Niêm yết giá tại các chợ: Chuyện không dễ

03:10, 14/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc bán hàng tại các chợ theo giá niêm yết đã có quy định. Thế nhưng, hầu hết các hộ tiểu thương và người dân vẫn không quan tâm đến điều này. Vì vậy, đi chợ phải mặc cả được xem như chuyện hiển nhiên.

TIN LIÊN QUAN

“Văn hóa” mặc cả

Tại các chợ trên địa bàn tỉnh như: Chợ Thu Lộ, Nghĩa Lộ, chợ tạm Quảng Ngãi và các chợ ở trung tâm huyện, thành phố tiểu thương chưa quan tâm việc niêm yết giá và bán theo giá đã niêm yết. Các mặt hàng bán với giá bao nhiêu do tiểu thương quyết định. Do đó, để tránh mua phải hàng bị đắt, người tiêu dùng không còn cách nào khác là phải mặc cả. Điều dễ nhận thấy là, việc trả giá các mặt hàng cũng không hề đơn giản.

 

Người tiêu dùng đang chọn mua hoa quả tại chợ Thu Lộ (TP.Quảng Ngãi).
Người tiêu dùng đang chọn mua hoa quả tại chợ Thu Lộ (TP.Quảng Ngãi).


Theo quan sát của phóng viên, ở chợ tạm Quảng Ngãi, chỉ có một số quày hàng thực hiện niêm yết giá. Nhưng giá cả ghi trên các miếng giấy dường như chỉ để cho có chứ ít có ý nghĩa đến giá trị món hàng. Bên cạnh đó, người bán lẫn người mua vẫn còn thờ ơ với quy định niêm yết giá các mặt hàng và bán theo giá niêm yết. Chị Thanh Uyên (Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi) thừa nhận: “Hầu hết các bà nội trợ đều ít khi để ý đến việc niêm yết giá tại các khu chợ, mà họ chỉ mặc cả. Mua bán có mặc cả vẫn thấy yên tâm và đỡ lo bị “hớ”. Vào các cửa hàng có niêm yết giá, thực sự nhiều khi cũng không thoải mái tâm lý lắm. Muốn bớt một vài đồng cũng khó”.

Tình trạng không niêm yết giá, nói thách, bán hàng đầy “ngẫu hứng” của tiểu thương khiến người tiêu dùng, nhất là công chức, sinh viên rất ngại đi chợ, vì sợ mua hớ, sợ bị chửi, thậm chí bị xua đuổi, “đốt vía” nếu chẳng may trả giá không vừa ý chủ hàng. Chị Trần Thị Ngọc Anh (sinh viên Trường ĐH Phạm Văn Đồng) than thở: Ði chợ bây giờ phải chịu khó tập làm quen với việc trả giá cho mỗi món hàng. Còn muốn mua được hàng ngon, giá cả phải chăng thì phải chọn lựa, trả giá. Nhiều khi gặp phải người bán khó tính thì họ lườm mắt rồi cằn nhằn, la lối, chưa kể chuyện cân thiếu, đổi hàng... “Nhưng không đi chợ thì chúng tôi đâu biết mua sắm ở đâu. Vì ở chợ mới có nhiều sản phẩm hợp với túi tiền của sinh viên”- chị Anh nói.

Kinh nghiệm của những người thường xuyên đi chợ cho biết, cứ lấy mức giá mà tiểu thương “hô” giảm đi một nửa thì may ra mua hàng mới không bị “hớ”. Và, tình trạng trả giá, mặc cả vẫn cứ tiếp diễn như một “nét văn hóa” của người dân vậy!

Khó thực hiện

Ông Trần Quang Toản - Phó Giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo 127 tỉnh, cho rằng, việc niêm yết giá đã được pháp luật quy định từ nhiều năm nay. Thực hiện quy định này cũng chính là bảo đảm quyền được cung cấp những thông tin cần thiết về hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc niêm yết giá tại các chợ trên địa bàn tỉnh rất khó thực hiện. Nguyên nhân dễ thấy nhất là hầu hết các chợ đều có quy mô nhỏ, hàng hóa giá trị không quá lớn.

“Ban Chỉ đạo 127 tỉnh đã nhiều lần thảo luận về vấn đề niêm yết giá tại các chợ. Nhưng thấy rất khó áp dụng vì nhiều người dân chỉ là đem bó rau, vài con cá hay ít hoa quả đến chợ để bán thì làm sao mà niêm yết giá. Việc định giá phần nhiều phụ thuộc vào ý thức của tiểu thương. Họ phải buôn bán sao cho hợp tình, hợp lý để còn giữ chân khách hàng nữa. Tất nhiên, việc kiểm tra, giám sát giá cả các mặt hàng thì chúng tôi vẫn phải thực hiện thường xuyên”- ông Toản chia sẻ.

Trong khi đó, các hộ tiểu thương thì có “lý lẽ” riêng của họ. Chị Thanh, một người bán hàng ở chợ Nghĩa Lộ, thẳng thắn: “Hàng tươi sống bán theo cân, theo lạng thì biết niêm yết làm sao cho chính xác được. Chưa kể, người mua còn hay có thói quen “mặc cả”, đôi khi cân tươi, cân thiếu vài gram, họ còn trả giá khác. Nói chung việc buôn bán mặt hàng này phải tùy thuộc khách quen, khách lạ và thỏa thuận “miệng”. Miễn là thuận mua vừa bán, nếu thấy đắt quá thì khách hàng cứ việc đi nơi khác mà mua!”.

Rõ ràng, việc niêm yết giá tại các chợ không hề dễ dàng. Do đó, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, các cấp, ngành cũng cần có các biện pháp sát thực. Trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức “bán đúng, bán đủ, bán theo giá niêm yết” là rất quan trọng. Hơn nữa, việc kiểm tra, giám sát, bình ổn giá cả các mặt hàng cần phải được thực hiện thường xuyên và hiệu quả.
    

Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU

 


.