Nông dân Sơn Hà: Dốc lực khắc phục sa bồi, thủy phá

09:12, 17/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chưa trận lũ nào lại tàn phá “vựa lúa” Hải – Thủy – Kỳ - Ba của huyện Sơn Hà khủng khiếp như cơn lũ lịch sử giữa tháng 11.2013 vừa qua. Nhiều thửa ruộng sau lũ đất bồi lên cả mét. Một số  nơi lũ dữ xé ruộng thành sông. Nông dân đã đổ nhiều công sức khắc phục, nhưng lực bất tòng tâm!

TIN LIÊN QUAN

Nỗi lo trễ lịch vụ đông xuân

 Bà Đinh Thị Thanh Hường– Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết: “Vùng Hải - Thủy - Kỳ - Ba sau lũ có khoảng 500 ha ruộng bị sa bồi nặng nề. Nhiều nơi, sức người không khắc phục nổi mà chỉ có cơ giới mới có thể giải phóng lượng đất đá đang nằm dày cả mét trên mặt ruộng”.

 

Vợ chồng anh Đinh Văn Đom, thôn Cà Pía, xã Sơn Hải (Sơn Hà)  khắc phục ruộng bị sa bồi.
Vợ chồng anh Đinh Văn Đom, thôn Cà Pía, xã Sơn Hải (Sơn Hà) khắc phục ruộng bị sa bồi.


Bám theo cung đường về vùng 4 xã này của Sơn Hà, ngang qua dốc cua Tà Pía thuộc địa phận xã Sơn Hải, chúng tôi dừng xe, lội bộ xuống cánh đồng sát cống đôi Hải Hạ. Nông dân đang hối hả cuốc. Những cây gỗ to vẫn còn ngổn ngang giữa đồng. Hơn 10 ngày qua vợ chồng anh Đinh Văn Đom đã cật lực cuốc, cào đất đá, xúc đi nơi khác nhưng vẫn chưa “tìm” thấy mặt ruộng của nhà mình. Anh Đom cho biết, hơn 10 ngày rồi mà vợ chồng anh chỉ dọn được một khoảnh ruộng nhỏ bằng cái nền chuồng trâu. Đám ruộng hơn 3 sào, nếu dọn sạch thì theo anh Đom phải mất 3 – 4 tháng nữa.

Người dân cả Làng Rào, xã Sơn Thủy mấy hôm nay đều ra đồng. Chiều muộn, mưa lâm thâm nhưng chẳng ai chịu về. Không có tiếng râm ran nói cười. Chỉ có tiếng cuốc bổ vào mặt đất bồm bộp. Mồ hôi trộn lẫn với vùn non bám lên mặt mũi, áo quần người nông dân cần cù, chất phác. Họ đang cật lực cải tạo đồng ruộng nhưng chưa chắc đã kịp xuống giống đúng lịch vụ sản xuất đông xuân 2013 - 2014. Nhưng sức người có hạn. Nỗi lo lỗi hẹn với mùa lúa mới hiển hiện rất rõ. Chị Đinh Thị Tiên ở thôn Tà Cơm, xã Sơn Thủy, thở dài nói: “Ai cũng tập trung lo cho ruộng của mình, chẳng thể vần công được. Mỗi nhà tự làm, chưa biết đến bao giờ vùng đất sa bồi này mới trở thành ruộng được!”.

Xót lòng thủy phá

Theo ước tính, trận lũ lịch sử giữa tháng 11 vừa qua toàn huyện Sơn Hà có 1.300ha đất bị sa bồi, thủy phá. Trong đó có khoảng 300ha ruộng trồng lúa nước dọc hai bờ sông Re và sông Rin bị thủy phá nặng nề. Do lượng nước từ thượng nguồn đổ về rất mạnh nên nhiều diện tích ruộng bị cày sâu tới cả mét, không có khả năng khắc phục, cải tạo trở lại.

Chúng tôi về vùng bị sa bồi, thủy phá nặng nhất Sơn Hà đúng dịp UBND huyện tổ chức cấp phát lúa giống cho nông dân vùng lũ. Không ít nông dân có suất lúa giống mà không đến nhận. Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Kỳ Đinh Xuân Bắc cho biết: Một số hộ chưa cải tạo ruộng xong, còn nhiều hộ thì ruộng bị thủy phá hết, không còn ruộng nên không nhận giống. Đó là thực trạng không chỉ ở xã Sơn Kỳ mà còn ở nhiều xã khác dọc theo sông Giang, sông Rin, sông Re. Nhiều hộ dân ruộng sát mé sông sau lũ chỉ còn lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn ruộng của họ thì đã biến mất sau khi lũ rút. “Nhà mình có đám ruộng 420m2, đã được cấp giấy đỏ. Nước lũ vừa rồi cuốn mất hơn một nửa. Diện tích còn lại thì bị sa bồi, không thể gieo sạ được” – ông Đinh Văn Vố, thôn Xà Nay, xã Sơn Nham nói như khóc.

Điều mong muốn nhất của nông dân có ruộng bị sa bồi, thủy phá là được chính quyền quan tâm hỗ trợ đưa xe cơ giới khắc phục ruộng đồng để kịp mùa vụ. “Mất đi một mùa là nông dân đói đến nửa năm. Vì thế giúp dân sửa sang, cải tạo đồng ruộng, kịp gieo sạ là đặc biệt cần thiết” – già làng Đinh Văn Kênh, thôn Làng Gòn, thị trấn Di Lăng kiến nghị.
    

  Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.