Bình Hòa: Ruộng bỏ hoang vì ngập úng

02:12, 21/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tám năm qua, tuyến mương Bầu Đơn đi Cầu Ván, xã Bình Hòa (Bình Sơn) bị bồi lấp, gây ngập úng khiến 21 ha đất lúa của nông dân ở xóm Tri Hoà và Ngọc Hương không thể sản xuất, phải bỏ hoang.

TIN LIÊN QUAN

Anh Nguyễn Phước Lưu,  ở xóm Tri Hoà, thôn 4 chỉ tay về cánh đồng Bầu Lác, nơi có gần 2 sào ruộng của gia đình với vẻ tiếc nuối bảo, trước đây cánh đồng này là vùng sản xuất lúa tốt tươi, vụ nào cũng được mùa nên được mệnh danh là “vựa lúa” Tri Hoà. Thế nhưng từ năm 2006 đến nay tuyến mương Bầu Đơn đi Cầu Ván dần dần bồi lấp, mỗi ngày một nhiều dẫn đến mương cao hơn ruộng, khiến năm nào cũng gây ngập úng. Trước kia mương chảy được thì qua tháng chạp là gieo sạ, còn mấy năm nay tháng 3, tháng 4 nước mới cạn, nếu gieo sạ thì bị khô hạn.

 

Anh Nguyễn Phước Lưu nuối tiếc trước đồng ruộng bỏ hoang vì ngập úng.
Anh Nguyễn Phước Lưu nuối tiếc trước đồng ruộng bỏ hoang vì ngập úng.


Ông Huỳnh Thạnh - một nông dân cùng ở xóm Tri Hoà   cho biết thêm: Ruộng luôn bị ngập úng, nếu đợi ra giêng nước rút thì có thể sạ song cũng như chơi trò may rủi mà thôi. Vì chỉ cần một trận mưa vài tiếng đồng hồ thì ruộng đã đầy nước, bởi đây là tuyến  mương thoát nước chung của toàn xã. Sống bằng nghề nông, ruộng đồng là điểm tựa để nuôi sống gia đình nên ông không chịu được cảnh bỏ hoang đất đai. Thế nên đến vụ sản xuất ông huy động cả gia đình tham gia dọn cỏ, cùng nhau tát nước để gieo sạ. Nhưng rồi có năm sạ được có năm không; có vụ phải sạ đi sạ lại 3 đến 4 lần,  tính ra phải bù lỗ tiền công, tiền giống.

Ông Phan Nuôi -  Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa cho biết: Ở địa phương có dòng nước chảy ngược, từ tuyến mương dài 5km này đến suối Bầu Giông, xã Bình Thanh Tây, sau đó chảy ngược lại xóm Hoà Hải xã Bình Hải rồi mới đổ ra biển. Tuyến mương có từ lâu đời, trước đây địa phương thường huy động nhân dân ra quân nạo vét để tiêu nước khỏi ngâp úng ở các cánh đồng Ổ Gà, Lỗ Gáo, Cầu Đồng Dâu, Rộc Vừng Trảng Sanh. Thế nhưng, 8 năm qua tuyến mương này đã bị bồi lấp gây cản trở việc tiêu nước cho các cánh đồng,  nên mùa mưa gây ngập úng cục bộ trên diện tích 21 ha. Còn vụ hè thu thì sạ được nhưng nước Thạch Nham chảy không tới nên cũng không thể sản xuất.

Tại các xứ đồng nói trên nông dân địa phương không còn mặn mà trong việc sản xuất nữa vì mùa mưa thường xuyên bị ngập úng cục bộ, mùa nắng thiếu nước tưới nên đa phần đã bị cỏ dại phủ đầy.  Không những thế, vào mùa mưa do tuyến mương này không tiêu thoát nước được nên gây ngập úng luôn cả các tuyến đường và nhà dân. Thậm chí con em phải nghỉ học vì nước ngập đường, nếu muốn đến trường phải có cha mẹ dẫn dắt. Thêm vào đó  khi nước lũ vừa rút thì nhân dân nơi đây phải sống chung với cảnh ô nhiễm môi trường, các loại rác thải, xác súc vật chết đổ về tràn ngập các cánh đồng bốc mùi hôi thối, khó chịu.

Ông Phan Nuôi cho biết thêm, địa phương đã nhiều lần  kiến nghị với huyện đề nghị hỗ trợ kinh phí thuê cơ giới nạo vét, tu sửa tuyến mương, chứ huy động công của nhân dân thì không xuể. Nhưng vì nguồn kinh phí quá lớn (khoảng 800 triệu đến 1 tỷ đồng) nên chưa được huyện đồng ý. Tuyến mương Bầu Đơn đi Cầu Ván bị bồi lấp, gây ngập úng không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất mà còn gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân. Vì vậy người dân mong muốn các cấp ngành quan tâm tạo điều kiện khơi thông tuyến kênh để nhân dân có ruộng sản xuất và đi lại dễ dàng trong mùa mưa.

 

Bài, ảnh: Nguyên Hương
 


.