(Báo Quảng Ngãi)- Được xem là thương hiệu nông sản duy nhất còn sót lại của huyện miền núi Minh Long, nhưng hiện giờ, cây chè cũng đang dần biến mất trong sự hối tiếc lẫn bất lực của chính quyền và người dân…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trong khi diện tích cây chè Minh Long giảm đều theo từng năm, từ 400 - 500 ha vào những năm 1990 xuống còn 80 ha vào cuối năm 2013, thì giá bán của loại cây này lại liên tục tăng và hiện đạt mức đỉnh với 5.000 đồng/lọn (bó nhỏ).
Chè đổi gạo
Mặc mưa phùn gió lạnh. Mặc cái Tết đang cận kề, nhưng những ngày này, người trồng chè Minh Long vẫn tất bật vào rẫy, vừa phát dọn cây bụi vừa bẻ những đọt chè vừa ló dạng. Nói là chè vắt, nhưng sự thật thì bà con chẳng “vắt” tý nào. Bằng chứng là sau 2 giờ bám gót ông Đinh Văn Ngược ở thôn Côn Loan, xã Thanh An vào rẫy chè nằm trơ trọi giữa bạt ngàn keo, mì, tôi thấy ông vặt được tới 30 lọn chè. Thế mà ông Ngược còn rầu rĩ vì: “Hôm nay ít, chứ tuần trước mình được tới 100 lọn”. Tuy nhiên, cái buồn ấy cũng không có cơ hội ngự lâu khi ông Ngược được thương lái chuyện trò, thăm hỏi hết sức ân cần ngay tại rẫy. “Được mấy chè ông”. “30”. “Bẻ có chút xíu mà được 150.000 đồng. Khỏe nhé”. “Tiền về đưa vợ mua gạo đấy”. Nghe cuộc mua bán chè của họ, hẳn nhiều nông dân phải ganh tỵ vì không ai kỳ kèo, cũng chẳng ai ngã giá.
Chỉ một buổi sáng, rẫy chè này cũng cho ông Ngược từ 30-100 lọn chè (tương đương 150.000-500.000 đồng) |
Nằm cách rẫy ông Ngược hai đám keo là rẫy chè nhà anh Đinh Văn Bí. Nhìn từ xa, rẫy chè này trông như.... rừng dương liễu vì cành lá khẳng khiu, co quắp. Thế nhưng, khi đến gần, chúng tôi phát hiện rất nhiều chồi non bám trên cái vỏ cây sần sùi ấy. Điều này khiến ai nấy đều bất ngờ. Lý do là mùa mưa, cây chè thường “ngủ đông” - tức lá rụng mà chồi cũng chẳng mọc. Nhưng với một số rẫy chè già mà bà con đồng bào dân tộc thiểu số xã Thanh An đang sở hữu thì dù mưa lạnh, chồi vẫn cứ mơn mởn. Vậy nên khi chúng tôi có mặt tại rẫy nhà anh Bí đã thấy một bó chè chồi, loại được xem là đặc biệt, ước chừng 25 - 30 kg chờ thương lái đến mua.
Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An Đinh Ê Hoàng-người giúp tôi đánh vật với con đường lầy lội và lũ vắt để đến được rẫy chè đã không ngần ngại khoe rằng chè “đẻ” gạo. Bởi với mức giá 5.000 đồng/lọn thì mỗi buổi sáng, bà con đã lận lưng được vài trăm nghìn, đủ chi phí sinh hoạt, ăn uống. Có điều, rất ít người ở xã, ở huyện này có được niềm vui ấy.
“Huyện đang nỗ lực cứu chè”.
Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND huyện Minh Long Nguyễn Văn Thuần khi đề cập đến số phận cây chè Minh Long. Theo ông Thuần, cây chè là thương hiệu nông sản duy nhất gắn liền với tên tuổi huyện Minh Long còn sót lại. Thế nên khi nhận ra cây chè đang “hấp hối”, huyện đã chủ trương bảo vệ và hồi sinh chúng bằng Đề án trồng, tỉa dặm; đồng thời đẩy mạnh công tác chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn người dân biện pháp chăm sóc và thu hái phù hợp. Có điều đến giờ, Đề án trên cũng đã bị…chết yểu!
Lý giải tình trạng này, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Minh Long Lê Minh Chí cho rằng: “Do người dân bất hợp tác. Điều này thể hiện qua việc họ từ chối nhận cây con để tỉa dặm. Thậm chí có người còn phá chè làm… củi, rồi lấy đất trồng keo, mì”. Quả thật hiện giờ, những đồi chè xanh bạt ngàn mà người dân các xã Thanh An, Long Môn, Long Hiệp và Long Mai từng sở hữu đã bị keo, mỳ chiếm chỗ. Nhìn những rẫy keo trải dài từ quả núi này sang ngọn đồi nọ, nhiều người thấy xót cho chè vì trông chúng như lạc lõng giữa loại cây đang được thị trường lẫn người dân ưa chuộng.
Tuy nhiên, khẳng định trên chưa nhận được sự đồng tình của những hộ còn giữ được cây chè. Họ cho rằng, nguyên nhân chính khiến chè rơi vào cảnh chết dần chết mòn là do cây đã quá già, đất đai lại xấu vì bị xói mòn, kéo theo tuổi thọ lẫn chất lượng của nó suy giảm. Đã thế, cây chè Minh Long sống nhờ... trời. Tức là chè tự mọc, tự lớn, rồi bà con tự thu hái theo kiểu “vặt trọi lá, bẻ sạch đọt” khiến nó cũng chẳng còn sức sống dai đến 50 năm để cho bà con có tiền chợ!
Rõ ràng, số phận cây chè Minh Long bi đát không hẳn do người dân chuyển đất chè sang trồng keo, mỳ, mà do nó chưa nhận được sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng. Vì nói như ông Đinh Ré, ngụ thôn Hà Liệt, xã Long Hiệp-người còn giữ được diện tích chè nhiều nhất huyện Minh Long (gần 2ha) thì: “Nếu có lòng với cây chè, họ đã lấy hạt ươm, rồi cùng trồng với dân chứ đâu phải đợi đến giờ”.
Nhận định này đáng để các ngành chức năng huyện Minh Long suy ngẫm. Nhất là giữa lúc huyện thực hiện chủ trương trồng thí điểm 1ha chè gốc bản địa (cây con do Trạm khuyến nông ươm từ hạt chè Minh Long) vào năm 2014 này.
Bài, ảnh: MỸ HOA