Thanh Hưng- một thương lái thu mua cau ở Sơn Tây cho biết: Giá cau phụ thuộc vào phía Trung Quốc, họ nhập thì cau sẽ có giá, nhưng nếu họ ngưng thì ngay lập tức giá rớt thê thảm. Trong khi người dân và các thương lái thu mua cau đều rất thiếu thông tin, không thể biết khi nào họ ngừng nhập. Lời hay lỗ cũng nhờ may rủi. Mặt khác, các thương lái thu mua cau còn bán qua nhiều khâu trung gian vì thế mà giá thành thu mua trong dân cũng theo đó mà giảm xuống.
 
Cây cau từ nhiều năm nay được xem là cây "xóa nghèo" của huyện miền núi Sơn Tây, tuy nhiên, đầu ra chưa ổn định, giá cả bấp bênh, khiến không ít người dân tỏ ra thiếu kiên nhẫn với loại cây trồng này. Câu chuyện đầu ra cho cây trồng chủ lực này ở nơi được mệnh danh là "xứ sở ngàn cau" đặt ra cho chính quyền huyện Sơn Tây lúc này là  cần có phải có những giải pháp để tìm kiếm đầu ra ổn định cho cây cau, giúp người dân vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.
 
 
Bài, ảnh: N.Đức
 

.