Thành phố Quảng Ngãi: Nhiều mô hình kinh tế có triển vọng

09:10, 04/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không nhiều quỹ đất như các địa phương khác, TP. Quảng Ngãi đã chọn lọc những mô hình có  chất lượng, hiệu quả để triển khai đến nông dân. Hiện các mô hình này đã và đang tạo được sức hút.

TIN LIÊN QUAN


Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Dương-Phó Phòng Kinh tế TP.Quảng Ngãi đã liệt kê một loạt các mô hình nổi bật về hiệu quả kinh tế, như nuôi chim trĩ đỏ, vịt xiêm Pháp, nuôi gà ta an toàn sinh học, trồng hoa phong lan và nuôi gà Đông Cảo... Mỗi một mô hình triển khai đã mở ra một hướng mới trong ngành chăn nuôi, trồng trọt của người dân thành phố, góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng chất lượng cao. Điển hình là mô hình nuôi gà Đông Cảo lần đầu tiên có mặt trên địa bàn thành phố đã khẳng định được ưu thế. Mô hình này triển khai đến 5 hộ, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ 60 con.

 

Trồng hoa phong lan đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trồng hoa phong lan đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.


Tỷ lệ nuôi sống qua 4 tuần tuổi đạt đến 91%, 12 tuần tuổi lên đến 100%. Sau 6 tháng nuôi cho thấy loại gà có nguồn gốc từ tỉnh Hưng Yên đã thích nghi được với môi trường ở Quảng Ngãi. Trọng lượng đạt bình quân từ 2 kg/con đối với gà mái và 3,2 kg/con đối với gà trống. Với giá 100.000 đồng/kg, loại gà này được các nhà hàng, quán ăn ưa chuộng. Ông Dương nhẩm tính: "Ước tổng thu nhập của mô hình khoảng 76 triệu đồng, trong đó trừ chi phí khoảng 63,5 triệu đồng, số lãi khoảng 12,5 triệu đồng/5 hộ tham gia. Tuy lãi chưa cao, nhưng nếu nuôi đạt trọng lượng tối đa sẽ dùng làm thuốc trong đông y. Và nếu nuôi với số lượng nhiều và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật thì hiệu quả kinh tế rất khả quan.

Mô hình nuôi chim trĩ đỏ cũng đã có mặt tại địa bàn TP. Quảng Ngãi hơn 2 năm qua. Loại chim này vốn là động vật quý hiếm có tên trong sách Đỏ. Thịt chim trĩ được đánh giá giàu protein, vitamin, canxi, sắt, nhưng do tính chất quý hiếm, ngoại hình đẹp nên chim trĩ chủ yếu được nuôi làm cảnh. Năm 2011, TP. Quảng Ngãi đã triển khai mô hình này với 3 loại hình: Vừa nuôi chim làm cảnh, lấy thịt và nuôi sinh sản. Mô hình chọn hộ ông Đồng Rân thôn 2 xã Nghĩa Dõng đủ điều kiện để triển khai nuôi 100 con. Trong thời gian nuôi, ông Rân  nhờ cán bộ kỹ thuật Phòng Kinh tế thành phố theo dõi và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi nên đàn chim trĩ đỏ dần thích nghi và sinh trưởng, phát triển tốt.

 Sau hơn 6 tháng nuôi, ước tổng thu nhập của mô hình khoảng 58 triệu đồng, trừ chi phí 31 triệu đồng, ông Rân còn lãi gần 27 triệu đồng.  

Theo cán bộ kỹ thuật của Phòng Kinh tế thành phố Quảng Ngãi nuôi  chim trĩ đỏ, tỷ lệ sống của chim ở giai đoạn 4 tuần tuổi là 55%, từ 4 đến 12 tuần tuổi là 90%, từ 12 đến 24 tuần tuổi là 100%. Do đó, bà con muốn nuôi đạt tỷ lệ sống cao nên chọn mua chim giống giai đoạn 4 tuần tuổi trở lên. Chuồng nuôi phải được che chắn tránh gió Bắc, không để nước mưa làm chim bị ướt vì loài chim trĩ đỏ kỵ nước, nền phải trải cát khô. Chim trĩ là động vật hoang dã nên sức đề kháng cao. Tuy nhiên, để đảm bảo tỷ lệ nuôi thành công thì phải vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng định kỳ.

Các mô hình nuôi vịt xiêm Pháp, trồng hoa phong lan hay sản xuất lúa lai cũng mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt...

Ông Trần Dương - Phó Phòng Kinh tế TP. Quảng Ngãi cho rằng: "Mỗi một mô hình thành công đã mở ra một hướng mới cho người dân ở thành phố tiếp cận. Trong thời gian đến, thành phố tiếp tục mở các lớp tập huấn nhân rộng các mô hình nhằm đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi phục vụ cho tiêu dùng và cung ứng ra thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân".


Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.