Khuyến nông miền núi: Khuyến nhiều, dân hiểu ít

09:10, 02/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với mục tiêu hỗ trợ nông dân miền núi tiếp cận và hiểu rõ, hiểu sâu những kỹ thuật canh tác mới nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả sản xuất, nhưng hiện giờ, khuyến nông khu vực miền núi vẫn chưa phát huy hết tính năng của mình…

TIN LIÊN QUAN


Khuyến một đằng, làm một nẻo

Sáng 23.9, huyện miền núi Minh Long mưa như trút nước. Dù vậy nhưng tại nhà văn hóa thôn Đồng Rinh, xã Thanh An vẫn chật kín người dân đến nghe cán bộ triển khai và hướng dẫn các biện pháp chăm sóc cây trồng vật nuôi trong mùa đông. Trên bục, khuyến nông viên (KNV) rồi cán bộ hội nông dân nói về cách trồng cỏ, biện pháp thu gom, bảo quản rơm rạ và che chắn chuồng trại, kế hoạch gieo sạ vụ lúa đông xuân 2013-2014… nhưng bên dưới, bà con nông dân không mấy quan tâm. Thậm chí khi tôi hỏi anh Đinh Văn Phố về những thông tin trên, anh lắc đầu bảo: “Mình chịu. Không hiểu được”. Lý do, trâu, bò vừa được nhà anh bán hết; còn lịch gieo sạ vốn được bà con “chốt” là sau 23.10 âm lịch! Với suy nghĩ này nên nhiều năm qua, anh Phố cũng như nông dân xã Thanh An liên tục “xé” lịch để sạ trước từ 20-30 ngày.

 

Cán bộ  khuyến nông hướng dẫn cách bảo quản và sử dụng giống lúa.
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách bảo quản và sử dụng giống lúa.


 Không chỉ tự quyết định thời điểm xuống giống, bà con nơi đây còn có thói quen sử dụng lúa thịt để làm giống. Mặc dù điều này đã được các ngành chức năng giải thích, rồi đến tận nhà vận động, nhưng rồi đâu lại vào đó. Nhưng đau đầu nhất có lẽ là công thức trồng lúa do nông dân vùng cao tự sáng tạo. Đó là “cày đất, bón phân chuồng, xuống giống rồi... để đó”. Điều này có nghĩa, cây lúa phát triển hay còi cọc không phụ thuộc vào cách chăm sóc hay thời điểm, liều lượng bón phân mà là số lần… mua phân, thuốc!  


“Nguyên do vì bà con không lập được kế hoạch sản xuất”, anh Huỳnh Văn Bảy - cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Minh Long lý giải, tức là nông dân chưa tính toán, bố trí vật tư đủ phục vụ sản xuất trong toàn vụ “có đâu dùng đó”. Thế nên lắm lúc lúa nhiễm bệnh, hoặc đến giai đoạn phải “ăn” phân, thuốc nhưng phải…”nhịn” vì nông dân kẹt tiền!.

Đổi cách “khuyến”

Dù khuyến nông đã góp phần cải thiện và nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân miền núi nhưng thực tế, cái mà bà con đang biết chỉ là bề nổi, thể hiện qua thói quen canh tác “thích sao làm vậy”. Nguyên do là điểm xuất phát về trình độ canh tác của họ vốn thấp. Tuy nhiên cách thức “khuyến” của cán bộ khuyến nông còn nhiều bất cập. Từ hàng loạt mô hình trồng cây này, nuôi con kia ra đời rồi… chết yểu, đến KNV đã thiếu lại yếu chuyên môn. Thế mới có chuyện nhiều KNV không cắt nghĩa cho nông dân hiểu được tầm quan trọng của lịch thời vụ, lý do không dùng lúa thịt để sản xuất hay biện pháp giúp trâu, bò khỏe mạnh trong mùa mưa bão.

  Đã thế, một số địa phương lại xảy ra sự bất nhất giữa đơn vị chuyên môn-Trạm Khuyến nông huyện và cơ quan quản lý-Phòng NN&PTNT khi lựa chọn cách thức và đối tượng để đầu tư, trình diễn mô hình. “Phòng NN&PTNT cho rằng phải tập trung vào các loại cây con mới lạ. Trong khi đó đối tượng phổ biến nhất là cây lúa thì bà con vẫn còn mập mờ về kỹ thuật sản xuất”, một cán bộ khuyến nông cho hay.

Thiết nghĩ, để công tác khuyến nông miền núi thực sự là “cầu nối” của nông dân với phương thức sản xuất mới, đã đến lúc cần hoàn chỉnh bộ máy, đa dạng hóa dịch vụ với những nội dung, phương pháp và cơ chế thực hiện phù hợp với điều kiện canh tác của người dân miền núi.


Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.