(Báo Quảng Ngãi)- Ra khơi được ba ngày nghe tin tàu bạn gặp nạn, dù biết quay về lúc này để cứu bạn sẽ lỗ tổn, ảnh hưởng đến con đường đi biển. Nhưng tình người, tình ngư phủ đã thúc giục chàng ngư phủ trẻ Bùi Văn Phải, xã An Hải (Lý Sơn) bẻ lái quay mũi tàu đi cứu người.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chàng ngư phủ nghĩa hiệp
Trong căn nhà nhỏ bên mép biển, chàng ngư phủ trẻ Bùi Văn Phải cứ ôm đứa con gái nhỏ vào lòng khi trò chuyện cùng chúng tôi về biển cả, về đại dương và về cuộc đời sông nước. Và hình như chính cô con gái bé bỏng và đáng yêu đó là động lực lớn lao tiếp thêm niềm tin để anh hy vọng một ngày gần nhất được ra khơi.
Ngư dân Bùi Văn Phải hy vọng sớm được trở lại biển khơi. |
Đầu tháng 8.2013, sau những ngày bám trụ ở xưởng đóng tàu để sửa lại máy móc và mua đồ nghề chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới, Bùi Văn Phải cùng các thuyền viên nhổ neo ra khơi với hy vọng “lấy lại những gì đã mất”. “Tàu vừa ra đến Hoàng Sa neo lại để ổn định rồi mới bắt đầu làm thì nhận được thông tin bão số 6 đang ập đến, gió rất mạnh. Chúng tôi nổ máy cho tàu chạy tìm nơi trú ẩn thì từ bộ đàm những thông tin cầu cứu yếu ớt phát ra xen lẫn trong từng đợt gió rít phát ra từng chuỗi. Biết tàu bạn gặp nạn, chúng tôi xác định tọa độ cho tàu quay 900 đi cứu bạn. Đến nơi không thấy, quần thảo trên biển gần 3 giờ đồng hồ mới phát hiện tàu cá QNg-90153 của thuyền trưởng Mai Văn Cường, đang trôi dạt tự do trên biển. Lúc đó gió rất mạnh nên mất cả giờ đồng hồ mới tiếp cận được. Mãi đến 22 giờ đêm anh em mới buộc dây neo xong và lai dắt được tàu”-Bùi Văn Phải nhớ lại.
Ban đầu Phải cùng anh em trên tàu dự tính sẽ kéo tàu ông Cường vào một gò đá neo trú bão rồi tiếp tục đi đánh bắt, nhưng sau đó nghĩ nếu neo ở đó lỡ bão số 6 cường độ gió lớn hơn dự báo thì tàu và 15 thuyền viên sẽ gặp nguy hiểm, nên anh chấp nhận lỗ tổn gần 150 triệu đồng kéo tàu bạn về cảng Sa Kỳ an toàn. Tàu vừa cập cảng cũng là lúc bão số 6 ập vào bờ gây gió lớn, mưa vần vũ. Niềm vui thoát nạn của 15 ngư dân trên chiếc tàu chết máy và những ngư dân nghĩa hiệp trên con tàu QNg-96382TS chưa được bao lâu thì ngay sau khi bão tan, chủ nậu tìm đến lấy tàu vì số tiền Phải vay mượn để ra khơi sau ba chuyến biển vượt quá tiền xác con tàu.
“Lúc cứu tàu bạn mình cũng nghĩ đến chuyện này nhưng rồi nghĩ lại tình người quan trọng hơn, bạn thuyền còn, mình còn chứ mình sống mà nhìn 15 ngư dân gặp nạn thì có vui gì đâu, con cái, người thân họ sẽ ra sao khi trụ cột trong gia đình gặp nạn trên biển” – Phải tâm sự.
Cần trợ lực cho Phải
Những ngày đầu tháng 10, nghe tin Phải đang “nằm bờ” chúng tôi tìm đến nhà nhưng vợ Phải cho biết anh ra biển từ đêm trước. Hóa ra sức hút từ biển khơi quá lớn đã níu bước chân Phải trở lại với biển. Sáng hôm sau, chúng tôi gặp Phải khi anh vừa từ trên con tàu nhỏ cập âu thuyền An Hải. Trên khuôn mặt chàng ngư dân trẻ có gần 10 năm sống cùng đại dương xen lẫn trong nỗi buồn là niềm vui được sống cùng biển sau chuyến ra khơi dù chỉ cách bờ chừng 40 hải lý. “Hai tháng trời ở nhà chẳng có gì làm, nhớ biển quá mình xin đi bạn cho các tàu đi Hoàng Sa, Trường Sa nhưng các chủ tàu bảo đủ người rồi nên xin đi gần bờ cho đỡ nhớ. Giờ thèm đi Hoàng Sa lắm” – Phải tâm sự.
Phải cho biết, bao nhiêu năm đi biển anh cũng tích góp được gần 200 triệu đồng, nhưng giờ số tiền đó chẳng thể đóng được con tàu nào. Bởi hiện giờ, để có một con tàu thẳng tiến Hoàng Sa thì phải bỏ ra số tiền hơn 5 lần số tiền anh có nên dù thèm được ra khơi, thèm được vẫy vùng cùng đại dương nhưng chẳng được.
“Nếu có điều kiện được vay vốn Phải sẽ đóng con tàu có công suất 600CV để ra khơi. Để đóng được con tàu như vậy phải mất gần 1,5 tỷ đồng, số tiền đó quá lớn nên mấy tháng nay dù ước mơ được đóng tàu lớn vươn khơi nhưng chẳng có cách nào hết. Chắc qua mùa mưa bão này Phải xin đi bạn cho các tàu ở huyện Bình Sơn kiếm tiền để lo cho gia đình và nuôi hy vọng được trở lại Hoàng Sa bằng con tàu của mình”- Phải nói.
Trên bức tường cũ rêu phong qua năm tháng là những tấm hình, bằng khen, Huy hiệu tuổi trẻ dũng cảm, là những con ốc… gắn cả đời anh với biển. Nhưng giờ, anh đang phải chật vật tìm cách trở lại đại dương. Chia tay chúng tôi ở âu thuyền An Hải, chàng ngư phủ trẻ nhìn xa xăm về phía biển vẫy đôi tay tiễn biệt cùng lời nói với theo trong gió mặn: “Bằng mọi cách dù phải bán đi tài sản lớn nhất là căn nhà thì Phải cũng sẽ bán để được ra khơi, được bám biển...”.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC