(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 15.3, tại huyện đảo Lý Sơn, Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức ghi hình chương trình “Ngày mùa quê em – 2014” với chủ đề “Hướng ra biển lớn”. Đây không chỉ là một chương trình truyền hình mà thực sự đó là thông điệp mà hàng ngàn ngư dân ở Lý Sơn muốn gửi đến đông đảo người dân trong và ngoài nước về quyết tâm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu của Tổ quốc…
Mỗi năm một chương trình, năm 2014, VTV2 chọn Lý Sơn đại diện cho nghề đánh bắt hải sản của ngư dân miền Trung để thực hiện. Đây là một cơ hội tốt để ngư dân Lý Sơn thể hiện niềm tự hào bám biển, vừa làm kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tiếng gọi từ Hoàng Sa, Trường Sa…
Anh Lê Khởi – ngư dân tiêu biểu đại diện cho ngư dân Lý Sơn được chọn để giao lưu trong chương trình “Hướng ra biển lớn”. Giọng nói chắc, mặn như muối biển, anh Khởi bảo rằng: “Dẫu thiên tai, nhân tai ngày càng gia tăng trên biển, nhưng với ngư dân Lý Sơn hễ nhổ neo ra khơi là tìm đến Hoàng Sa, Trường Sa”. Anh Khởi đã nói hộ lòng của những người con đất đảo hùng binh Hoàng Sa này. Bến cảng Lý Sơn những ngày đầu tháng 3 chẳng còn mấy chiếc tàu nằm bờ nữa là minh chứng cho tinh thần vững lòng bám biển. Còn ông Trần Ngọc Nguyên – Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn khẳng định: “Kinh tế biển, trọng tâm là đánh bắt hải sản xa bờ là định hướng mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở Lý Sơn. Chính quyền sẽ làm hết sức mình để ngư dân an tâm bám biển”.
Biểu diễn nghệ thuật trong chương trình “Ngày mùa quê em - Hướng ra biển lớn” tại Lý Sơn. |
Phiên biển đầu năm Giáp Ngọ - 2014, nhiều tàu cá ở Lý Sơn trúng đậm, thu nhập mỗi lao động trên tàu vài chục triệu đồng sau một chuyến ra khơi. Trở về từ Hoàng Sa, Trường Sa với cá ngừ vi vàng, hải sâm, tôm hùm, có giá trị xuất khẩu cao, thu lợi nhuận lớn đã bù đắp công sức của ngư dân sau những ngày lênh đênh cùng sóng gió biển khơi. Ông Nguyễn Quốc Chinh– Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải (Lý Sơn), người được ngư dân gọi bằng cái tên thân thương là “máy trưởng I-com” cũng được chọn tham gia khách mời của chương trình.
Những câu chuyện kể, những mẩu chuyện vui “trúng mùa được giá” và cả những nỗi niềm trăn trở của ngư dân đối với nhân tai trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được chuyển tải ngắn gọn, trung thực, súc tích, thổi hồn biển, sức mạnh ngư dân vào chương trình “Hướng ra biển lớn”. Chắc hẳn nhờ những “người thật, việc thật” từ hòn đảo Lý Sơn này, chương trình sẽ có sức hút lớn, chinh phục khán giả cả nước khi được phát sóng.
Đoàn kết trên biển
Lý Sơn hiện có khoảng 430 tàu cá, tổng công suất gần 48.000 CV; trong đó hầu hết là tàu công suất lớn phục vụ đánh bắt xa bờ. Năm 2013 là năm Lý Sơn có nhiều thành công trong nghề đánh bắt hải sản. Tổng sản lượng đạt hơn 37.000 tấn, chiếm 1/3 tổng sản lượng khai thác toàn tỉnh; giá trị sản xuất đạt 261 tỷ đồng. Huyện đảo hiện có 2 nghiệp đoàn nghề cá làm điểm tựa vững chắc cho ngư dân an tâm bám biển. Ngoài “dìu nhau” làm kinh tế, các đoàn viên còn kịp thời có mặt chia sẻ những khó khăn trong hoạt động đánh bắt trên ngư trường.
Đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Lý Sơn. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ là vị khách mời khá đặc biệt của chương trình. Với phần trả lời về những quan tâm, hỗ trợ của tỉnh đối với ngư dân Lý Sơn, ông Phạm Trường Thọ đã một lần nữa khẳng định chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi luôn quan tâm, sát cánh cùng ngư dân, đặc biệt là ngư dân Lý Sơn trong hoạt động đánh bắt hải sản ở Hoàng Sa, Trường Sa. Mỗi khi ngư dân gặp hoạn nạn thiên tai, nhân tai, luôn nhận được sự động viên, chia sẻ kịp thời từ triệu tấm lòng hướng ra biển lớn.
Những năm qua, Quảng Ngãi đã có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực giúp ngư dân bám biển, như hỗ trợ nhiên liệu, hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu cá công suất lớn; hỗ trợ vay vốn mua sắm tàu, ngư lưới cụ; đầu tư nạo vét thông luồng, xây dựng, mở rộng cảng cá, trong đó có vũng neo đậu tàu thuyền An Hải – nơi tổ chức “phim trường” của Chương trình “Ngày mùa quê em” chủ để Hướng ra biển lớn…
Tổ quốc trên những chuyến tàu
Đại diện Hội nghề cá Việt Nam, ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch hội đã khẳng định trong phần giao lưu chương trình “Hướng ra biển lớn” được quay hình tại Lý Sơn chiều 15.3 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là chủ quyền của Việt Nam. Ngư dân đánh bắt trên vùng biển này là hoàn toàn hợp pháp. Sự có mặt của ngư dân ở những ngư trường truyền thống này góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Mỗi chuyến tàu ra khơi, với ngư dân huyện đảo Lý Sơn, ngoài lương thực, thực phẩm, nhiên liệu cần thiết, còn có một vật không thể thiếu được: Đó là những lá cờ Tổ quốc – cờ đỏ sao vàng 5 cánh! Trên nóc mỗi con tàu không chỉ là một lá cờ mà hai, ba, bốn lá cờ. Tàu lướt sóng, cờ tung bay, ba ngày hai đêm là đến Hoàng Sa buông neo đánh cá. Tàu cá Lý Sơn có mặt ở vùng biển nào là hình ảnh Tổ quốc hiện diện ở nơi ấy. Đằng sau những con tàu là triệu triệu người Việt Nam luôn “Hướng ra biển lớn”, hướng về ngư dân Lý Sơn nơi Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu…
Bài, ảnh: THANH NHỊ