Chủ tàu thời..."khan" lao động đi biển

11:03, 31/03/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Số lượng tàu thuyền mỗi ngày một tăng, song lao động đi biển ngày càng giảm khiến mỗi chuyến ra khơi nhiều chủ tàu ở Quảng Ngãi phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm  "bạn" đi biển. Và vì "bạn" nhiều chủ tàu gặp không ít chuyện "dở khóc, dở cười" ....

Muốn ra khơi phải "mua bạn"

Giờ tìm "bạn" (lao động làm thuê trên tàu) đi biển căng lắm!- Là câu nói cửa miệng mà chúng tôi nghe được từ chính quyền địa phương cũng như các chủ tàu đánh bắt xa bờ ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) khi chúng tôi đề cập đến vấn đề tìm lao động đi biển. Chuyện thiếu lao động đi biển ở một địa phương với nghề truyền thống là nghề biển thoạt nghe có vẻ khó tin nhưng đó là chuyện đang diễn ra tại nơi có đội tàu thuộc dạng hùng hậu nhất tỉnh.

Theo thống kê, hiện đội tàu ở Phổ Thạnh có 952 chiếc, tổng công suất trên 175.000 CV. Trong đó, có 646 tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 90Cv- 600 Cv chủ yếu hành nghề giã cào.  "Bình quân mỗi tàu đánh bắt xa bờ cần bình quân từ 10- 12 lao động. Uớc tính lượng lao động địa phương chỉ đáp ứng được 2/3 lượng lao động, còn lại 1/3 (khoảng 500- 700 lao động), các chủ tàu phải đi thuê mướn ở những nơi khác"- ông Nguyễn Duy Trinh- Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho biết.

 

tàu thuyền ngày càng phát triển trong khi lượng lao động ngày càng giảm nên chủ tàu rất khó khăn tìm bạn cho mỗi chuyến ra khởi
Tàu thuyền ngày càng phát triển trong khi lượng lao động ngày càng giảm nên chủ tàu rất khó khăn tìm "bạn" cho mỗi chuyến ra khơi.


Việc ngày càng có nhiều ngư dân quay lưng với biển khơi, chuyển đổi sang các nghề bờ, hoặc đi đánh bắt gần bờ đã gây khó cho nghề đánh bắt xa bờ trong tìm kiếm lao động. Bây giờ, mỗi chuyến ra khơi, chủ tàu phải chạy ngược, chạy xuôi tìm "bạn" đi biển đã thành chuyện thường ngày ở xứ biển này.

Ông Phan Hiển- Chủ nhiệm HTX Dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ xã Phổ Thạnh cho biết: Lao động đi biển ngày càng khan hiếm, chủ tàu muốn có lao động đi biển buộc phải "mua bạn", chi tiền cho cò tìm "bạn"... là "luật bất thành văn" hầu như chủ tàu đánh bắt xa bờ nào của xã Phổ Thạnh cũng phải thực hiện khi muốn đủ "bạn" ra khơi đánh bắt, không cần biết chuyến ra khơi có trúng hay không trúng.

Chia sẻ về vấn đề này, ngư dân Nguyễn Mẫu ở thôn Thạch Bi 1- chủ đôi tàu hành nghề giã cào ở vùng biển Bà Rịa Vũng Tàu bày tỏ: "Bạn" trước khi bước chân xuống tàu thường đòi chủ tàu phải ứng trước từ 5-10 triệu đồng, thậm chí đến 20 triệu đồng/người. Chủ tàu cho mượn tiền trước mới đi, còn không thì chuyển sang tàu khác đáp ứng được những yêu cầu này.

Theo nhiều chủ tàu, những năm gần đây, các chủ tàu rất khó tìm lao động đi biển ngay tại địa phương, nhiều trường hợp, để đủ lao động, chủ tàu thuê luôn cả những lao động ở các huyện miền núi nơi không có kinh nghiệm với nghề sóng gió. Và cũng vì chuyện "lên núi tuyển ngư dân" mà không ít chủ tàu lâm vào cảnh "dở khóc, dở mếu". Bởi, có những trường hợp do lâu nay chỉ quen với cảnh núi rừng, cho nên khi mới vừa bước xuống tàu thì đã say mềm nằm bẹp suốt chuyến....

 

Tìm
Thường những tàu làm ăn khá, việc giữ chân lao động dễ dàng, nhưng nhưng tàu làm ăn không hiệu quả thì rất khó giữ chân "bạn"


Việc tìm người lao động đi biển đã khó,giữ chân lao động càng khó hơn. Qua tìm hiểu của chúng tôi, trong thời buổi cạnh tranh "bạn" giữa các chủ tàu để giữ chân "bạn", nhiều chủ tàu đã tìm mọi cách khác nhau.

Cách để giữ chân ngư dân tiếp tục đi "bạn" cho mình phổ biến nhất được các chủ tàu áp dụng hiện nay là bỏ tiền túi ra cho mượn, ứng trước. "Nhiều lúc dù trong túi không còn một cắc, thế nhưng khi lao động hỏi ứng, ngay lập tức chủ tàu phải vui vẻ đi "bốc nóng" để cho mượn vô thời hạn, với lãi suất 0%"- Ngư dân Nguyễn Mẫu ở thôn Thạch Bi 1 cho hay.

Chủ tàu nếm quả lừa

Lợi dụng cơn sốt thiếu lao động không ít "bạn" đi biển làm "giá". Thậm chí, nhiều trường hợp "bạn" đi biển ứng tiền cùng lúc nhiều chủ tàu lấy tiền tiêu xài rồi đến khi tàu xuất bến thì những lao động này mất hút, khiến chủ tàu vừa mất tiền tạm ứng vừa phải hủy cả chuyến ra khơi vì thiếu lao động. Đây đang là thực trạng làm đau đầu các chủ tàu. Bởi, hầu như chủ tàu nào ở Phổ Thạnh cũng "ngậm trái đắng" vì "bạn".

Là một trong những nạn nhân bị "bạn" đi biển lừa ứng tiền trước hàng chục triệu đồng để tiêu xài rồi quỵt tiền, ông Trần Văn Lưu (50 tuổi) ở thôn Thạnh Đức 2 bức xúc nói: Càng ngày, vấn đề "bạn" đi biển lừa đảo chủ tàu lấy tiền ngày càng nhiều, khiến chủ tàu rất bức xúc. Bản thân tôi và 4 chủ tàu khác ở cùng xã đã gửi đơn lên chính quyền địa phương và các cấp để giải quyết, xử lý răn đe các đối tượng lừa đảo này. Tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.

 

Ông Trần Văn Lưu lật cuốn sổ ghi số tiền cho
Ông Trần Văn Lưu lật cuốn sổ ghi số tiền cho "bạn" ứng trước


Nói về việc này, nhiều chủ tàu bày tỏ, việc bị "bạn" mượn tiền, nhưng lại đi "bạn" cho tàu khác ở đây ai mà chẳng gặp, với số tiền từ vài chục đến cả trăm triệu đồng chứ ít đâu. Thế nhưng vì là cùng làng xóm, lại ngại phải đưa nhau đến chính quyền... nên các chủ tàu thường khoanh nợ để khi nào họ quay trở lại đi thì trừ. Bởi dù có đến đòi thì "con nợ" cũng không có tiền để trả.. Không ít trường hợp, lợi dụng không có gì ràng buộc trong khi mượn tiền, nên "bạn" quỵt tiền không trả, chủ tàu cũng phải đành chịu.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Trinh- Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh thừa nhận: Vấn đề chủ tàu bị lao động lừa gạt để lấy tiền đang là vấn đề bức xúc của các chủ tàu hiện nay. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã nhận được những đơn thư liên quan đến vấn đề này và đã chuyển đơn thư này lên các cấp có thẩm quyền để giải quyết.

Ôm nợ vì "bạn"

Ông Phan Hiển- Chủ nhiệm HTX Dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ xã Phổ Thạnh cho rằng, tàu cá mỗi khi ra khơi đánh bắt không sợ lỗ tổn mà chỉ sợ lỗ vì "bạn" đi biển. Bởi xu thế hiện nay, phần thắng luôn nghiêng về phía "bạn" đi biển. "Ngày trước, số tiền chia cho "bạn" phụ thuộc vào từng chuyến biển đánh bắt được nhiều hay ít mà số tiền chia nhiều hay ít. Còn bây giờ, "bạn" ứng tiền trước nên chuyến biển dù có thua lỗ cũng không lấy lại tiền ứng trước được, bao nhiêu phí tổn chủ tàu gánh hết. Còn chuyến nào trúng có lãi phải thưởng thêm"- ông Hiển cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi chuyến biển, cùng với hàng trăm triệu chủ tàu bỏ ra lo chi phí ban đầu thì mỗi chuyến ít nhất chủ tàu cũng bỏ ra không dưới 100 triệu đồng để ứng trước cho bạn mới mong đủ bạn đi biển. Chính vì thế, trong điều kiện ngư trường cạn kiệt, nhiều chuyến ra khơi đánh bắt không đủ để bù vào chi phí bỏ ra ban đầu, khiến không ít chủ tàu ôm nợ.

Bà  Võ Thị Cúc (58 tuổi) ở Thạch Bi 2 chủ đôi tàu hành nghề giã cào nói như than với chúng tôi: Chỉ tính riêng năm vừa rồi đôi tàu bà làm làm ăn thua lỗ hơn 1 tỷ. Lỗ thì mình chịu, chứ "bạn" thì không thể lấy lại tiền họ ứng trước được. Thậm chí, "bạn" bỏ sang đi tàu khác đánh bắt hiệu quả hơn thì coi như số tiền cho "bạn" mượn mất trắng. "Từ ngày xuống tàu đến giờ tui mất trắng hơn 700 triệu cho "bạn" mượn. Nếu tình hình cứ tiếp tục như thế này, chắc tui phải bán tàu để trả nợ"- bà Cúc lo lắng.

Tuy làm ăn thua lỗ, thiếu "bạn" nhưng bà Cúc không thể để tàu nằm bờ. "Mỗi ngày tàu nằm bờ, bụng dạ tôi như lửa đốt, không biết lấy gì để trả nợ vì đa phần tiền mua tàu đều vay của ngân hàng, nên cũng phải cố tìm mọi cách ra khơi ” - bà Cúc chia sẻ.

 

Mỗi chuyến ra khơi, chủ tàu phải gánh rất nhiều chi phí
Mỗi chuyến ra khơi, chủ tàu phải gánh rất nhiều chi phí, ngoài phí tổn còn có cả tiền cho "bạn" ứng trước.


Thậm chí, vì tình trạng khan hiếm "bạn" không ít chủ tàu đành ngậm ngùi bán tàu, vì càng để tàu nằm bờ thì càng lỗ và không thể trả nổi chi phí phát sinh tiền lãi vay ngân hàng.

Từng là ông chủ của bốn chiếc tàu cá công suất lớn chuyên hành nghề giã cào, gia sản có đến vài tỉ đồng, nhưng giờ đây ông Võ Tiếp ở thôn Thạch Bi 1 đành ngậm ngùi bán tàu. Hôm gặp chúng tôi, ông Tiếp cho biết, hiện ông đã bán một đôi, còn lại một đôi đang neo đậu ở Vũng Tàu để rao bán.

Rót chén nước mời chúng tôi, gương mặt hơi đượm buồn, ông Tiếp kể, gắn bó với nghề biển từ hơn 40 năm nay, giờ bán tàu về nhà cũng nhớ biển lắm. Mỗi năm nếu có "bạn" đi đầy đủ thì một năm với 2 đôi tàu, trung bình ông cũng kiếm được hơn 1 tỷ. Nhưng không bán thì không được, vì trong thời điểm này, việc kiếm "bạn" rất khó khăn, trong khi đó tàu càng nằm bờ thì càng lỗ vì tốn rất nhiều chi phí phát sinh. "Đôi tàu tôi đang neo đậu ở Vùng Tàu rao bán, mỗi tháng tôi phải thuê người coi gần 3 triệu/tháng"- ông Tiếp cho hay.

Qua trao đổi với ông Võ Tiếp, chúng tôi được biết, không riêng gì ông mà cùng hoàn cảnh như ông ở đây cũng đã có 5- 10 đôi tàu được các chủ tàu bán hoặc chuyển nhượng cho người khác.

Thực tế, hiện nay cơn sốt khan hiếm lao động nghề biển không chỉ xảy ra ở riêng Phổ Thạnh mà đang lan rộng ở nhiều vùng biển khác trong tỉnh.


***

Có thể nói, với thực tế nguồn lao động chỉ là sự chắp vá, được chăng hay chớ, vừa thiếu đào tạo bài bản, vừa khó có thể chủ động được nguồn cung ứng. Tình trạng thiếu hụt lao động nghề biển là một trong những biểu hiện của sự bấp bênh nguồn nhân lực nghề biển hiện nay. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần nâng cao chất lượng đánh bắt, thu nhập cho lao động nghề biển thì mới mong giải tỏa được tình trạng thiếu hụt lao động như hiện tại.

 

Bài, ảnh: Bảo Ngọc
 


.