(Báo Quảng Ngãi)- Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết cổ truyền dân tộc, mặc dù các loại bánh, kẹo, mứt,… do các công ty trong và ngoài nước sản xuất, với nhiều chủng loại đa dạng, phong phú, hình thức bắt mắt, tràn ngập thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; nhưng ở các vùng quê trên địa bàn huyện Nghĩa Hành, vẫn có những gia đình gắn bó với nghề làm bánh tết truyền thống do ông bà để lại, với sản phẩm làm ra mang tên gọi dân dã nhưng chan chứa hồn quê, như: Mè cây, bánh thuẩn, bánh mì xốp, bánh nổ, bánh in...
Mặc dù phải bươn chải với đủ thứ nghề để lo cho cuộc sống gia đình, nhưng cứ vào dịp cuối năm, chị Võ Thị Thúy ở tổ dân phố Phú Vinh Tây, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành), thường dành hẳn thời gian khoảng một tháng rưỡi để làm bánh mè cây, mứt gừng... cung ứng theo đơn đặt hàng của các đại lý ở thị trấn Chợ Chùa và bán cho bà con lối xóm sử dụng trong những ngày Tết và làm quà gửi cho người thân ở xa, như Hà Nội, Sài Gòn, các tỉnh Tây Nguyên…
Tranh thủ trời nắng, chị Thúy phơi bánh mè cây trước khi sấy. |
Chị Thúy cho biết, để có được loại bánh mè cây vừa giòn, vừa xốp và thơm ngon, lại để được lâu, nguyên liệu chính đòi hỏi phải là loại nếp trứng, hạt tròn đều và dẻo; hạt mè, dầu để chiên bánh cũng phải là loại dầu ăn chất lượng mang nhãn hiệu ông già, đường kính trắng và một số gia vị khác như bột quế, gừng để bánh có mùi thơm. Nghề này tuy không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, chịu thương, chịu khó.
Gạo nếp trứng sau khi vo thật sạch, phơi khô và xay thành bột. Cứ 10 kg bột, trộn thêm 1 kg hạt mè, đường, gia vị với lượng vừa phải, rồi nhồi hỗn hợp trên cho thật đều, thật kỹ. Tiếp đến cán mỏng trên lá chuối, đưa vào nồi hấp chín, đem phơi khoảng 1 nắng và cắt thành từng đoạn nhỏ bằng hai đốt ngón tay, phơi thêm 2 hoặc 3 nắng nữa cho thật khô và đem chiên dầu, đợi khi bánh nguội hẳn thì cho vào túi ni lông để bảo quản.
Mỗi mùa Tết, chị Thúy tiêu thụ hơn 1 tạ gạo nếp để làm bánh mè cây. Bên cạnh đó, chị còn làm mứt gừng. Sản phẩm bánh, mứt của chị Thúy làm ra đến đâu bán hết đến đó. Sau khi trừ các khoản chi phí, chị Thúy còn lãi hơn 5 triệu đồng/tháng. Riêng Tết năm nay, số người đặt mua bánh mè cây, mứt gừng tăng cao so với năm ngoái nên chị phải tranh thủ làm ngày, làm đêm mới kịp giao hàng.
Còn chị Nguyễn Thị Thy, hàng xóm và cũng là người phụ giúp chị Thúy làm bánh mè cây, mứt gừng,…thì chia sẻ: Cũng như nhiều chị em phụ nữ ở vùng nông thôn, chị vẫn giữ được bí quyết của nghề làm bánh Tết do ông bà truyền lại. Khoảng đầu tháng chạp, chị lại tranh thủ những ngày rảnh rỗi để tham gia làm bánh cùng chị Thúy. Thu nhập bình quân mỗi ngày từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng.
Cũng như chị Thy, chị Thúy ở thị trấn Chợ Chùa, chị Nguyễn Thị Thu Vinh ở thôn Hiệp Phổ Nam, xã Hành Trung (Nghĩa Hành), thì gắn bó với nghề làm bánh mì xốp, với những nguyên liệu dân dã của vùng thôn quê, như bột mì, trứng gà, nước cốt dừa... cái nghề mà chị học được từ mẹ ngay từ khi còn là cô bé 13 - 14 tuổi. Giờ đã bước sang tuổi 60, đều đặn vào tháng 11, tháng chạp hằng năm, chị lại chịu khó đi mua dừa khô về nạo nhỏ, vắt lấy nước cốt trộn với bột mì, lòng đỏ trứng gà, rồi in, rồi nướng.
Chị Vinh cho biết, khách hàng của chị chủ yếu là bạn bè thân quen và bà con lối xóm. Họ mua để cúng ông bà trong 3 ngày Tết và để dành cho con em mang theo làm quà cho bạn bè ở nơi học tập, công tác. Bình quân mỗi ngày chị thu lãi hơn 100.000 đồng, cộng với số tiền có được từ nuôi gà, nuôi heo,… Gia đình chị có điều kiện cho 3 đứa con ăn học đến nơi, đến chốn.
Được biết, hiện tại trên địa bàn huyện Nghĩa Hành vẫn còn nhiều gia đình giữ được nghề làm bánh Tết thủ công truyền thống của ông bà truyền lại, mang hương vị đặc trưng riêng của Nghĩa Hành nói riêng và Quảng Ngãi nói chung, với những tên gọi mộc mạc, giản dị như chính những người dân quê hồn hậu, để rồi mỗi người khi đi xa, chỉ nghe tên gọi hoặc được thưởng thức những sản phẩm bánh thuẩn, bánh mì xốp, mè cây, bánh bó, bánh in,… ở nơi đất khách quê người, cũng đủ để gợi nhớ về quê hương, về ký ức tuổi thơ theo mẹ, theo bà học nghề làm bánh Tết.
Bài, ảnh: Phương Thái