(Baoquangngai.vn)- Năm nào, huyện Minh Long cũng được chọn để xây dựng những mô hình khuyến nông nhằm đem lại hiệu quả cao trong chăn nuôi, sản xuất cho người dân. Nhưng một số mô hình thất bại đã khiến người dân phải than trời vì bỏ công sức mà chẳng thu gặt được gì từ những mô hình này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thất bại mô hình điểm
Giữa năm 2013, ông Lê Xuân Dũng ngụ ở thôn Minh Xuân, xã Long Mai (Minh Long) được Trung tâm khuyến nông tỉnh chọn làm mô hình điểm nuôi cá thác lác cườm với kinh phí 40 triệu đồng. Ông Dũng là người có kinh nghiệm nuôi cá nước ngọt nhiều năm nay nên khi nghe được hỗ trợ nuôi giống cá mới, ông rất vui mừng vì nghĩ đây là cơ hội để có phát triển loại cá mới với thu nhập cao hơn.
Ông Dũng cho hay: Tôi được hỗ trợ 4.000 con cá thác lác cườm, thả nuôi trong diện tích 500 mét vuông mặt nước. Tôi còn được hỗ trợ thức ăn và tập huấn kỹ càng trước khi nuôi.
Nuôi cá thác cườm thất bại, gia đình ông Dũng đã quay trở lại nuôi cá trê truyền thống |
Dù kỹ thuật nuôi và chăm sóc khó hơn những loại cá khác rất nhiều lần, nhưng ông Dũng vẫn dốc lực cho giống cá mới. Trong lòng người nông dân khấp khởi mừng thầm vì nghe nói, giống cá này chỉ sau 7-8 tháng xuất thành phẩm với giá gần 100.000 đồng/kg. Thế nhưng, càng miệt mài với đàn cá, ông Dũng lại càng thất vọng. Được nuôi đến tháng thứ 5, con cá nào cũng chỉ to bằng 2 ngón tay.
Đến cuối năm 2013, bất lực nhìn đàn cá nuôi hoài chẳng lớn, ông Dũng quyết định bàn giao lại cho cán bộ khuyến nông xử lý. “Với công sức bỏ ra cho cá thác lác cườm, chắc tôi đã thu về hơn 50 triệu đồng khi nuôi cá trê, cá trắm... Tôi phải giao lại toàn bộ mà không có một đồng nào”- ông Dũng tâm sự.
Hiện tại ông Dũng đã quay trở lại nuôi giống cá trê truyền thống. Với loại cá này, chỉ nuôi trong 5 tháng thì ông đã thu hoạch được cá thành phẩm nặng 0,3-0,5 kg, với giá bán 60-70 nghìn đồng/kg. “Dù giá rẻ hơn cá thác lác cườm, nhưng tính đi tính lại vẫn lợi nhuận hơn rất nhiều, lại không tốn quá nhiều công”- ông Dũng kết luận.
Chuối ngự thành… chuối “ngún”
Đó là cách nói vui của nhiều hộ nông dân khi nhìn thấy kết quả của mô hình trồng chuối ngự cũng ở thôn Minh Xuân, xã Long Mai (Minh Long). Chưa hết thất vọng vì mô hình cá thác lác cườm của gia đình ông Dũng thất bại hoàn toàn, bà con trong thôn lại than trời với mô hình trồng hơn 1.500 cây chuối ngự được đầu tư hơn 50 triệu đồng từ nguồn vốn 30a của huyện Minh Long.
Hơn 1.500 cây chuối ngự của mô hình không phát huy hiệu quả. Khi cao bằng nửa thân người thì cây chuối bắt đầu bị rụi. |
Tháng 8.2013, gia đình ông Phạm Luận được cấp 100 cây giống chuối ngự để vun trồng trong vườn. Vốn có kinh nghiệm trồng chuối hơn 10 năm nay, ông Luận chắc mẩm loại chuối này sẽ không gây khó dễ. Nhưng sự thật lại rất phũ phàng. “Cán bộ khuyến nông cấp cho tôi 2 bao vôi và 30kg phân NPK. Tôi và 16 hộ dân được cấp chuối giống được tập huấn đến 2 lần. Nhưng sau 2 tháng trồng thì cây chuối bắt đầu quắn ngọn rồi ngún rụi dần”- ông Luận nói.
Đem thắc mắc lên hỏi cán bộ khuyến nông thì các hộ dân được hướng dẫn chặt bỏ hết vì chuối đã mắc bệnh, không hợp thổ nhưỡng. Ông Phạm Luận lại là người may mắn nhất trong số 17 hộ tham gia trồng chuối ngự khi trong vườn nhà ông vẫn còn một cây trổ buồng. “Cứ mỗi lần nhìn buồng chuối ngự nhỏ xíu đang trổ thì tôi lại tiếc công sức. Hơn 5 tháng ươm trồng 100 cây chuối, giờ thu hoạch về được 1 buồng chuối!”- ông Luận não nề.
Cây chuối ngự duy nhất trổ buồng trong số hơn 1.500 cây được trồng từ tháng 8.2013 |
16 hộ gia đình còn lại cũng chẳng khá hơn khi cây chuối mới lên nửa thân người đã bắt đầu ngã rụi. “Mô hình khuyến nông nào cũng thất bại, từ cá đến chuối thì ai dám làm thêm mô hình nào nữa. Thiệt phí một đống tiền. Tui nghĩ trước khi đưa về dân thì cấp trên đã thí nghiệm, khảo sát kỹ càng rồi chứ”- Bà Nguyễn Thị Luận chép miệng khi nhìn khu đất từng trồng hơn 50 gốc chuối ngự, giờ chỉ là một bãi đất trống.
Theo thống kê của Trạm khuyến nông huyện Minh Long, mỗi năm hoạt động khuyến nông, lâm, ngư nghiệp có nguồn kinh phí khoảng 250 triệu đồng. Thông qua từ 4-6 mô hình khuyến nông mỗi năm, Trạm khuyến nông đặt ra mục tiêu truyền đạt những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hàng trăm hộ dân hưởng lợi. Nhưng kết quả trên thực tế thu về lại trái ngược so với mục tiêu đề ra.
Không riêng ở Minh Long, thực trạng mô hình khuyến nông được xây dựng công phu nhưng không hiệu quả khi đến với dân đã xảy ra phổ biến lâu nay. Nếu ngành chức năng không có biện pháp nâng cao hiệu quả, thì việc lãng phí tiền của và công sức của người nông dân sẽ còn tiếp diễn.
PV