(Báo Quảng Ngãi)- Nước tưới cho vụ sản xuất đông xuân 2013 - 2014 khá dồi dào. Nhưng hiện giờ, hệ thống kênh mương và các công trình thủy lợi bị lũ tàn phá hết sức nặng nề khiến năng lực tiêu, dẫn nước về ruộng hạn chế. Và nếu không được sửa chữa, khắc phục kịp thời thì chuyện ruộng “khát” nước ngay vụ đông xuân này sẽ khó tránh khỏi…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Kênh bồi, cống vỡ, đập lở
Sau lũ, tuyến kênh N10-kênh chủ lực dẫn nước tưới cho 756 ha diện tích sản xuất lúa của hai huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa tan hoang. Hàng trăm mét bờ kênh đứt, vỡ từ đoạn K2 đến K3; phần mái bằng bê tông bị nước “lột” sạch, còn trơ đất; riêng lòng kênh thì được bồi thêm khoảng 800m3 đất, đá. Tình trạng trên khiến nhiều nông dân có ruộng nhận nước tưới từ kênh N10, nhất là với những chân ruộng nằm cuối kênh thấp thỏm âu lo.
Nỗi lo này không thừa, bởi chỉ còn một tuần nữa, nước Thạch Nham sẽ về. Nhưng với 6 điểm trên thân kênh bị lũ phá toang, mà chiều dài có điểm lên đến 27m thì lắm lúc, nước chưa kịp chảy tới ruộng đã hết dọc đường. Chưa kể tình trạng sạt lở, bồi lắng này sẽ khiến hoàng loạt cánh đồng rơi vào cảnh nơi thừa, chỗ thiếu nước.
Việc khắc phục điểm K2+600 của tuyến kênh N10 gặp khó khăn vì xe đào bị ngập trong bùn. Ảnh: MỸ HOA |
Cùng với kênh N10 thì, đập Hiền Lương - công trình vừa cung cấp nước tưới, vừa ngăn mặn cho 1.433 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp của các xã khu đông huyện Tư Nghĩa cũng bị hư hại nặng, rồi cát, bèo án ngữ ngay phần thượng lưu đập. Với lượng bèo trải dài cả một khúc sông trên diện tích 24.000m2 (tương đương khối lượng 60.000m3 bèo) cùng độ dày gần 1m thì việc vớt, khơi thông đập không phải là chuyện dễ dàng. Ông Phan Sáu - cán bộ kỹ thuật, Trạm Quản lý thủy nông số 3 Tư Nghĩa cho hay: “Bèo kết bè vừa dày vừa rộng nên việc dọn dẹp không phải ngày một ngày hai. Chưa kể hiện giờ, bèo vẫn đang tiếp tục đổ về cửa đập”.
Trong khi đó, 110ha đất sản xuất lúa được hồ chứa nước (HCN) Suối Loa, xã Ba Động (Ba Tơ) tưới cũng đang phập phồng sợ khát. Lý do, HCN này đã bị quả núi bên cạnh sạt xuống 15.000m3 đất, đá khiến toàn thân lở loét nham nhở; rồi vùng hạ lưu đập bị xói lở. Vì vậy, khi nhìn sự tan hoang của HCN Suối Loa sau lũ, ông Phạm Văn Bền ở xã Ba Động lo lắng nói: “Hồ chứa nước bị lở bờ, nước chảy ra ngoài hết rồi. Không biết còn nước cho ruộng nữa hay không !”.
Công nhân Công ty Khai thác Công trình thủy lợi đang khắc phục lại mái của tuyến kênh đã bị nước lũ lột lớp bê tông trước đó. |
Không chỉ kênh N10, đập Hiền Lương hay HCN Suối Loa mà hiện giờ, toàn tỉnh có đến hơn 134km kênh mương và 58 đập dâng, trạm bơm, kè, cống tiêu kiên cố bị sạt lở, đổ trôi và bồi lấp với gần 96.000m3 khối lượng đất và hơn 3.800m3 bê tông, đá. Tổng giá trị thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với ngành nông nghiệp ước đến 681 tỷ đồng. Riêng Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Quảng Ngãi, là đơn vị đảm nhận tưới cho hơn 20.000ha lúa vụ đông xuân 2013 - 2014 có đến 24 công trình kiên cố bị hư hỏng, 368 điểm bờ kênh bị vỡ và lòng kênh sạt lở, bồi lắng với khối lượng 63.600m3 đất, đá, bê tông. Những thiệt hại trên đã khiến “việc tưới tiêu thực sự căng thẳng ngay trong vụ đông xuân này”, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Nguyễn Lập chia sẻ.
Nội - dốc sức, ngoại - trợ lực
Các công trình thủy lợi bị thiệt hại lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, nên việc khắc phục, tái thiết sản xuất nông nghiệp không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Xác định rõ điều này, huyện Nghĩa Hành, địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong trận lũ vừa qua phải gượng dậy, bắt tay vào việc khôi phục sản xuất. Trong đó tập trung mọi nguồn lực nạo vét hơn 50.600m kênh mương bị bồi lấp, sửa sang 3 công trình thủy lợi hư hỏng, cải tạo 35,6 ha diện tích sa bồi thủy phá... Để làm được điều này, bên cạnh việc huy động hàng chục nghìn ngày, UBND huyện chủ trương kêu gọi doanh nghiệp (DN) trợ sức bằng hình thức “làm trước, trả nợ sau” nhằm đẩy nhanh tiến độ tạm thời khôi phục, đảm bảo 95% diện tích ruộng được xuống giống trong vụ sản xuất đông xuân tới.
Đập Hiền Lương bị bè bèo có khối lượng 60 nghìn mét khối án ngữ ngay phần thượng lưu. |
Tuy vậy, việc sửa chữa, khắc phục kênh mương, công trình thủy lợi hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Lượng đất, đá bồi lấp quá lớn khiến công tác vận chuyển mất rất nhiều thời gian. Máy móc vào thi công lại bị “chết” vì bùn lầy... Đơn cử như tại vị trí K2+600 - điểm sạt lở lớn nhất của tuyến kênh N10 với 27m bờ kênh bị vỡ, dù Công ty Khai thác Công trình thủy lợi đã đưa máy đào, bố trí nhân lực tập trung sửa chữa nhưng công việc phải dừng vì xe bị ngập trong... bùn!
Tại đập Hiền Lương, Công ty Khai thác Công trình thủy lợi chỉ đủ sức dọn vớt bèo, còn việc gia cố mái và đường dẫn vượt quá khả năng tài chính của đơn vị nên phải đợi. Ông Nguyễn Lập - Phó Giám đốc Công ty cho biết: Hiện giờ, Công ty chỉ có thể khôi phục tạm thời những công trình, kênh mương nhỏ và chủ lực để kịp dẫn nước tưới cho vụ đông xuân. Tuy nhiên, ở những công trình bị hư hỏng, bồi lấp quá nặng thì việc mở nước sẽ trễ. Tức là sau ngày 10.12.
Sau trận lũ vừa qua, đồng ruộng khắp nơi trong tỉnh bị biến dạng vì sa bồi thủy phá; còn kênh mương, công trình thủy lợi tan hoang. Trong khi đó, vụ sản xuất đã cận kề. Dù các địa phương đã dốc hết nội lực của mình nhưng với những thiệt hại quá lớn, họ đang rất cần sự trợ lực kịp thời từ phía Nhà nước để sớm khôi phục các công trình trở lại trạng thái hoạt động dẫn thủy bình thường của chúng.
*Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mậu Văn: “Nỗ lực thông nước từ đầu mối đến kênh mương nội đồng trước ngày 15.12.2013”. Ngày 20.12, toàn tỉnh bắt đầu xuống giống vụ sản xuất đông xuân 2013-2014. Tuy nhiên, nước tưới phải về đồng trước 5 - 10 ngày để nông dân làm đất. Muốn đảm bảo thời lịch này, các địa phương, đơn vị phải chủ động khôi phục hệ thống kênh mương, công trình thủy lợi bị hư hỏng do mưa lũ từ nguồn vốn duy tu, sửa chữa thủy lợi hằng năm. Đồng thời huy động lực lượng, ngày công xã hội chủ nghĩa để khẩn trương nạo vét, thông tuyến sớm nhất các kênh mương nội đồng. *Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Phan Bình: “Hạn chế đến mức thấp nhất việc bỏ đất trống”. Sau lũ, nhiều công trình kênh mương thủy lợi hư hỏng, đồng ruộng bị sa bồi nên một phần không nhỏ diện tích đối mặt với nguy cơ thiếu nước hoặc hoang hóa do bị thay đổi kết cấu. Do đó, với những diện tích bị phong hóa nặng, không có khả năng phục hồi, huyện chỉ đạo các địa phương khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang bắp, đậu phụng nhằm đảm bảo nguồn thu nhập. Không để xảy ra tình trạng người dân thiếu đói, tái nghèo do sản xuất bị đình trệ. *Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đức Phổ Lê Thanh Tân: “Dân cần trợ sức”. Tuyến kênh chủ lực N6 tưới cho 100ha ở xã Phổ Thuận bị lũ đánh gãy gần 200m; rồi kênh HCN Liệt Sơn - nơi cung cấp nước cho hàng loạt cánh đồng trong huyện cũng bị hư hỏng, bồi lấp. Trong khi đó, việc huy động sức dân để sửa chữa, khắc phục gặp khó khăn vì phần lớn bà con đã đuối sức trước những thiệt hại do cơn lũ gây ra. Đã thế, hơn 190 ha ruộng bị phủ cát với độ dày từ 0,2 - 0,5m nên hiện tại, nông dân phải tập trung cải tạo đồng ruộng để kịp xuống giống. *Phó trưởng Trạm Quản lý thủy nông số 3 Tư Nghĩa Bùi Văn Hoanh: “Việc sửa chữa phải kịp thời, đồng bộ để tránh thiếu nước cục bộ”. Kênh mương vỡ, nước chảy tràn lan. Còn công trình thủy lợi hỏng, kênh bồi lấp thì nước lại tắc. Vì vậy, để tránh tình trạng nơi úng, chỗ "khát", thì việc sửa chữa phải đồng bộ trên toàn tuyến. Công việc này phải đi kèm với vệ sinh, phát dọn cỏ dại hai bên bờ và lòng kênh để giúp nước lưu thông thuận lợi. Việc khắc phục hư hỏng trước mắt là tạm thời. Nhưng về lâu dài, công trình thủy lợi, kênh mương cần được tu sửa kiên cố, đảm bảo an toàn và hiệu quả tưới tiêu. |
Bài, ảnh: MỸ HOA