Chủ tàu thời..."khan" lao động đi biển
Bài 1: Lận đận đường ra khơi...

10:02, 24/02/2014
.

(Baoquangngai.vn)-  Những ngày sau Tết, đáng ra các tàu cá đã xuất bến ra khơi đánh bắt hải sản đầu năm, song việc thiếu động đi biển trầm trọng khiến nhiều chủ tàu ở Quảng Ngãi phải cho tàu nằm bờ để chạy đôn chạy đáo khắp n ơi  tìm cho đủ lao động cho những chuyến ra khơi.  Nhiều chủ tàu gặp không ít chuyện "dở khóc, dở cười" vì "bạn"....
 
 
Bài 1:  Lận đận đường ra khơi...
 
 
Số lượng tàu thuyền mỗi ngày một tăng, nhưng lao động đi biển ngày càng khan hiếm, muốn ra khơi, chủ tàu phải "mua bạn", chi tiền cho cò tìm "bạn"...là "luận bất thành văn" hầu như chủ tàu đánh bắt xa bờ nào của xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) phải thực hiện khi muốn đủ "bạn" (lao động làm thuê trên tàu) ra khơi đánh bắt.

 

Muốn ra khơi phải "mua bạn"
 
Giờ tìm "bạn" đi biển căng lắm!- Là câu nói cửa miệng mà chúng tôi nghe được từ chính quyền địa phương cũng như các chủ tàu đánh bắt xa bờ ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) khi chúng tôi đề cập đến vấn đề tìm lao động đi biển. Chuyện thiếu lao động đi biển ở một địa phương với nghề truyền thống là nghề biển thoạt nghe có vẻ khó tin nhưng đó là chuyện đang diễn ra tại nơi có đội tàu thuộc dạng hùng hậu nhất tỉnh. 
 
Theo thống kê, hiện đội tàu ở Phổ Thạnh có 952 chiếc, tổng công suất trên 175.000 Cv. Trong đó, có 646 tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 90Cv- 600 Cv chủ yếu hành nghề giã cào.  "Bình quân mỗi tàu đánh bắt xa bờ cần bình quân từ 10- 12 lao động. Uớc tính lượng lao động địa phương chỉ đáp ứng được 2/3 lượng lao động, còn lại 1/3 lao động khoảng 500- 700 lao động, các chủ tàu  phải đi thuê mướn ở những nơi khác"- ông Nguyễn Duy Trinh- Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho biết. 
 
Ngư dân Trần Văn Lưu ở thôn Thạnh Đức 2 chia sẻ: Việc ngày càng nhiều ngư dân quay lưng với biển khơi, chuyển đổi sang các nghề bờ, hoặc đi đánh bắt gần bờ đã gây khó cho nghề đánh bắt xa bờ trong tìm kiếm lao động. Bây giờ, mỗi chuyến ra khơi, chủ tàu phải chạy ngược chạy xuôi tìm "bạn" đi biển  giờ đã thành chuyện thường ngày ở xứ biển này. 
 
Thông thường, những chuyến ra khơi đánh bắt đầu năm luôn được rất nhiều "lộc" từ biển nên tàu nào cũng tranh thủ kiếm cho đủ bạn để xuất hành ra khơi. Lượng lao động thiếu quá lớn, tuy nhiên chủ tàu không thể cho tàu nằm bờ bằng mọi giá phải đưa tàu ra khơi nên buộc chủ tàu phải đi khắp nơi để tìm lao động. Bởi thế, những chuyến biển đầu năm lao động đi biển càng trở nên có giá”.
 
tàu thuyền ngày càng phát triển trong khi lượng lao động ngày càng giảm nên chủ tàu rất khó khăn tìm bạn cho mỗi chuyến ra khởi
tàu thuyền ngày càng phát triển trong khi lượng lao động ngày càng giảm nên chủ tàu rất khó khăn tìm bạn cho mỗi chuyến ra khởi
Ông Phan Hiển- Chủ nhiệm HTX Dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ xã Phổ Thạnh cho biết: Hiện nay, chủ tàu muốn có lao động đi biển buộc phải mua luôn lao động. Gọi là mua vì lẽ chủ tàu muốn có lao động buộc phải đưa tiền trước cho người lao động là "luận bất thành văn", không cần biết chuyến ra khơi có trúng hay không trúng.  
 
Ngư dân Nguyễn Mẫu ở xã ở thôn Thạch Bi 1- chủ đôi tàu hành nghề giã cào ở vùng biển Bà Rịa Vũng Tàu bày tỏ: "Bạn" trước khi bước chân xuống tàu thường đòi chủ tàu phải ứng trước từ 5- 10 triệu đồng, thậm chí đến 20 triệu đồng/người. Chủ tàu cho mượn tiền trước mới đi, còn không thì chuyển sang tàu khác đáp ứng được những yêu cầu này. 
 
Theo nhiều chủ tàu, những năm gần đây, các chủ tàu rất khó tìm lao động đi biển ngay tại địa phương, đặt biệt là những chủ tàu đang neo đậu và đánh bắt tại vùng biển Bà rịa Vũng Tàu, chủ tàu chủ yếu phải tìm lao động đi biển ở các địa phương khác trong tỉnh, thậm chí là các tỉnh ngoài. Nắm bắt xu thế này, lực lượng "cò" lao động đi biển ra đời.
 
"Để tìm đủ lao động, chúng tôi phải nhờ đến "cò" tìm kiếm giúp lao động ở các nơi khác. Cứ mỗi lao động "cò" đưa về, ngoài việc chủ tàu bỏ tiền ra “mua” lao động với giá cả theo thỏa thuận, thì chúng tôi còn phải chi cho "cò" từ 500- 600 nghìn  đồng/lao động"- ngư dân Trần Văn Nam ở thôn Thạch Bi 2 bộc bạch. 
 
Nhiều trường hợp, để đủ lao động, chủ tàu thuê luôn cả những lao động ở các huyện miền núi nơi không có kinh nghiệm với nghề sóng gió. Và cũng vì chuyện 'lên núi tuyển ngư dân" mà không ít chủ tàu lâm vào cảnh "dở khóc, dở mếu". Bởi, có những trường hợp do lâu nay chỉ quen với cảnh núi rừng, cho nên khi mới vừa bước xuống tàu thì đã say mềm nằm bẹp suốt chuyến....
 
Đủ cách giữ "bạn"
 
Số lượng tàu thuyền mỗi ngày một tăng, nhưng lao động đi biển thì lại khan hiếm. Vì vậy ngoài chuyện chạy đôn, chạy đáo khắp nơi kiếm tìm cho đủ người để ra khơi, chủ tàu cá luôn tìm mọi cách để giữ chân số lao động đã có của mình. 
 
Ngư dân Huỳnh Thanh Phong ở thôn Thạch Bi 2 than thở: Việc tìm người lao động đi biển đã khó, thế nhưng việc giữ chân lao động càng khó hơn. Thực tế hiện nay, ngư trường ngày càng kiệt, chi phí đầu vào tăng cao, thế nên chỉ cần vài chuyến ra chuyến ra khơi đánh bắt không hiệu quả, thu nhập "bạn" thấp thì chủ tàu rất khó giữ chân "bạn" ở lại. 
 
"Thường những tàu đánh bắt hiệu quả thì không bao giờ thiếu "bạn", còn những tàu đánh bắt không hiệu quả thì hầu như rất khó giữ chân "bạn" và tìm kiếm "bạn" đi cho những chuyến sau"- ông Phan Hiển- Chủ nhiệm HTX Dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ xã Phổ Thạnh chia sẻ.
 
Qua tìm hiểu của chúng tôi, trong thời buổi cạnh tranh "bạn" giữa các chủ tàu và tình trạng ngư dân quay lưng với biển để làm các nghề bờ, để giữ chân "bạn", nhiều chủ tàu đã tìm mọi cách khác nhau. 
 
Tìm
Tìm "bạn" khó khăn nên chủ tàu luôn tìm mọi cách để giữ chân "bạn"

Cách để giữ chân ngư dân tiếp tục đi "bạn" cho mình phổ biến nhất được các chủ tàu áp dụng hiện này là bỏ tiền túi ra cho mượn, ứng trước. Trước khi mùa biển mới bắt đầu, để chủ động có "bạn" đi biển trong mùa đánh bắt, đối với những "bạn" có kinh nghiệm, không ít chủ phương tiện sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng tạm ứng cho "bạn" chi tiêu trong gia đình trong những ngày biển động, tàu năm bờ chờ ngày xuất bến. Nhiều lúc dù trong túi không còn một cắc, thế nhưng khi lao động hỏi ứng, ngay lập tức chủ tàu phải vui vẻ đi "bốc nóng" để cho mượn vô thời hạn, với lãi suất 0%.
 
"Thời buổi này tìm "bạn" khó khăn, chi bằng mình bỏ tiền ra trước để giữ chân những "bạn" có kinh nghiệm trong nghề biển, khỏi lo lắng thiếu "bạn" khi ra khơi. Phương tiện tốt thì cũng cần những "bạn" "ngon" thì đánh bắt mới hiệu quả- ngư dân Huỳnh Thanh Phong ở thôn Thạch Bi 2 cho hay.
 
Cùng với cho mượn tiền không lãi và trừ dần vào tiền công thì với những chuyến biển nếu không may đánh bắt kém hiệu quả thì chủ tàu còn sử dụng "chiêu độc" là gửi số hải sản đánh bắt được cho tàu khác vào bán giúp, còn phương tiện vẫn ở ngoài khơi vì sợ vào bờ "bạn" bỏ chủ tàu theo tàu khác. "Tuy vậy, vẫn có những trường hợp, "bạn" vẫn tìm cách mọi để bỏ về. Thậm chí liều mình ôm can nhựa nhảy xuống biển bơi vào bờ"- một chủ tàu cho biết.
 
Song, bên cạnh đó, để gắn trách nhiệm của "bạn" với chủ tàu và gắn bó với tàu, nhiều chủ tàu cho bạn góp vốn để sắm ngư lưới cụ. Và thực tế cách làm này rất hiệu quả. Ông Nguyễn Sớm- chủ đôi tàu hành nghề giã cào ở thôn Thạnh Đức 2 cho biết: Ngoài số vốn mình bỏ ra, tôi còn tạo điều kiện cho ngư dân địa phương hùn vốn vào làm chung. Mỗi chuyến biển, ngoài tiền công đi biển mỗi chuyến, tôi còn chia tiền lãi thu được theo tỷ lệ số tiền đóng góp. Nhờ vậy, mà anh em "bạn" tích cực đánh bắt hiệu quả hơn và tôi luôn có số lao động đủ sẳn sàng cho mỗi chuyến ra khơi.
 
Song, theo nhiều ngư dân thì cách làm này cũng chỉ phù hợp với những lao động có điều kiện kinh tế và có tâm huyết với nghề cũng như có vốn để hùn hạp. Còn những lao động nghèo và  ở nhiều địa phương khác thì cách này rất khó áp dụng
 
 
Bảo Ngọc
 

.