(Báo Quảng Ngãi)- Trước và trong Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, "sức khỏe" cây lúa được đánh giá là tốt, ít dịch bệnh. Vậy nhưng hiện giờ, hàng loạt diện tích lúa vụ đông xuân lại bị các loại dịch hại như chuột, bệnh đạo ôn đe dọa. Bên cạnh đó, thời tiết nóng lạnh bất thường cũng là một yếu tố làm cho cây lúa sinh trưởng khó khăn…
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 900 ha lúa vụ đông xuân bị dịch hại tấn công. Trong đó có 510ha bị chuột “nhấm”, 154 ha nhiễm bọ trĩ, 120ha phát sinh bệnh đạo ôn lá và hơn 100 ha bị sâu cuốn lá nhỏ và sâu năn cắn phá. So với vụ đông xuân 2012 - 2013, mức độ tàn phá của dịch hại giảm 40 - 50%. Tuy nhiên, theo dự báo của Chi cục BVTV tỉnh thì dịch hại có nguy cơ bùng phát và “nóng” khi cây lúa bước vào giai đoạn đòng đất - đòng trổ.
Chuột phá…
Liên tục ghé chăm ruộng, chăm cắm cờ, hình nộm để “xua cò, đuổi chuột” cả trong 3 ngày Tết, 7 ngày xuân, nhưng anh Chi ngụ thôn Tình Phú Nam, xã Hành Minh (Nghĩa Hành) vẫn không ngờ đám lúa 2 sào nhà mình vẫn bị chuột cắn phá. “Mấy hôm nay thăm lúa, tui đâu thấy chuột. Chỉ mới đêm 9.2, chuột ở đâu tới ăn mất 3 chòm”, vừa nói, anh Chi vừa nhặt và cắm lại mấy cây nộm rơm bị ngã. Cạnh bên, đám lúa nhà ông Nguyễn Tư cũng trong tình trạng nơi dày, chỗ lưa thưa. Biết là có chuột phá lúa nên vừa đặt chân đến ruộng, ông Tư đã vội đi quanh bờ, kiểm tra 4 cái bẫy lớn. Kết quả, 4 cái bẫy vẫn nguyên trạng khiến ông Tư bực mình. Ông Tư chỉ lên đồn số 8 (vốn là quả đồi) rồi quả quyết rằng “đó là hang ổ của chuột”.
Ra quân diệt chuột ở huyện Nghĩa Hành. |
Lý do, bờ ruộng bây giờ được bà con liên tục phát dọn nên chuột đã “dạt” ra các bụi cây cao ven bờ hay đồi núi để đào hang ở ẩn. Thế nên dù bị nước lũ hồi giữa tháng 11.2013 nhấn chìm nhưng chuột ở cánh đồng thôn Tình Phú Nam nằm ven đồn số 8 vẫn… sống khỏe. “Nước lụt chỉ giết được chuột con. Chứ chuột mẹ thì chạy lên đồi trốn, giờ xuống…đẻ”, anh Chi kết luận.
Cùng tâm trạng với anh Chi, ông Tư, nông dân có ruộng ở các cánh đồng ven đồi, sông, suối của các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Tư Nghĩa và Sơn Hà-5 địa phương có diện tích lúa bị chuột cắn phá nhiều nhất tỉnh (hơn 388ha) cũng đang khốn khổ vì sự tinh khôn của loài gặm nhấm này. Dù bà con đã phối kết hợp các biện pháp như cài bẫy, bao ni lông, cắm cờ, hình nộm, rồi bả sinh học; thậm chí dùng nhớt pha thuốc diệt cỏ (dù biết ô nhiễm và độc hại) nhưng chuột vẫn không suy giảm, ngược lại càng nhiều.
Lý giải sự vô lý này, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Đức Nguyễn Sĩ Hải - địa phương đầu tiên của huyện Nghĩa Hành tổ chức ra quân diệt chuột đầu xuân cho chúng tôi xem những con chuột có trọng lượng lên đến nửa ký đã bị tiêu diệt nhờ… chó săn rồi bảo: “1 mẹ 10 con thế này, bảo sao ruộng không đầy chuột”. Vậy nên để bảo vệ cây lúa vụ đông xuân lẫn vụ hè thu, xã đã trích kinh phí mua 3.000 đồng/đuôi chuột nhằm khuyến khích nhân dân tham gia diệt chuột.
...sâu bệnh rục rịch tấn công
Các loại dịch bệnh như sâu cuốn lá nhỏ, đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bọ trĩ được gọi là kẻ “ở ẩn” chờ cơ hội bùng phát. Lý do hiện giờ, sức khỏe cây lúa được xem là tốt, dù đã có hơn 360ha đang bị các loại sâu bệnh trên tấn công ở mức độ nhẹ và trung bình nên dễ khiến nông dân chủ quan. Đã thế, theo dự báo của Chi cục BVTV tỉnh thì, từ nay đến ngày 15.3 được xem là thời điểm “vàng” của dịch hại, đặc biệt với bệnh đạo ôn và đạo ôn cổ bông. Lý do, đây là giai đoạn cây lúa bước vào thời kỳ tượng khối sơ khởi (đòng đất)-đòng trổ; cộng với thời tiết lạnh kéo dài khiến cây lúa ít hấp thu chất dinh dưỡng trong lần bón phân đợt 1. Khi bón phân đợt 2, trời lại nắng ấm, cây lúa “ăn” phân 2 lần nên thừa đạm. “Điều này khiến sức chống chịu sâu bệnh của cây lúa yếu. Và đây là điều kiện lý tưởng để bệnh đạo ôn, đạo ôn cổ bông tấn công”, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Võ Duy Loan khẳng định.
Trước tình hình này, Chi cục BVTV tỉnh đã khuyến cáo bà con nông dân trong tỉnh “tuyệt đối không nên chủ quan với dịch hại”, nhất là khi thời tiết liên tục nóng-lạnh như hiện nay. Và, để giúp cây lúa vụ đông xuân “né” được chuột, sâu bệnh, Chi cục BVTV tỉnh yêu cầu các địa phương khuyến khích nông dân thường xuyên thăm ruộng, phát quang bụi rậm xung quanh để đuổi chuột. Ngoài ra, khi phát hiện lúa có dấu hiệu của bệnh đạo ôn thì ngăn chặn bằng cách dùng các loại thuốc đặc hiệu như Fujione, Bean, Plast. Với sâu cuốn lá, nếu mật độ 10 khép lá/1 m2 thì dùng thuốc Dilan, Carater hay hợp chất Abamestin để diệt trừ.
Bài, ảnh: MỸ HOA