(Báo Quảng Ngãi)- Cuộc sống của nhiều hộ đồng bào dân tộc Hrê ở xã Thanh An (Minh Long) gắn liền với đồng ruộng. Thế nhưng sau trận lũ lụt vừa qua, hàng chục hecta ruộng lúa nước của bà con đã bị sa bồi thủy phá. Khi thời vụ gieo sạ lúa đông xuân đang đến gần, bà con ở đây đã không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chủ động thuê xe cơ giới khôi phục lại diện tích bị sa bồi thủy phá để kịp xuống giống vụ lúa đông xuân 2013-2014.
Chúng tôi có mặt tại cánh đồng Nước Loan thuộc thôn Công Loan, xã Thanh An, nhiều người dân đang khẩn trương dọn dẹp lượng đất cát bồi lấp trên đồng ruộng. Không chỉ làm bằng thủ công mà còn có cả xe cơ giới do bà con thuê để san ủi những đám ruộng bị bồi lấp nặng. Anh Đinh Cà Ren có đám ruộng gần 2 sào bị bồi lấp nặng nên phải thuê xe cơ giới để dọn dẹp. Anh Ren cho biết: Gia đình anh phải bỏ ra một triệu đồng để thuê xe san ủi lại đám ruộng này. Còn nếu làm bằng thủ công thì phải mất từ 40 đến 50 công mới dọn xong, tính ra chi phí còn cao gấp 5 lần so với làm bằng máy. “Tính ra không có lãi, nhưng do không có ruộng thì biết làm gì nên phải cố gắng làm để có lúa ăn”, anh Ren nói.
Bà con dân tộc Hrê ở xã Thanh An sử dụng cơ giới để khôi phục lại ruộng bị sa bồi, thủy phá. |
Không riêng gì anh Ren, nhiều hộ đồng bào dân tộc Hrê ở đây cũng đã bỏ tiền ra thuê xe máy để khôi phục lại ruộng bị bồi lấp. Bởi vì nếu không làm thì không có ruộng để sản xuất, sẽ thiếu lương thực. Ông Đinh Văn Miên có đám ruộng chưa tới 100m2, nhưng do đất đá bồi lấp quá nhiều nên ông cũng phải bỏ ra tới một triệu đồng để thuê xe máy san ủi. “Mình không làm để vậy sẽ không có đất sản xuất. Bản thân gia đình phải tự lực bỏ tiền ra mà làm. Đợi Nhà nước thì biết chừng nào mới có ruộng để làm. Mình không ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước”, ông Miên bộc bạch.
Sau trận lũ lụt vừa qua, trên địa bàn xã Thanh An có hơn 10ha ruộng bị sa bồi thủy phá. Riêng diện tích bị sa bồi là gần 9ha. Nếu tính chi phí mà bà con bỏ ra để khôi phục lại diện tích này thì không biết sau bao nhiêu vụ lúa bà con ở đây mới bù đắp lại được. Song do cuộc sống gắn liền với đồng ruộng nên bà con phải đầu tư công sức, tiền bạc để có đất sản xuất lương thực. Chính nhờ sự chủ động, không trông chờ ỉ lại vào Nhà nước mà bà con dân tộc Hrê ở đây đã khôi phục được trên 90% diện tích bị sa bồi thủy phá, kịp thời đưa vào sản xuất vụ đông xuân 2013-2014.
Đại Thanh