Nông nghiệp, nông thôn: Hấp thụ tốt vốn vay ngân hàng

08:01, 05/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm qua, tình hình lạm phát, thiên tai, bão lũ đã tác động mạnh đến kinh tế vùng nông thôn. Trong bối cảnh đó, thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Quảng Ngãi (Agribank Quảng Ngãi) đã linh hoạt triển khai nguồn vốn vay, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo khách hàng trong tỉnh. Nguồn vốn này đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người vay và tình trạng nợ xấu của ngân hàng cũng giảm đáng kể.

TIN LIÊN QUAN


Dư nợ tăng

Quảng Ngãi có gần 80% dân số sinh sống bằng nghề nông - lâm - ngư nghiệp. Hầu hết bà con cần nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP, ngay từ đầu năm, Agribank Quảng Ngãi đã nỗ lực huy động các nguồn vốn trong dân cư, nền kinh tế, kể cả huy động những khoản nhỏ lẻ của dân cư vùng nông thôn để tạo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng.

Đến cuối tháng 11.2013, tổng huy động của Agribank Quảng Ngãi đạt trên 4.900 tỷ đồng, tăng 239 tỷ đồng so với đầu năm 2012, đạt 95% kế hoạch Trung ương giao. Trong đó, nguồn vốn huy động từ dân cư đạt gần 4.150 tỷ đồng, chiếm 84,5% tổng nguồn vốn huy động.

Với thanh khoản dồi dào, Agribank Quảng Ngãi đã phối hợp với các hội đoàn thể rà soát số hộ có nhu cầu để tiến hành cho vay. Đến nay, thông qua 983 tổ vay vốn, thành viên của các cấp hội đã vay được nguồn vốn khá lớn. Hội Nông dân đã dư nợ 743 tỷ đồng, tăng 168 tỷ đồng; Hội Liên hiệp phụ nữ dư nợ đạt 116 tỷ đồng, tăng 32 tỷ đồng so với đầu năm.

 

Hoạt động giao dịch tín dụng tại Agribank Quảng Ngãi.
Hoạt động giao dịch tín dụng tại Agribank Quảng Ngãi.


Ngoài hộ cá nhân vùng nông thôn vay, Agribank Quảng Ngãi cũng đáp ứng nguồn vay cho các đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã. Đến cuối tháng 11, tổng dư nợ của Agribank Quảng Ngãi đạt trên 4.778 tỷ đồng, trong đó dư nợ vay nông nghiệp, nông thôn  là 4.125 tỷ đồng, chiếm trên 86% tổng dư nợ. Từ nguồn vốn này đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vậy nuôi, tạo điều kiện cho nhiều khách hàng mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm cho một số lao động nông thôn.

Anh Huỳnh Tấn Phát thôn Khánh Giang, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành), cho biết: "Tôi thực hiện mô hình chăn nuôi "khép kín" thành công cũng nhờ phần lớn vào nguồn vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp. Trong tổng số 300 triệu đồng để mở rộng quy mô chuồng trại, ngân hàng đã tạo điều kiện cho vay hơn 100 triệu đồng. Đến nay, bình quân mỗi năm gia đình tôi xuất bán 3 - 4 lứa heo thịt. Tết năm nay, khả năng lãi khoảng 60 triệu đồng, giải quyết phần khó khăn của gia đình và trả nợ dần cho ngân hàng".

Không riêng gì anh Phát, nguồn vốn của Agribank còn có tác động mạnh mẽ đến hoạt động tín dụng cho vay hộ sản xuất kinh doanh  và các loại tín dụng khác. Nguồn vốn đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế nông thôn phát triển ổn định, đặc biệt đã tạo ra khả năng chuyển dịch mạnh mẽ và giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng khá, những làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống dần được khôi phục... Nhiều hộ nông dân vay làm ăn ổn định, giải quyết việc làm cho mình và một lượng lao động đáng kể ở các địa phương.

Nợ xấu giảm

Nhờ làm ăn thuận lợi nên khách hàng sớm trả nợ vay cho ngân hàng. Đến cuối tháng 11.2013, số nợ xấu của Agribank Quảng Ngãi chỉ chiếm dưới 1% tổng dư nợ. Theo ông Lê Hồng  - Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi, nợ xấu dưới 1% là điều đáng mừng. Bởi lẽ, ngay từ đầu năm, lãnh đạo hệ thống ngân hàng ra chỉ tiêu kiềm chế lạm phát, phấn đấu toàn ngành phải hạ dưới 5% nợ xấu. Riêng Quảng Ngãi phải dưới 2%. Đến cuối năm nay, Agribank Quảng Ngãi đã khống chế nợ xấu dưới 1%. Điều này không phải Agribank quá cẩn thận với các khách hàng, mà ngay từ đầu năm, ngân hàng đã nỗ lực trên mọi phương diện, nhằm đáp ứng nhu cầu vay cho khách hàng.

Sau khi họp các tổ chức tín dụng, ngân hàng đã cử cán bộ xuống các địa phương có nợ xấu cao tìm giải pháp để theo dõi, cảnh báo, cùng khắc phục khó khăn để giảm và thu hồi nợ xấu. Đồng thời đối với các đối tượng quá khó khăn, ngân hàng đã có chính sách cơ cấu lại nợ, cho vay mới để phát triển sản xuất. Đối với trường hợp đặc biệt khó khăn, ngân hàng sẽ xem xét lại hồ sơ để giảm, điều chỉnh lại lãi suất.

Ông Lê Hồng - Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi cho biết: "Nghị định 41 ra đời đã đáp ứng cho ba đối tượng vùng nông thôn vay phát triển sản xuất; đó là cá nhân, doanh nghiệp và hợp tác xã. Đối với cá nhân, cho vay tín chấp tối đa 50 triệu đồng/hộ, doanh nghiệp khoảng 200 triệu đồng và hợp tác xã khoảng 500 triệu đồng/đơn vị. Với các mức vay này, cao gấp 5 lần so với trước, lãi suất từ 9% - 13%/năm. Sau 3 năm, thực hiện Nghị định 41 của Chính phủ, thanh khoản dồi dào, thủ tục vay đơn giản, nhanh chóng nên đã giúp các đối tượng vùng nông thôn hấp thụ tốt nguồn vốn vay làm ăn thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt là làm thay đổi nhanh diện mạo các vùng đang xây dựng nông thôn mới của tỉnh.  


Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.