(Baoquangngai.vn)- Với hương vị đặc trưng riêng, cây chè trên đất Trà Nham (Tây Trà) đã được nhiều người biết đến. Song, hiện nay cây chè Trà Nham đang gặp rất nhiều khó khăn do đầu ra khá bấp bênh, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân.
Những ngày cuối tháng Giêng, chúng tôi có dịp về xã Trà Nham, dọc theo con đường dẫn vào trung tâm xã ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là màu xanh của những đồi chè, rẫy chè xen lẫn cùng những rẫy keo, mì... Được thiên nhiêu ưu đãi khí hậu mát lạnh quanh năm, thổ nhưỡng hết sức phù hợp, Trà Nham được biết đến là xã vùng cao duy nhất của huyện Tây Trà phát triển được cây chè.
Tiếp chúng tôi tại trụ sở làm việc, ông Hồ Văn Nhân- Chủ tịch UBND xã Trà Nham vừa nhanh tay rót nước chè được nấu từ lá chè tươi của địa phương mời khách, vừa vui vẻ nói: Đây là giống chè quý của địa phương, được chăm bón tự nhiên, không sử dụng hóa chất. Bởi vậy, chè nơi đây có được hương vị tự nhiên đặc trưng riêng mà chè ở những vùng khác không có được, khi uống có vị thơm, ngọt thanh, mát dịu. Những ai đã từng một lần thưởng thức sẽ không thể quên được hương vị đặc trưng của nó.
|
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, cây chè phát triển khá tốt trên đất Trà Nham. |
Vừa uống nước chè xanh, Chủ tịch xã Hồ Văn Nhân vừa trò chuyện với chúng tôi. Ông Nhân bảo, cây chè từ lâu đã trở thành cây trồng chủ đạo trong đời sống nông nghiệp của bà con nhân dân xã Trà Nham, đặc biệt là ở thôn Trà Vân. "Ước tính, những năm trước diện tích chè trên ở địa phương lên đến cả trăm hécta, đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho bà con địa phương. Song, những năm gần đây giá chè bấp bênh, trong khi các loại cây trồng khác mang lại nguồn thu nhập cao hơn, nên nhiều người dân ở địa phương phá bỏ những rẫy chè hàng chục năm tuổi để trồng các loại cây khác. Hiện nay, diện tích chè trên địa bàn chỉ còn vài chục hécta"- ông Nhân trăn trở.
Quả thực, có một thực tế hiện nay, thu nhập từ cây chè vẫn chưa đảm bảo được cho cuộc sống của người dân Trà Nham. Toàn bộ sản phẩm chè khi thu hoạch các hộ dân đều phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Ước tính bình quân, mỗi ngày có khoảng 1 tấn chè lá tươi của người dân Trà Nham bán ra thị trường. Song, việc tiêu thụ chè hoàn toàn phụ thuộc vào tiểu thương dưới xuôi lên thu mua dẫn đến việc nhiều tiểu thương ép giá. Đầu ra cho cây chè khó khăn, giá cả bấp bênh đã khiến cho không ít người dân ở Trà Nham lúng túng và phân tán tư tưởng trong trồng và chăm sóc cây chè.
Ôm bó chè lá trên tay, ông Hồ Văn Bảnh (62 tuổi) ở thôn Trà Vân cho hay: Thời điểm hiện tại, 1kg chè lá cũng chỉ bán được khoảng 1.000 – 1.500 đồng. Bó chè này khoảng 12kg nhưng các tiểu thương dưới xuôi lên chỉ mua khoảng 15 nghìn đồng/bó. "Nhà tôi có hơn 3ha chè, nhưng thu hoạch từ chè mỗi năm lãi cũng chỉ được vài ba triệu đồng, tùy giá cả của từng vụ"- ông Bảnh cho biết.
Thế nên, dù là một trong những người tâm huyết lâu năm với cây chè, gắn bó và tự hào với cây chè địa phương song gia đình ông cũng như nhiều hộ trồng chè khác vẫn phải trồng thêm cây trồng khác để trang trải cuộc sống.
|
Đầu ra khó khăn đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế của người trồng chè. |
Trước thực tế này, để hồi sinh cây chè và bảo tồn giống chè quý của địa phương và đưa cây chè trở thành cây trồng thế mạnh của xã, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định, giúp bà con nông dân phát triển kinh tế. Trong 2 năm qua, từ nguồn vốn của chương trình 30a, UBND xã Trà Nham đã triển khai thực hiện phương án "Hỗ trợ phát triển cây chè địa phương" tại thôn Trà Vân và bước đầu đạt kết quả khả quan.
"Với lợi thế điều kiện tự nhiên thuận lợi và giống chè quý của địa phương, cây chè nếu được đầu tư đúng mức, bài bản, đầu ra ổn định... sẽ thực sự trở thành cây thoát nghèo của người dân. Bởi trên cùng một đơn vị diện tích, so với các cây trồng khác thì cây chè hiệu quả kinh tế cao hơn. Cây chè trồng một lần nhưng thu hoạch được nhiều năm sau đó, trong khi cây keo từ lúc trồng đến khi thu hoạch phải mất 5- 7 năm. Cùng với đó, tiền công thuê vận chuyển, công thu hoạch... người trồng keo lãi không bằng người trồng chè trên cùng 1 đơn vị diện tích. Đấy là tính toán khi cây chè có giá. Chứ hiện tại như bây giờ thì hiệu quả kinh tế của cây chè chưa như mong muốn của người dân"- ông Hồ Văn Sinh ở thôn Trà Vân tính toán. |
Với phương án này, chính quyền địa phương xã Trà Nham đã tiến hành hỗ trợ cây giống, phân bón và kỹ thuật... cho người trồng chè; hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích chè cằn cỗi, diện tích đất kém hiệu quả sang trồng các giống chè mới cho năng suất cao.
Ông Hồ Văn Nhân- Chủ tịch UBND xã Trà Nham phấn khởi: Trong 2 năm 2012 và 2013 địa phương đã hỗ trợ người dân khôi phục và trồng mới được gần 20ha chè, nâng tổng số diện tích chè của địa phương lên trên 30 ha.
Song, ông Nhân trăn trở: Việc hồi sinh cây chè bước đầu đã có những kết quả khả quan, tuy nhiên vấn đề đầu ra cho cây chè đang là bài toán khó đối với chính quyền địa phương. Địa phương đang rất mong sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành có những hỗ trợ, đầu tư nhất là đầu ra cho cây chè được thuận lợi để cây chè phát triển hiệu quả và thực sự trở thành cây thoát nghèo của người dân, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Bài, ảnh: Bảo Ngọc