(Báo Quảng Ngãi)- Cây cà gai leo (có nơi gọi cà quánh, cà vạnh, cà cườm, cà gai dây) là một trong những cây dược liệu quý hoang dại đang bị thương lái ồ ạt thu gom ở khắp các địa phương trong tỉnh. Điều đáng nói là dù tình trạng này đang diễn ra sôi động, nhưng dường như các ngành chức năng của tỉnh vẫn chưa có hướng xử lý...
Ồ ạt gom cà gai leo tự nhiên
Vào vai nhân viên thu thuế của Chi cục thuế huyện, tôi cùng ông Nguyễn Văn Chí, cán bộ phụ trách thương mại-dịch vụ xã Hành Đức (Nghĩa Hành) tiếp cận điểm thu gom và sơ chế cây cà gai leo với quy mô lớn tại trụ sở Công ty TNHH Phương Duy Hưng (Công ty) ở thôn Xuân Vinh. Trái với vẻ vắng lặng phía ngoài, bên trong cánh cổng nhỏ hẹp của Công ty là không khí mua bán rất nhộn nhịp. Trong khi người dân, thương lái các nơi bốc dỡ cây tươi cân bán, thì 8 lao động (trong đó có 7 người nói giọng Bắc) cũng hối hả với việc băm, phơi và ép dăm cà khô thành bánh trước khi chất lên xe đi tiêu thụ. Nhìn sân phơi, kho chứa đầy kín cây cà, ông Chí nói: “Chỗ này rộng gần 1 ha, nghĩa là lượng cà gai leo ở đây cũng không dưới trăm tấn”.
Băm cây tươi, trữ dăm khô tại kho của Công ty Phương Duy Hưng. |
Thấy chúng tôi mải mê quan sát, một thanh niên tên Đào, tự nhận là nhân viên phụ trách nguyên liệu của Công ty Dược Tuệ Linh (Hà Nội) có vẻ khó chịu và thận trọng. Thế nhưng khi biết mục đích của chúng tôi là “xem tình hình hoạt động để nghiên cứu thu thuế” thì Đào niềm nở, bảo rằng cứ đến mùa nắng, Công ty Dược Tuệ Linh lại tiến hành thu mua cà gai leo tươi để sản xuất dược phẩm, rồi xuất sang... Châu Âu! Thế nhưng khi chúng tôi có nhã ý muốn xem sản phẩm của Tuệ Linh để biết, rồi mua dùng thì Đào lại từ chối.
Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, lượng cây cà tươi gom vào hằng ngày tại đây là rất lớn nên Đào phải thuê mặt bằng của Công ty làm điểm tập kết và tiến hành sơ chế. Ngoài ra, Đào còn có một “chân rết” gom cây cà gai leo tươi đóng tại thôn Kỳ Thọ Nam (Hành Đức) với công suất 5 - 7 tạ/ngày. Cả hai điểm này đều thu mua cây tươi với giá 6.000 đồng/kg.
Cùng với Hành Đức, tại thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) cũng có một điểm thu gom cây cà gai leo tươi nằm trước cổng Công ty nông lâm sản Thanh Bình hoạt động rất nhộn nhịp. Bởi ngoài việc đường sá thuận lợi, thì giá thu mua cây tươi ở đây đến 6.500 đồng/kg nên hút rất nhiều người dân và thương lái ở các huyện Mộ Đức, Đức Phổ, Tư Nghĩa tìm đến giao hàng.
Tự phát ươm, trồng
Tình trạng thu gom ồ ạt, rồi kiểu thu hoạch “lấy trọn bộ rễ” đã khiến cây cà gai leo tự nhiên ngày càng cạn kiệt; trong khi giá bán của loại cây trên không ngừng tăng lên mỗi năm. Nắm bắt điều này, ông Nguyễn Đức Tuệ ngụ xã Hành Trung (Nghĩa Hành) nhận mình là đối tác của Công ty Dược Tuệ Linh, tiến hành ươm giống, rồi ký hợp đồng trồng cây cà gai leo với người dân.
Điều đáng nói là, những nội dung cam kết của ông Tuệ về việc cung ứng cây giống sạch, phân bón và bao tiêu đầu ra (giá sàn 4.000 đồng/kg cây tươi) không thông qua chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp, nhưng hiện giờ rất nhiều nông dân hăm hở tìm đến cà gai leo những mong… đổi đời!. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến chuyện lợi nhuận mà loại cây này mang lại thì, cả ông Nhơn lẫn bà con nông dân đang có ý trồng nó đều lắc đầu bảo “chưa biết”. Lý do là từ trước đến giờ, họ chỉ lên núi đào bán chứ chưa bao giờ tự trồng. Trong khi các thông số “năng suất 1,5 tấn/sào/năm, mỗi lứa thu hoạch được 4 năm, rồi doanh thu đạt gần 10 triệu đồng/sào/năm với giá bán 6.500 đồng/kg cây tươi” là do ông Tuệ đưa ra, chứ nó chưa được các ngành chức năng xác nhận và kiểm chứng. Ngay ông Tuệ cũng thừa nhận rằng “đó là kết quả khi tiến hành trồng thử nghiệm”!
Tiềm ẩn hậu họa
Với mục đích thu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng… mà hàng loạt mặt hàng nông lâm sản, dược liệu quý như cây cà gai leo đã bị thương lái ồ ạt “bứng” gốc. Và mặc dù không biết thương lái thu mua hàng số lượng lớn nhằm mục đích gì, vận chuyển đi đâu, chế biến “món” gì nhưng người dân vẫn lên rừng chặt cây nhổ gốc về bán. Hậu quả nhãn tiền của hành động này chính là nguồn dược liệu tự nhiên bị “chảy máu”. Đó là chưa kể vì lợi ích trước mắt và cả tin, người dân lại ồ ạt phá rừng, cây rau màu để lấy đất ươm trồng cà gai leo. Đến khi cây mọc thành rừng thì hoặc sản phẩm đại hạ giá, hoặc thương lái lặn mất tăm. Bài học cũ này đến giờ vẫn mới. Nhất là khi nhiều người dân manh nha ươm trồng cây cà gai leo.
Tuy nhiên, điều đáng nói là trách nhiệm của các ngành chức năng trong việc kiểm tra và quản lý. Bởi dù hoạt động mua bán cà gai leo, loại cây trồng mà ông Bùi Văn Long - Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi khẳng định là “dược liệu rất quý” đang diễn ra nhộn nhịp trên quy mô toàn tỉnh, nhưng chính quyền các địa phương và ngành chức năng vẫn chưa có động thái xử lý.
Ngay điểm thu gom cà gai leo ở Công ty TNHH Phương Duy Hưng, dù đã hoạt động hơn một tháng nay, nhưng chưa một lần có sự kiểm tra, kiểm soát của chính quyền lẫn ngành nông nghiệp địa phương. Lý giải điều này, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Đức Nguyễn Sĩ Hải bảo: “Là dược liệu quý, nhưng cà quánh mọc hoang dã nên mình không thể cấm người dân nhổ bán. Còn điểm thu mua thì chúng tôi chịu, không thể xử lý được”. Trong khi đó, Trưởng phòng NN&PTNN huyện Nghĩa Hành Đàm Bàn lại cho rằng: “Phòng chưa nắm được tình hình thu mua, ươm trồng cà gai leo vì... xã không báo cáo!”.
Về mặt quản lý toàn tỉnh, “quả bóng” trách nhiệm lại được ba đơn vị liên quan là Sở NN&PTNT, Sở TN&MT và Sở Y tế "chuyền" nhau. Trong khi Sở NN&PTNT bảo rằng “cà gai leo là loại cây nằm ngoài danh mục trồng và chăm sóc của ngành nông nghiệp” thì, Sở TN&MT lại nói “cà gai leo chưa được công nhận là tài nguyên”; còn Sở Y tế thì khẳng định “ngành y tế chỉ biết khuyến cáo người dân khai thác hợp lý, còn việc bảo tồn bảo vệ thì phải đợi chủ trương của các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương”!
Như vậy, dù là dược liệu quý có tác dụng chữa và hỗ trợ điều trị các bệnh xơ gan, viêm gan, phong thấp, tê thấp... nhưng hiện giờ, sự tồn vong của cây cà gai leo vẫn do thương lái quyết định. Điều này khiến nhiều thầy thuốc đông y, cả những người am hiểu tác dụng của các loại cây thuốc Nam lo lắng, khắc khoải. Họ bảo, lẽ nào cứ phải đợi đến khi cà gai leo tuyệt chủng, chúng mới được đưa vào diện quy hoạch bảo tồn?
Bài, ảnh: MỸ HOA