Dọn đồng, vào vụ mới

09:12, 16/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trận lũ giữa tháng 11 vừa qua đã làm cho nhiều cánh đồng ngập chìm trong cát và đá. Thế nên, dù còn đến 2 tuần nữa việc gieo sạ mới chính thức bắt đầu, nhưng hiện giờ, đồng ruộng khắp nơi đã xuất hiện bóng dáng nông dân lẫn máy làm đất.

TIN LIÊN QUAN

Tập trung dọn đồng

Tay trần, áo tơi nón lá nhưng ông Nguyễn Văn Đồng ở thôn Tân Tự, xã Phổ Minh (Đức Phổ) vẫn hì hục nhổ từng vạt cỏ dày, rồi tiện tay vặt luôn trứng lẫn ốc bươu vàng  giữa tiết trời lạnh buốt. Ông Đồng bảo, sau mỗi trận lũ lớn, cỏ thường chết mục. Nhưng chẳng hiểu sao năm nay, nước dâng đến tận nóc nhà mà cỏ dại vẫn cứ sống. Vậy nên, thay vì chỉ cày đất phơi ải như mọi lần, giờ thì ông Đồng lại phải mất thêm công để dọn đám cỏ phủ dày mặt ruộng. Ông Đồng không dùng thuốc diệt cỏ vì cho rằng, ruộng vẫn còn nước, nếu phun thuốc, cỏ không chết mà còn khiến nước bị nhiễm thuốc hại da người khi làm đất gieo sạ. Tuy nhiên, điều khiến lão nông này bực mình nhất là phải nhặt ốc bươu vàng. Vì lẽ ra, việc này do vịt "thu dọn". Nhưng sau lũ, vịt  chẳng còn nên ông phải vừa nhổ cỏ vừa bắt ốc.  

 

Chính quyền và nhân dân xã Đức Phú huy động máy móc sửa chữa đập dâng Bà Đáy để kịp dẫn nước tưới tiêu.
Chính quyền và nhân dân xã Đức Phú huy động máy móc sửa chữa đập dâng Bà Đáy để kịp dẫn nước tưới tiêu.


Trong khi đó, bà Trần Thị Lá ở thôn Phước Thuận, xã Đức Phú (Mộ Đức) thì lại sốt ruột khi ruộng bên đã chuẩn bị xuống giống, còn của mình vẫn đầy cỏ dại và máy cũng chưa đến băm đất. Chẳng thế mà dù mưa lạnh, bà vẫn hì hục cắt cỏ, đắp bờ những mong đuổi kịp tiến độ làm đất, gieo sạ. Lý giải sự khẩn trương này, bà Lá bảo rằng: “Phải sạ sớm chứ không là vụ hè thu thiếu nước, phải đóng máy bơm, tốn kém lắm”. Hóa ra, 593 ha ruộng của xã Đức Phú phụ thuộc vào các hồ chứa, đập bổi, nên vụ đông xuân này địa phương được phép gieo sạ trước lịch chung của tỉnh từ 10 - 15 ngày để không phải rơi vào cảnh thiếu nước trong vụ hè thu tới.

Còn ở huyện miền núi Minh Long, nông dân nơi đây cũng tất tả ra đồng nhặt đá, đưa đất cát ra khỏi ruộng, mong có thể sạ được. Lý do là sau trận lũ hồi giữa tháng 11 vừa qua, toàn huyện có đến 139 ha đất canh tác bị sa bồi thủy phá. Vì thế sau khi lũ qua, bà con nơi đây suốt ngày bám đồng làm sạch mặt ruộng. Nhưng nói như anh Đinh Văn Ty ở xã Thanh An thì: “Không biết ruộng này có làm lúa kịp không. Vợ chồng mình đã dọn nhiều ngày rồi mà đất đá vẫn còn đầy ra đó”.


Không riêng gì các địa phương trên, mà hiện giờ nông dân trong tỉnh, nhất là bà con vùng lũ đã tập trung sức lực dọn dẹp đồng ruộng, chuẩn bị bước vào vụ mới.

 Tiếp sức nông dân

Đập dâng Bắc Cây Da ở thôn Phước Lộc, xã Đức Phú (Mộ Đức) bị hư hỏng nặng khiến nhiều diện tích quanh nó cũng chìm sâu trong cát cả nửa mét. Rồi đập dâng Bà Đáy cũng trôi theo dòng lũ nên nông dân ai cũng thấp thỏm âu lo. Thế nhưng, thay vì đợi sự trợ giúp của cấp trên, chính quyền địa phương và người dân nơi đây đã hợp sức sửa chữa. Chỗ hỏng nhẹ thì bà con đóng cọc tre tạo bờ ngăn; rồi thay nhau gánh đất, đá để khơi thông lòng kênh. Còn những điểm hư hỏng nặng thì xã thuê máy xúc mở bờ, nạo kênh để kịp dẫn nước. Sự hợp sức này đã cứu gần như toàn bộ diện tích ruộng của xã Đức Phú  thoát khỏi tình trạng thiếu nước hoặc hoang hóa (chỉ trừ 5 ha bị  bồi quá nặng nên phải đợi đến vụ hè thu).

Ngoài ra, để chia sẻ khó khăn với nông dân, các HTX NN cũng đã hợp đồng với Trạm Giống cây trồng Đức Hiệp bán giống trợ cước cho bà con. Bởi theo ông Nguyễn Xuân Tươi - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước Lộc thì: “Nhiều hộ đã khánh kiệt tài sản lẫn sức lực do trận lũ vừa rồi. Nếu không được trợ giúp, họ sẽ khó gượng dậy nổi”.

Chia sẻ khó khăn với nông dân trước mùa vụ mới, Sở NN&PTNT đã làm việc với các đơn vị sản xuất kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh, đề nghị ứng trước 400 tấn giống. Đồng thời sẽ khẩn trương phân bổ lượng giống này về các địa phương trước ngày 10.12, giúp nông dân kịp gieo sạ vụ đông xuân. “Ngành quyết tâm không để bất kỳ diện tích ruộng nào phải bỏ hoang vì thiếu giống”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Minh Hường khẳng định.

Cùng với người dân và chính quyền các địa phương, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi cũng đã tích cực khắc phục các công trình thủy lợi, kênh mương bị hư hỏng, đảm bảo nước Thạch Nham được mở vào đúng ngày 4.12. Điều này giúp nông dân trong tỉnh vơi bớt nỗi lo đất hoang, ruộng “khát” do sự tàn phá của cơn lũ vừa qua.  


Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.