Vụ đông xuân 2013 - 2014: Cần chủ động phòng trừ dịch bệnh

01:12, 23/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Căn cứ lịch thời vụ, cơ cấu giống, tình hình sinh vật gây hại hiện nay và trong những vụ đông xuân gần đây, ngoài chuột là đối tượng gây hại thường xuyên và có chiều hướng ngày càng gia tăng, còn có nhiều loại sinh vật khác gây hại cây trồng. Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi đã dự báo một số loại sâu bệnh gây hại chính trong vụ đông xuân 2013- 2014.

TIN LIÊN QUAN

Sâu năn gây hại cục bộ, nặng nhất là trà lúa đông xuân sạ cực sớm trong tháng 10.2013 và đặc biệt hại nặng những chân ruộng trũng sạ muộn sau ngày 20.1.2014. Trong vụ, sâu năn xuất hiện gây hại nhiều đợt nhưng chỉ có 3 đợt gây hại chính. Đợt 1, muỗi năn ra rộ từ ngày 5 - 20.11.2013. Sâu non nở gây hại cục bộ trà lúa chân cao sạ cưỡng đang giai đoạn đẻ nhánh. Đợt 2, muỗi năn ra rộ từ 20 - 30.1.2014. Sâu non nở gây hại nặng chân ruộng trũng sạ muộn đang giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái. Đợt 3, muỗi năn ra rộ từ sau 15.2.2014 đến đầu tháng 3.2014 và thường có lứa gối vào giữa tháng 3.2014. Sâu non nở gây hại nặng chân ruộng trũng sạ muộn đang giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái.

 

 Nông dân Mộ Đức chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh gây hại ớt.
Nông dân Mộ Đức chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh gây hại ớt.


Sâu cuốn lá nhỏ trong vụ phát sinh gây hại 3 đợt chính. Đợt 1, bướm rộ từ 20.12.2013 đến 5.1.2014. Sâu non nở gây hại cục bộ lúa đông xuân sạ sớm đang đẻ nhánh. Đợt 2, bướm rộ từ cuối tháng 1.2014 đến giữa tháng 2.2014. Sâu non nở gây hại phổ biến lúa đông xuân chính vụ đang đẻ nhánh - đứng cái. Đợt 3, bướm rộ từ đầu đến giữa tháng 3.2014, sâu non nở gây trắng lá đòng lúa đông xuân chính vụ và trà lúa đông xuân sạ muộn đang làm đòng.

Rầy nâu - rầy lưng trắng, là đối tượng gây hại phổ biến trên các giống lúa nhiễm rầy. Ngoài tác hại trực tiếp gây cháy lúa, thì rầy là môi giới truyền virus gây bệnh lùn sọc đen và bệnh vàng lùn,  lùn xoắn lá. Trong vụ, rầy xuất hiện gây hại ở 2 cao điểm chính. Cao điểm 1, từ giữa đến cuối tháng 2.2014, rầy phát sinh gây hại cục bộ trà lúa sớm làm đòng - trổ bông và tích lũy nguồn gây hại cho lứa sau. Cao điểm 2, từ giữa đến cuối tháng 3.2014 gây hại lúa đại trà đang đòng - trổ bông.

 Sâu đục thân bướm 2 chấm, trong vụ có một lứa sâu chính xuất hiện gây hại lúa đông xuân. Bướm sẽ ra rộ từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4.2014. Sâu non nở gây bông bạc trà lúa muộn trổ từ đầu tháng 4.2014 trở về sau.

Bệnh lùn sọc đen hại lúa phát sinh gây hại trên tất cả các trà lúa vụ đông xuân, thường gây hại giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ, nhưng biểu hiện rõ bệnh khi cây lúa giai đoạn làm đòng, trổ bông. Đây là bệnh rất nguy hiểm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng lúa.

 Bệnh đạo ôn, là đối tượng nguy hiểm gây hại trên các giống nhiễm như  KD đột biến, ML48, HT1, VN121, nếp... Trong vụ có 2 cao điểm bệnh gây hại chính. Cao điểm 1, bệnh phát sinh từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2.2014, gây hại cổ bông trà lúa sạ sớm đang trổ và gây cháy lá trà lúa đông xuân chính vụ đang đẻ nhánh - đứng cái. Cao điểm 2, gây hại từ đầu tháng 3 đến đầu tháng 4.2014, gây hại nặng lá đòng và cổ bông trên các giống nhiễm bệnh đang giai đoạn trổ bông.

Ngoài ra, tùy từng địa phương mà có các đối tượng sâu bệnh đặc thù như dòi đục nõn, bọ xít đen, tuyến trùng rễ, bọ trĩ, sâu phao, sâu keo, bọ xít dài, sâu cắn gié, bệnh hoa cúc...  phát sinh gây hại cục bộ các trà lúa đông xuân.

Trên cây rau màu có sâu khoang, sâu xám phát sinh gây hại các loại rau màu, nhất là các loại rau ăn lá giai đoạn phát triển thân, lá từ ngày 1.1.2014 trở về sau. Sâu tơ, bọ nhảy, bọ phấn phát sinh gây hại phổ biến trên các loại cải và các loại rau màu như ớt, cà, dưa. Bệnh gây hại nặng sau ngày 1.1.2014 trở đi. Càng về cuối vụ sâu gây hại càng nặng. Sâu đục thân ngô, sâu đục quả đậu phát sinh gây hại từ giữa tháng 2.2014 trở đi, càng về cuối vụ sâu tích lũy và gây hại càng lớn...

Nhằm hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra đối với cây trồng trong sản xuất vụ đông xuân 2013 - 2014, Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi khuyến cáo các địa phương cần vận động nông dân thực hiện tốt một số giải pháp kỹ thuật chủ yếu như:

Cày vùi gốc rạ, lúa chét trước khi gieo sạ ít nhất 10 - 15 ngày để cắt nguồn ký chủ phụ của sâu bệnh, đặc biệt là nguồn lây bệnh lùn sọc đen, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gây hại trên đồng ruộng. Đồng thời kết hợp xử lý hạt giống bằng thuốc hóa học để tăng sức đề kháng cho cây lúa, hạn chế khả năng gây hại của bệnh ngay từ đầu vụ.

Thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ tổng hợp như làm đất kỹ, diệt trừ cỏ dại sớm, dùng giống kỹ thuật, hạn chế dùng các giống nhiễm rầy nâu, nhiễm bệnh đạo ôn để sản xuất. Gieo sạ mật độ hợp lý, đúng lịch thời vụ, bón phân đầy đủ, cân đối, kịp thời, đúng giai đoạn sinh trưởng. Thường xuyên theo dõi dự báo sâu bệnh của Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời kết hợp kiểm tra thực tế trên đồng ruộng, phát hiện sớm các đối tượng dịch hại khi còn ở diện hẹp để tổ chức phòng trừ kịp thời, hiệu quả, hạn chế khả năng lây lan của sâu bệnh ra diện rộng.      
  

                                                                                           
Bài, ảnh: Nguyễn Khâm

 


.