(Báo Quảng Ngãi)- Trong sản xuất nông nghiệp, đối với cây lúa, chuột là đối tượng gây hại thường xuyên và có xu hướng ngày càng gia tăng. Như năm 2013, trên địa bàn Quảng Ngãi chuột đã gây hại 6.082ha, tăng hơn 2.155ha so với năm 2012.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chuột gây hại ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh, nặng nhất là các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức và TP. Quảng Ngãi. Sở dĩ chuột gây hại trên diện rộng như vậy là do phong trào diệt chuột ở một số địa phương ít được chú trọng và chưa thực hiện thường xuyên. Do đó chuột có điều kiện sinh sôi và tăng nguồn gây hại ra diện rộng trên đồng ruộng.
Nông dân Sơn Tịnh ra quân diệt chuột ngay từ đầu vụ đông xuân 2013-2014. |
Trước tình hình đó, năm 2013, Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi đã chủ động phối hợp với một số địa phương trong tỉnh, tổ chức mô hình trình diễn phòng trừ diệt chuột bằng bả sinh học, với diện tích thực hiện 130 ha, có hơn 1.200 nông dân tham gia. Kết quả cho thấy, ruộng mô hình tỷ lệ chuột gây hại bình quân 5,5%, còn ruộng làm theo tập quán của nông dân chuột gây hại bình quân tới 19,2%. Lợi nhuận đem lại từ mô hình bình quân gần 3,6 triệu đồng/ha. Trong năm 2013, các địa phương đã mua và cấp cho bà con nông dân 14.067kg bả sinh học để diệt chuột (chưa kể lượng bả do nông dân tự mua về sử dụng). Qua đó nâng tổng số chuột bị diệt trong năm 2013 lên đến 233.287 con, góp phần hạn chế thiệt hại do chuột gây ra cho cây lúa và hoa màu.
Trong vụ đông xuân này, căn cứ lịch thời vụ, cơ cấu giống, tình hình sinh vật gây hại hiện nay và trong những vụ đông xuân gần đây, Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi dự báo: Trên cây lúa chuột gây hại liên tục trong suốt vụ, trong đó có 2 đợt cao điểm gây hại chính cần chú ý. Đó là từ đầu vụ đến thượng tuần tháng 1.2014, chuột hại lúa mới sạ và lúa đông xuân sớm đang đẻ nhánh. Đây là nguồn tích lũy quan trọng để chuột phát sinh gây hại các vụ lúa trong năm. Đợt cao điểm thứ 2 là từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3.2014, chuột gây hại lúa đông xuân đang trong giai đoạn làm đòng. Đây là cao điểm chuột gây hại trên diện rộng làm ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng.
Nhằm hạn chế thiệt hại do chuột gây ra đối với vụ sản xuất đông xuân 2013-2014, các địa phương trong tỉnh cần phát động phong trào toàn dân ra quân diệt chuột ngay từ đầu vụ bằng biện pháp thủ công kết hợp với dùng bả sinh học, nhằm hạn chế chuột tích lũy nguồn gây hại về sau. Đồng thời, các địa phương cần duy trì phong trào diệt chuột liên tục bằng nhiều hình thức trong nhân dân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra đối với sản xuất.
Bài, ảnh: Nguyễn Khâm