Khôi phục đồng rau sau lũ

10:12, 10/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau lũ, nhiều vùng rau ven sông Trà Khúc, sông Vệ  tan nát. Người dân đang tập trung dọn dẹp cải tạo đất, xuống giống trở lại, chuẩn bị rau xanh phục vụ Tết.

TIN LIÊN QUAN

Tại cánh đồng thôn 6 xã Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi), ông Đặng Văn Chư, bảo: "Phải tranh thủ thôi. Sau lũ, ai cũng ra đồng dọn dẹp cải tạo đất để nhanh xuống giống ". Đợt lũ vừa qua, nhà ông Chư bị hỏng 2 sào cải ngọt, tần ơ và sú đã đến kỳ thu hoạch. Ông có dự định, sau khi thu hoạch sẽ vun đất chăm sóc sú và ớt để bán Tết. Nào ngờ, lũ về cuốn phăng đi hết. Giờ, ông tính toán làm đất trồng lại các loại rau ngắn ngày thì mới nhanh có rau bán.

 

Nông dân Tư Nghĩa khôi phục đồng rau sau lũ.
Nông dân Tư Nghĩa khôi phục đồng rau sau lũ.


 Ở cánh đồng Bầu Đình thôn Hủ Tiếu, xã Nghĩa Hà (Tư Nghĩa), ông Võ Nhựt thở dài: "Hai sào đất trồng đủ loại rau của tôi đã bị đợt lũ vừa qua cuốn đi hết. Gà, heo đều trôi. Giờ  không còn gì để bán mua giống nên mượn bà con 10 triệu đồng để làm đất, mua phân, giống, thuốc bảo vệ thực vật để trồng rau trở lại".

Chúng tôi đến cánh đồng rau Minh Hương, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) nằm phía bắc vùng hạ lưu sông Vệ. Trời đã tối mà nông dân vẫn chưa rời đồng trở về nhà. Người dọn cây ngã đổ, người cuốc đất để cho kịp gieo hạt. Ông Phạm Dũng đội 10 thôn Thế Bình phân tích: "Nắng lên rồi, đất cũng bắt đầu khô ráo. Tranh thủ làm để gieo hạt trở lại. Nhận hàng cứu trợ hoài ngại lắm. Nếu cố gắng làm, tui tin ông trời cũng không lấy hết của ai...".

Ông Dũng có 2 sào đất trồng khổ qua đã đến kỳ cho quả. Thế nhưng, ông chưa kịp hái lứa nào thì lũ đến cuốn sạch. Giờ, ông phải làm đất gieo hạt lại từ đầu. Cạnh ruộng nhà ông, hơn 6 sào đất đã trồng khổ qua của chị Nguyễn Thị Mẫn cũng bị san bằng bởi lớp bùn dày. Giàn tre, những tấm phên, lưới trồng khổ qua nằm vùi trong đống rác. Chị Mẫn nhẩm tính: "Nếu không mất trắng thế này, thì mỗi sào bình quân cũng kiếm được từ 15 - 20 triệu đồng".

Đó là số tiền mà chị  lo cái ăn cho 6 khẩu trong gia đình. Bao nhiêu năm rồi, nhờ cần mẫn làm rau, làm ruộng mà vợ chồng chị đã lo chuyện học hành cho bốn đứa con và xây dựng nhà cửa. Giờ, đồng rau thì tan hoang. Chị phải mua chịu giống, phân để trồng rau trở lại. "Chi cho việc xuống giống cũng mất khoảng 6 triệu đồng/sào. Trong lúc khó khăn nên chỉ trồng phân nửa thôi. Khi nào có tiền sẽ trồng thêm" - chị Mẫn quyết định vậy.

Cùng cảnh ngộ như chị Mẫn, chị Lê Thị Nguyên rớm nước mắt: "Có lũ nào ghê gớm thế này đâu. Làm rau mấy mươi năm rồi, chưa có năm nào thiệt hại kiểu này. Gần 4 sào khổ qua, theo nước ra sông, 1,5 sào dưa chuẩn bị bán Tết cũng bứt gốc mà trôi đi sạch. Biết gầy dựng cách nào đây. Nhà nông sống nhờ đất, nhờ đồng, gia súc, gia cầm. Giờ, trôi đi hết... Thấy bà con ra đồng tôi cũng theo ra, mà không cách gì làm nổi".

Dọc dài ven sông Vệ thuộc các thôn Thế Bình, Hải Mộc, Đồng Viên xã Nghĩa Hiệp đất bồi phù sa. Bao đời nay, bên cạnh làm ruộng, bà con tận dụng đất bồi này để trồng rau sinh sống. Do ở xa chợ, nên họ chọn loại rau dài ngày, như khổ qua, ớt, cà, bí đao... Bởi các loại rau dài ngày vừa cho thu nhập cao, vừa hái được nhiều đợt, chở đi xa an toàn, ít dập nát. Nhưng loại cho thu nhập cao thì vốn nhiều. Năm nay, bà con đổ vốn lớn mà nhà nhà đều thất thu.  Ông Lê Văn Tấn - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp cho hay: "Xã chưa thống kê đầy đủ, nhưng nhìn các cánh đồng rau Thế Bình, Hải Mộc, Đồng Viên thiệt hại quá lớn. Giờ, chỉ còn cách động viên bà con cố gắng ra đồng làm đất trồng rau màu trở lại".

Nhìn cảnh tất bật trên những cánh đồng có thể thấy, người trồng rau đang cố gắng khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất, để có cái ăn và chuẩn bị cho Tết Giáp Ngọ  sắp đến.

Bài, ảnh: MAI HẠ  

 


.