Chuyển quyền sử dụng đất ở khu đô thị: Đất có hồi sinh?

08:03, 02/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ ngày 5.1.2014, hộ gia đình, cá nhân được chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ) trong khu đô thị để tự xây dựng nhà ở. Quy định này được công bố tại Thông tư liên tịch số 20, được Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ ban hành nhằm hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 11 của Thủ tướng Chính phủ. Thông tư 20 được kỳ vọng sẽ là giải pháp làm “sống dậy” thị trường bất động sản đang “đóng băng”. Nhưng liệu điều đó có dễ dàng trở thành hiện thực?

Đất "chuyển động" theo thông tư

Thông tư 20 quy định, việc thực hiện chuyển QSDĐ đã được đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở tùy theo nhu cầu phát triển đô thị, khả năng huy động các nguồn lực, đề xuất của chủ đầu tư, UBND cấp tỉnh quy định các khu vực được chuyển QSDĐ đã được đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.

 

Việc cho phép phân lô, bán nền đem lại nhiều hy vọng cho các doanh nghiệp bất động sản.
Việc cho phép phân lô, bán nền đem lại nhiều hy vọng cho các doanh nghiệp bất động sản.


Các khu vực được thực hiện chuyển QSDĐ đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở có thể bao gồm một khu vực gồm nhiều dự án; một dự án hoặc một phần trong dự án. Về khu vực được chuyển QSDĐ đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc của khu vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, an sinh xã hội và nhu cầu về nhà ở của địa phương.

Khu vực được chuyển QSDĐ phải được đầu tư hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, bao gồm các công trình dịch vụ và các công trình hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, các tuyến cấp điện, chiếu sáng, thông tin, cấp thoát nước) theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển QSDĐ cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ cho người dân khi đến ở...

Ông Phạm Tấn Hoàng - Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Các quy định của Thông tư 20 là rất chung chung. Do đó, để áp dụng đối với từng đô thị trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng đang làm đề án trình UBND tỉnh xem xét, quyết định dự án nào sẽ được “phân lô, bán nền”. Việc này phải hết sức cẩn thận, vì nếu không xác định được chỗ nào được chuyển nhượng QSDĐ, chỗ nào không, thì rất dễ phá vỡ quy hoạch chung của tỉnh. Vì vậy, đưa ra các tiêu chí cụ thể để sắp xếp các khu đô thị theo đúng quy định là rất cần thiết. Chứ không phải khu đô thị nào cũng được chuyển QSDĐ cả.

Người dân có được lợi?

Ông Phan Gia Minh - Giám đốc Công ty CP Bất động sản Minh Hoàng, cho rằng: Việc cho phép người dân được mua đất trong khu đô thị sẽ tạo thuận lợi cho những người có nhu cầu nhà ở thực sự. Họ mua đất, sau đó xây nhà theo ý muốn. “Thông tư 20 ban hành sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản giảm được chi phí xây thô, chủ đầu tư có thể tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ. Lô đất nền giá sẽ rẻ hơn và người mua cũng dễ tiếp cận.

Ngoài ra, việc tái phân lô bán nền trở lại, thị trường bất động sản sẽ không sốt nóng ngay mà tăng tính thanh khoản cho các chủ đầu tư”- ông Minh nói.

Thế nhưng, trái với sự lạc quan của các doanh nghiệp, người dân không khỏi băn khoăn về sự xuống giá của thị trường bất động sản. Anh Nguyễn Thanh Nam (tổ 1, phường Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi) bày tỏ, với thu nhập hiện nay, những người có nhu cầu về nhà ở khó lòng mà mua được đất trong khu đô thị. Bởi lẽ, giá đất tại đây quá cao, chỉ có những “đại gia” hoặc các nhà đầu tư ôm đất sau đó chờ giá lên cao mới bán may ra có đủ tiền mua. “Thông tư 20 chỉ nhằm giúp đỡ doanh nghiệp, còn người dân thì khó mà hưởng lợi từ chính sách này”- anh Nam trăn trở.

Thông tư 20 ra đời cho phép người dân được mua đất trong các khu đô thị sau khi có hạ tầng nhằm “giải cứu” thị trường bất động sản và giúp doanh nghiệp đỡ khó khăn. Tuy nhiên, người dân có thu nhập thấp hoặc trung bình cũng khó có đủ tiền để mua đất trong khu đô thị. Theo các chủ dự án khu đô thị trên địa bàn tỉnh, giá đất ở các khu đô thị không dưới 550 triệu đồng/nền (diện tích khoảng 100m2). Hơn nữa, giả sử có mua được đất thì nhiều hộ cũng phải mất từ 5 - 10 năm mới đủ tiền xây nhà. Điều này sẽ tạo nên một khu đô thị nhếch nhác do thiếu đồng bộ.

Theo các chuyên gia bất động sản, câu chuyện phân lô, bán nền đã có từ lâu. Sau này Nhà nước đã cấm và yêu cầu doanh nghiệp phải thi công bán nhà. Nhưng trên thực tế, trước khi thông tư ra đời, nhiều khu đô thị trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện việc phân lô, bán nền công khai. Bây giờ chính thức cho phép bán trở lại, người dân phải tự xây dựng còn doanh nghiệp chịu trách nhiệm hợp thức hóa thủ tục, điều này sẽ làm tăng phí tổn cho người dân.
Xem ra, con đường “phá băng” cho bất động sản vẫn còn xa...


   Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU
 


.