(Báo Quảng Ngãi)- Nhường lại ruộng đất của mình cho dự án khu công nghiệp VSIP, người dân xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) nhận tiền đền bù và chuyển hướng làm ăn. Công việc đồng áng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời của bà con được thay thế bằng những nghề dịch vụ, thu nhập khá hơn làm nông. Một ngày cuối năm, tôi về thăm lại vùng đất Tịnh Phong và ghi nhận được đôi điều…
Đồng thuận nhường đất cho VSIP
Con đường bê tông từ Quốc lộ 1 rẽ xuống thôn Thế Long hôm nay có vẻ quang đãng, sáng sủa hơn. Hai bên đường xuất hiện khá nhiều căn nhà xây dạng biệt thự, điều mà những năm trước ngang qua đây tôi chưa từng thấy. Ông Nguyễn Văn Hương- Phó Chủ tịch UBMTTQVN xã Tịnh Phong đi cùng tôi bảo: “Cũng nhờ VSIP đấy. Bà con trúng đất vùng dự án được nhận tiền đền bù nên mới xây dựng được cơ ngơi như thế này!”. Quả thật, có dự án VSIP người dân vùng hưởng lợi xã Tịnh Phong mới đổi đời. Không chỉ vui vì nhận những đồng tiền đền bù đất, mà họ còn hy vọng mai này khi KCN VSIP hình thành, con em của họ sẽ có công ăn việc làm ở gần nhà. Cũng giống như KCN Tịnh Phong hình thành cách đây chục năm, hiện đã giải quyết việc làm cho trên 1.500 lao động địa phương. Thế nên bà con rất đồng lòng nhường đất của mình cho VSIP.
Đường về thôn Thế Long, xã Tịnh Phong hôm nay. |
Trò chuyện với tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Phong Nguyễn Hải Kiên cho hay, chủ trương thực hiện dự án VSIP trên địa bàn được cán bộ, đảng viên và nhân dân ở đây hết lòng ủng hộ. Đến nay đã tổ chức 3 đợt chi trả tiền đền bù (giai đoạn 1A) cho dân của hai thôn Thế Long, Thế Lợi với trên 195,8 tỷ đồng, diện tích 139,83/168ha (83,2%). Còn giai đoạn 1B có diện tích 458ha, thuộc thôn Phong Niên Thượng, Phong Niên Hạ, Phú Lộc và một số diện tích thuộc xã Tịnh Thọ sẽ được đền bù sau khi hoàn thành giai đoạn 1A.
“Điều đáng mừng nữa là thay vì làm một khu tái định cư (TĐC) tập trung để di dời dân cả vùng dự án, tỉnh đã cho chủ trương xây dựng ba khu TĐC ở ba thôn Thế Long, Thế Lợi và Phong Niên, phù hợp nguyện vọng của người dân. Bên cạnh đó, huyện đã thống nhất đề nghị tỉnh cho chủ trương quy hoạch làm một nghĩa địa 10ha ở vùng Động Doan, nơi lấy đất phục vụ san lấp mặt bằng dự án VSIP để phục vụ việc mai táng, cải táng ở địa phương”- anh Kiên nói.
Về Tịnh Phong, tôi còn ghi nhận được sự đồng lòng, phấn khởi của bà con khi tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở đây luôn đảm bảo. Mặc dù địa bàn xã có đến 2 KCN với lưu lượng người rất đông. Nhưng nhờ địa phương thành lập tiểu đội dân quân thường trực 7 người và được Công an huyện tăng cường 2 cán bộ chiến sĩ công an về xã nên kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm. Năm 2013 ở xã xảy ra 47 vụ việc (trộm cắp, gây rối trật tự gây thương tích, đánh bạc, cướp đoạt tài sản), huyện thụ lý 2 vụ, xã xử lý 45 vụ, xử phạt 55,5 triệu đồng, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Riêng với dự án VSIP, chủ đầu tư đang đền bù, xúc tiến làm một đường tạm dọc kênh B10 (khoảng 500m) để vận chuyển đất san lấp mặt bằng dự án VSIP, giảm tải cho Quốc lộ 1 và hạn chế ô nhiễm môi trường. Việc làm này được người dân rất đồng tình…
Chuyển hướng làm ăn
Trở lại với chuyện người dân trúng đất đền bù dự án VSIP và chuyển đổi nghề nghiệp. Bà Nguyễn Thị Thúy Hoa (55 tuổi) ở thôn Thế Long trước đây vừa làm ruộng, vừa làm tạp vụ ở Công ty may Đông Thành, gắng sức hết mình mới đủ trang trải cuộc sống và lo cho 4 người con ăn học. Thế nhưng, nhờ nhường lại 8 sào đất ruộng cho VSIP, bà được đền bù khoảng 600 triệu đồng. “Ôm đống tiền về, tôi đắn đo suy nghĩ phải tìm hướng đầu tư làm ăn chứ để tiền đó mà ngồi ở nhà chơi, miệng ăn núi lở cũng hết. Nhiều người bảo có tiền nhiều sao không mua sắm cái này cái nọ, nhưng tôi tính chuyện làm ăn lâu dài nên quyết định đầu tư xây phòng trọ cho thuê. Tới giờ nghĩ lại thấy mình đã làm đúng. Cuộc sống đỡ vất vả, thu nhập cũng khá hơn trước”, bà Hoa kể. Bà đã trích ra 250 triệu đồng xây 8 phòng trọ cho gần hai chục công nhân của BECAMEX Bình Dương thuê, số còn lại đem gửi ngân hàng. Công nhân đến ở có nhu cầu giặt giũ quần áo, bà đảm nhận luôn. Vừa bán cà phê, tạp hóa nhỏ phục vụ công nhân, nhờ đó đời sống gia đình khá ổn định.
Còn với bà Nguyễn Thị Chính (cũng ở thôn Thế Long) bao đời nay canh tác khoảng chục sào ruộng, cuộc sống vẫn không khá lên được. Sau khi nhường 8 sào đất ruộng cho VSIP, nhận được trên 800 triệu đồng, bà Chính đầu tư làm một lò bánh mì. Nhờ đó đã giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho 4 lao động của gia đình. Ngoài ra bà còn đầu tư nuôi heo, cuộc sống đến nay đã khấm khá hơn trước rất nhiều.
Về xã Tịnh Phong, tôi còn nghe rất nhiều chuyện đổi hướng làm ăn của người dân sau khi nhường đất cho dự án VSIP. Như chuyện ông Nguyễn Văn Cảnh nhận trên 300 triệu đồng đền bù chuyển sang làm dịch vụ cho thuê dàn nhạc và xây 6 phòng trọ cho thuê, thu nhập khấm khá. Ông Lê Văn Sáu nhận trên 200 triệu đồng đầu tư làm 6 hồ nuôi cá, nuôi hơn ba chục con heo và cho thuê trại đám cưới. Ông Nguyễn Tài nhận hơn tỷ đồng trích ra một ít để đầu tư nuôi bò sinh sản. Ông Biện Văn Chúc đầu tư nuôi heo, vịt, mở đại lý dịch vụ thức ăn gia súc và buôn bán nhỏ… “Hầu hết bà con ở đây đã sử dụng đồng tiền đền bù từ dự án VSIP đúng mục đích và khá hiệu quả. Nhiều hộ trước đây thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo sau khi nhận tiền đền bù c dự án VSIP đã thoát nghèo, vươn lên khá giả…”, ông Nguyễn Giáo - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho hay.
Nguyện vọng của chính quyền và người dân xã Tịnh Phong hiện nay là cần quan tâm giải quyết việc làm cho con em của họ ở KCN VSIP. Đồng thời sau khi “nhường” mỏ đất đồi Động Doan (65ha) để khai thác phục vụ san lấp mặt bằng dự án VSIP, địa phương mong được hỗ trợ một phần ngân sách để đầu tư xây dựng các công trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Ngoài ra việc quy hoạch xây dựng NTM ở đây cũng đang gặp vướng mắc bởi trung tâm hành chính của xã nằm trong quy hoạch giai đoạn 1B của dự án VSIP.
Ghi chép của PHẠM DANH