(Baoquangngai.vn)- Trong những ngày này, bà con nông dân các địa phương trong tỉnh đang tích cực ra đồng làm đất, nạo vét, tu sửa lại hệ thống kênh mương, khắc phục sa bồi thủy phá để xuống giống vụ mùa theo đúng lịch thời vụ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngay từ sáng sớm, trên khắp các cánh đồng, nông dân đang tất bật làm đất, dọn bờ, vận chuyển phân ra đồng để chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân. Tiếng nói, tiếng cười hoà lẫn trong tiếng máy cày chạy xình xịch xua đi không khí lạnh của ngày đông.
Tại cánh đồng thôn Gò Lá, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh), chúng tôi có dịp trò chuyện với nông dân Nguyễn Công Ba. Vụ này ông xuống giống 6 sào ruộng, do thời gian chuyển tiếp giữa vụ hè thu và đông xuân kéo dài nên lúa chét, cỏ dại phủ khắp đồng ruộng nên gia đình ông tốn rất nhiều công sức, thời gian để phát dọn, cải tạo đồng ruộng.
Rời huyện Sơn Tịnh, chúng tôi tới huyện Tư Nghĩa. Tại đây, không khí lao động sản xuất những ngày này nhộn nhịp không kém. Cánh đồng thôn Là Hà 3, xã Nghĩa Thương chỗ này người cuốc, dọn cỏ, chỗ kia người xúc cát, gánh cát, tất cả chạy đua với thời gian.
Khẩn trương dọn cát bồi lấp. |
Đứng trên thửa ruộng phủ kín cát, ông Phạm Văn Biết cho biết: “Đợt lũ vừa qua, 2 sào ruộng của gia đình tôi ngập trong cát. 10 ngày nay, cả gia đình tập trung múc cát lên xe rùa vận chuyển lên bờ để lấy đất sạ”.
Ở các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức nhiều đoạn kênh của công trình thủy lợi Thạch Nham bị tàn phá nặng nề, lòng kênh, lòng mương bị lấp kín bùn, bèo, cây cối khiến việc tưới tiêu cho mùa vụ gặp nhiều khó khăn.
Thời gian xuống giống vụ mùa cận kề nên các địa phương đã và đang huy động tất cả lực lượng để nạo vét ruộng bồi lấp, sửa chữa kênh mương bị hư hại. Trước tiên sẽ khơi thông tạm thời kênh mương để có nước gieo sạ vụ đông xuân.
Ông Trần Thiên Thanh- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa cho biết, nhiều tuyến kênh bồi lấp, sa bồi, thủy phá đã được lực lượng vũ trang, công nhân viên chức ra quân cùng giúp bà con nạo vét, khơi thông dòng chảy. Huyện đã trích kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ các xã khắc phục các tuyến kênh sạt lở bằng cơ giới, đúng ngày 20.12 sẽ đồng loạt xuống giống đại trà.
Để đảm bảo nước tưới cho 20.000 ha lúa vụ đông xuân này, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi đã khắc phục xong 24 công trình kiên cố bị hư hỏng, 368 điểm bờ kênh bị vỡ và lòng kênh bị sạt lỡ, bồi lắng với khối lượng 63.600m3 đá bê tông.
Ông Nguyễn Nhung- Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi cho biết: Công ty giao cho các trạm trực thuộc phụ trách việc thi công và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ nạo vét khối lượng đất đá bồi lấp, hàn gắn điểm vỡ, triển khai máy móc để gia cố những điểm hư hại lớn. Đến nay, công tác khắc phục hệ thống kênh mương thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn thành. Đến sáng 16.12, nước đã thả về kênh cuối cùng, tất cả đã sẵn sàng để bà con cho nước vào ruộng, tiến hành cày bừa, gieo sạ.
Một điều đáng mừng cho bà con nông dân là năm nay giá phân bón giảm giá so với cùng kỳ năm trước. Công ty Vật tư Kỹ thuật Nông lâm nghiệp của tỉnh, đã chuẩn bị trên 2.500 tấn phân đạm urê, 2.000 tấn phân NPK các loại, 3.500 tấn phân lân và giá trị trên 4 tỷ đồng thuốc bảo vệ thực vật. Công ty đã giao hàng về các đại lý, cửa hàng, điểm bán ở các địa phương trong tỉnh để phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân.
Máy cày đang hoạt động hết công suất để phục vụ bà con giống gống vụ đông xuân. |
Cùng với khắc phục sạt lở, sa bồi thủy phá, thì chuyện phân bón, giống lúa cũng khiến nhiều nông dân băn khoăn. Những vụ trước, ngoài lượng giống do các đơn vị chuyên sản xuất giống cung ứng thì còn phải tích cực huy động nguồn giống chất lượng dự trữ trong dân. Vậy nhưng năm nay, sau đợt lũ lớn, lượng giống trong dân mất sạch, do đó bà con nông dân đang rất lo lắng.
Để đáp ứng giống lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt, UBND tỉnh đã phân bổ 400 tấn giống lúa cho các địa phương để kịp thời cấp phát cho người dân. Cụ thể: Nghĩa Hành 100 tấn, Đức Phổ 78 tấn, Mộ Đức 70 tấn, Sơn Tịnh 62 tấn, Bình Sơn 20 tấn, Minh Long 8 tấn, Ba Tơ 8 tấn, Sơn Hà 6 tấn, Trà Bồng 3 tấn và TP. Quảng Ngãi 2 tấn.
Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi và các đơn vị cung ứng giống lúa, đảm bảo 40% nguồn giống lúa phục vụ cho sản xuất, các giống lúa chủ lực gồm: ĐV108, KD đột biến, Hoa ưu 109, OM 4568, ĐH99-81, ĐH815-6, SH2, Nàng Hoa 9, OM6976, HT1, PC6, TH6, QNT1, TBR-45; lúa lai Nhị ưu 838, BTE-1, TH3-3, Syn 6…
Hiện nay, nguồn giống của Trung tâm đã đưa về các địa phương 600 tấn. Nếu xảy ra tình trạng thiếu giống, Trung tâm sẽ liên kết với các đơn vị Trung ương và ngoài tỉnh để cung ứng nhu cầu của tỉnh.
Vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh gieo sạ 38.859 ha lúa, phấn đấu năng suất đạt 56,6 tạ/ha. Sở NN&PTNT khuyến cáo, tùy theo điều kiện từng vùng, mỗi địa phương nên chọn 2-3 giống chủ lực và 2-3 giống bổ sung để gieo sạ là phù hợp. Đối với những vùng sản xuất kém hiệu quả, các địa phương chuyển đổi sang trồng cây rau màu, áp dụng công thức luân canh, xen canh và cơ cấu giống trên từng đồng ruộng cho phù hợp để nâng cao năng suất.
Trước những thiệt hại lớn của ngành nông nghiệp, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa cho biết, tỉnh phải dồn hết sức thực hiện mới đảm bảo diện tích và năng suất để ổn định cuộc sống của người dân. Hiện nay, các hồ đập, công trình thủy lợi đã xuống cấp, hư hại sau lũ nên về lâu dài tỉnh cần kinh phí 100 tỷ đồng để khôi phục các công trình thủy lợi, hồ đập, kênh mương tưới, phục vụ sản xuất.
Bài, ảnh: Ái Kiều