(Báo Quảng Ngãi)- “Cứ ngỡ sau trận lũ lớn hồi giữa tháng 11.2013 thì ruộng sẽ sạch chuột, ốc bươu vàng (OBV). Vậy mà không ngờ, chuột vẫn kéo đàn, kéo đống về lượm giống; còn OBV thì ăn sạch lúa non. Mà OBV nhiều phải biết, ngày hai buổi tôi ra đồng lượm cả rổ mà nó có hết đâu. Tôi đang kiếm thuốc trừ loại này, chứ không là không biết lấy đâu mạ để dặm”, ông Nguyễn O ngụ thôn 2, xã Đức Chánh (Mộ Đức) than thở.
TIN LIÊN QUAN
Khổ vì nước thừa
Trong sản xuất nông nghiệp, nước là nhất. Nhưng với nông dân có ruộng ở các vùng trũng của huyện Mộ Đức, Đức Phổ thì họ lại… ngán cái "nhất" ấy mỗi khi xuống giống vụ đông xuân. Lý do là chỉ cần một trận mưa nhỏ, nước sẽ ở lì trong ruộng. Ít thì 2 - 3 ngày, nhiều thì cả tuần khiến giống, rồi mạ non chết úng, bà con phải gieo đi gieo lại nhiều lần, vừa khổ vừa tốn kém.
Chỉ dạo quanh bờ ruộng chừng 5 phút, ông Nguyễn O ở thôn 2, Đức Chánh đã nhặt được khá nhiều ốc bươu vàng. |
Vụ đông xuân năm nay cũng không ngoại lệ khi từ ngày 13.1, mưa liên tục khiến ruộng lẫn kênh mương đầy nước. Nông dân có ruộng dọc sông Thoa như đồng Bầu Súng, Thạch Thang, Văn Hà (Mộ Đức); Phổ Quang, Phổ An (Đức Phổ) vì thế cũng đang hết sức lo lắng. Theo ông Nguyễn O, vụ đông xuân mà gặp trời mưa thì ruộng ở đồng Bầu Súng phải sạ ít nhất…2 lần. Biết thế nên mọi năm, bà con ai cũng dự trữ giống để sẵn sàng sạ lại. Nhưng năm nay thóc giống bị trận lũ hồi giữa tháng 11.2013 cuốn trôi, số còn thì thối nên nếu giờ mà mạ chết úng thì họ… bỏ ruộng vì không còn giống để sạ lại!
Cùng cảnh ngộ với nông dân canh tác ở đồng Bầu Súng, bà con ở các thôn Thạch Thang, Văn Hà của xã Đức Phong (Mộ Đức) cũng canh cánh nỗi lo khi mà đến giờ, vẫn còn đến 30 ha chưa được xuống giống vì thừa nước! Vì thế mới có chuyện nhiều hộ đã làm đất, ngâm ủ giống ra rễ rồi để đó… nhìn, vì ruộng bị nước nhấn chìm.
Lao đao vì chuột, ốc bươu vàng
Trong khi bà con vùng trũng khốn khổ vì nước thừa, thì nông dân khắp nơi trong tỉnh cũng đang đối mặt với nạn chuột, OBV phá hại. Họ bảo, vừa sạ thì chuột ăn giống. Mạ non lại bị OBV cắn cho…phơi lá. Thế nên dù mưa lạnh nhưng bà con vẫn hì hụi đặt bẫy, căng bao ni lông quanh ruộng tránh chuột; rồi cặm cụi nhặt OBV những mong mạ non được bình yên mà lớn. Thế nhưng, dù đã “ngày hai buổi sáng-chiều đội nón mang tơi ra ruộng lượm ốc mà nó vẫn cứ đầy ra đó”, ông Nguyễn Hồng ở thôn Mỹ Yên, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) than. Nói đoạn, ông Hồng lội vào bờ, trút bao OBV độ 1kg vừa nhặt được rồi thẫn thờ nhìn đám mạ lưa thưa, lá lúa nổi lềnh bềnh.
Còn tại xã Phổ An, nhiều diện tích lúa của bà con nông dân cũng bị OBV xơi trụi gốc lẫn lá. Điều này khiến nông dân mất ăn mất ngủ. Nguyên nhân là do mưa lạnh và ruộng ngập nước nên nhiều đám lúa thậm chí chưa được bón phân đợt 1; cây lúa vì thế cũng chưa kịp đẻ nhiều nhánh nên nếu OBV ăn mạnh, bà con lo…hụt lúa dặm! Có lẽ vì điều này nên ngoài việc lội ruộng nhặt, không ít hộ còn dùng thuốc trừ sâu để… diệt OBV. Nhưng phun thuốc xong, chỉ thấy xác cá, cua nổi trên mặt ruộng, còn OBV thì vẫn đầy ruộng.
Lý giải sự trở lại của loài sinh vật ngoại lai nức tiếng “ăn khỏe, đẻ nhanh” này, bà con nông dân cho rằng, do trước khi gieo sạ, đồng ruộng vắng…vịt. Nghe vô lý nhưng điều này là có thật. Bởi, vịt được xem là công cụ tiêu diệt OBV hữu hiệu nhất. Từ trứng đến ốc mẹ, ốc con đều bị nó lượm sạch nên mọi năm, OBV vẫn xuất hiện nhưng không nhiều như vụ này. Có điều, vịt chạy đồng là đối tượng dễ nhiễm và phát sinh cúm H5N1 nên thời gian vừa qua, loại hình chăn nuôi này đã bị các ngành chức năng siết chặt. Tuy nhiên, dù thiếu vịt hay không thì việc OBV đang hoành hành, cắn phá lúa non cũng đáng để ngành nông nghiệp lưu tâm, xem xét.
Bài, ảnh: MỸ HOA