Đột phá nghề may

09:01, 22/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2013, kinh tế trong nước và thế giới còn khó khăn, nhưng ở Quảng Ngãi nhiều doanh nghiệp may đã năng động tìm thị trường mới, mạnh dạn đầu tư mở rộng nhà xưởng, thu hút thêm nhiều lao động… Hoạt động sản xuất kinh doanh có bước “đột phá” đã tạo doanh thu cao cho đơn vị và thu nhập cho người lao động.

Mở rộng quy mô sản xuất  

Cuối năm 2013, các công ty may ở Cụm Công nghiệp La Hà (Tư Nghĩa), Khu Công nghiệp Tịnh Phong (Sơn Tịnh) không khí làm việc rất khẩn trương. Trong các phân xưởng sản xuất, công nhân phải làm tăng ca. Ngoài phân xưởng, xe chở hàng nối đuôi nhau thành hàng dài. Từng kiện hàng được bốc lên xe…

 

Hàng may sẵn là một trong những mặt hàng xuất khẩu của Quảng Ngãi.
Hàng may sẵn là một trong những mặt hàng xuất khẩu của Quảng Ngãi.


Theo lãnh đạo Sở Công thương, năm 2013, các doanh nghiệp may trong tỉnh đã giữ vững thị trường truyền thống. Đồng thời, tăng cường tìm thị trường mới, đẩy mạnh cải tiến sản phẩm nên doanh thu đã có bước đột phá. Công ty may Vinatex đã đầu tư xây dựng tại Cụm Công nghiệp La Hà nhà máy may Tư Nghĩa, với tổng mức đầu tư gần 140 tỷ đồng. Đến đầu năm 2013, nhà máy đi vào hoạt động với 15 dây chuyền, giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động. Trong năm công ty đã xuất bán các sản phẩm như áo veston nữ, quần âu… sang thị trường Châu Âu, Mỹ đạt doanh thu hơn 800.000 USD.  

Trước bối cảnh khó khăn, thị trường truyền thống cắt giảm lượng hàng, Ban Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Thuyên Nguyên đã  năng động tìm cách tiếp cận thị trường mới. Tuy nhiên, khi mở được cửa vào thị trường mới là Nhật, công ty buộc phải đáp ứng các điều kiện mà đối tác đưa ra như ngoài các chế độ bảo hiểm cho người lao động, đơn vị phải trích nguồn kinh phí khám sức khỏe định kỳ, trả lương và các chế độ khác cho người lao động kịp thời. Ngoài ra, chất lượng sản phẩm phải đảm bảo từ các yếu tố kỹ thuật, đến môi trường làm việc.   

Ông Trần Quốc Toản - Phó Giám đốc Công ty Thuyên Nguyên cho rằng: Những điều kiện trên rất phù hợp với phương châm của công ty. Đó là: "Có chăm sóc cho người lao động tốt thì doanh nghiệp mới hoạ̣t động bền vững và phát triển". Nhờ đó, trong năm, Công ty đã sản xuất trên 550.000 sản phẩm, tăng 150.000 sản phẩm so với năm trước, đạt doanh thu hơn 6 triệu USD, giải quyết việc làm cho 785 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 3,1 - 6 triệu đồng/người/tháng.  

 Thấy sản xuất kinh doanh hiệu quả, Công ty may Vinatex đã có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất để tiếp tục thu hút lượng lao động nông thôn. Nếu như trong năm 2013, công ty hoạt động với 15 dây chuyền thì năm 2014, công ty có kế hoạch đầu tư giai đoạn hai, cải tiến quy trình công nghệ, mở rộng 25 dây chuyền, nâng tổng số dây chuyền lên con số 40. Sau khi đi vào hoạt động giai đoạn 2, công ty có kế hoạch tuyển dụng thêm 1.000 lao động trong tỉnh.

Công ty TNHH XNK TM Thuyên Nguyên thì đang xây dựng thêm phân xưởng thứ hai trên diện tích 6.000m2, để bố trí 24 dây chuyền. Nhà xưởng này sẽ đưa vào sử dụng quý I năm 2014. Công ty sẽ tuyển dụng thêm 1.000 lao động. "Sau khi đưa vào hoạt động, năm 2014 Công ty xây dựng kế hoạch sản xuất 1 triệu sản phẩm, doanh thu khoảng  6  - 7 triệu USD", ông Toàn khẳng định.

Từ nông dân thành công nhân

Nghề may công nghiệp không đòi hỏi cầu kỳ, chỉ yêu cầu cẩn thận. Nghề này không quá khó đối với lao động nữ ở các vùng nông thôn. Vì vậy mà hàng ngàn lao động nữ “đầu quân” vào các công ty may trên địa bàn Quảng Ngãi. Tuy nhiên, hầu hết họ chưa qua đào tạo. Ngay sau tuyển dụng, các công ty đã liên kết với các trường dạy nghề trong tỉnh, đào tạo nghề cho họ trong vòng một hai tháng là có thể đưa vào dây chuyền may chính thức. Họ được trả lương từ 2,2 đến 4 triệu đồng/tháng.

Chị Phan Thị Bích Vân làm việc tại Công ty may Vinatex Tư Nghĩa, cho biết: “Ngày cận Tết, công việc rất nhiều. Mình tranh thủ làm để công ty giao hàng đúng tiến độ, đảm bảo những cam kết với khách hàng; đồng thời tăng thêm thu nhập”. Có nghề may trong tay, sau khi lập gia đình chị Vân mở tiệm may sinh sống.

Thế nhưng, vốn đầu tư quá ít ỏi nên may vá chẳng được bao nhiêu, chị đành giải nghệ đời thợ may ở xóm, định vào làm công nhân may ở TP. Hồ Chí Minh. Dự định là vậy, nhưng thấy “một cảnh hai quê” nên chị ở nhà làm ruộng cùng chồng. Nghe Công ty may Vinatex Tư Nghĩa tuyển dụng, chị Vân xin vào làm việc. Ngày đầu còn bỡ ngỡ với hình thức may dây chuyền, nhưng qua  4 tháng làm việc, chị đã may thuần thục. Mỗi tháng công ty trả cho chị 2,9 triệu đồng. Tuy đồng lương không nhiều, nhưng được gần nhà, có thu nhập ổn định, nên chị đã yên tâm làm việc.

Trong điều kiện khó khăn, nhưng các công ty may ở Quảng Ngãi đã cải tiến mẫu mã, đầu tư máy móc thiết bị và nỗ lực tìm thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy trong năm 2013 ngành may công nghiệp đã tạo được bước đột phá ngoạn mục, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, tạo thế đứng cho đơn vị và đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.