Dịch chuyển vùng nguyên liệu mía

02:10, 12/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Do lợi thế cạnh tranh của các đối tượng cây trồng cạn như mì, bắp, đậu phụng... diện tích mía ở các huyện đồng bằng trong tỉnh ngày càng giảm. Trong nhiều năm, các huyện Đức Phổ, Bình Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức được xem là thủ phủ của cây mía, nhưng hiện nay, vùng nguyên liệu mía của tỉnh đang dần dịch chuyển về các huyện miền núi.

TIN LIÊN QUAN

“Đổi vai”

Quảng Ngãi đã từng là vùng có diện tích và sản lượng mía nằm trong tốp đầu của cả nước. Tuy nhiên, sự chuyển dịch kinh tế nông nghiệp đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất mía địa phương, đặc biệt là quy mô, hiệu quả và vùng nguyên liệu. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2001, diện tích mía của Quảng Ngãi là 7.400ha, đến năm 2002 tăng lên 9.400ha, nhưng đến năm 2010 chỉ còn lại 5.800ha. Như vậy, giai đoạn 2001- 2010, diện tích mía ở Quảng Ngãi có xu hướng giảm dần.

 

 Mía được trồng trên đất gò, đồi ở huyện Sơn Hà.
Mía được trồng trên đất gò, đồi ở huyện Sơn Hà.


Ông Cao Minh Tuấn- Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi, cho rằng: Diễn biến về diện tích trồng mía giai đoạn 2001- 2010 cho thấy, với xu thế diện tích đất chủ động nước tưới ở khu vực đồng bằng ngày càng mở rộng nhờ hệ thống thủy lợi được hoàn thiện hơn, sự cạnh tranh giữa cây trồng cạn hằng năm với cây mía xảy ra khốc liệt hơn và lợi thế so sánh sẽ nghiêng về cây trồng cạn hằng năm. Do đó, việc phục hồi và mở rộng diện tích mía khu vực đồng bằng ít có cơ hội hơn.

Trong khi cây mía dần mất vị thế ở các huyện đồng bằng thì ngược lại, các huyện miền núi đang tranh thủ “hút” cây trồng có giá trị này về với địa phương. Khu vực gò, đồi trên địa bàn tỉnh nằm trong vùng giao thoa giữa khí hậu Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nên lượng mưa phân bố tương đối đều trong năm nên rất thuận lợi để cây mía sinh trưởng và phát huy năng suất. Ông Trần Chấn Diệp- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Các huyện miền núi Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long... là vùng tiềm năng để phát triển vùng nguyên liệu mía của tỉnh trong tương lai. Hay nói cách khác, cần chuyển đổi vùng sản xuất mía từ khu vực đồng bằng lên vùng gò đồi thuộc tiểu vùng khí hậu giao thoa giữa khí hậu Nam Trung Bộ và Tây Nguyên để phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên.

Hướng đi triển vọng

Năm 2010, UBND tỉnh đã quyết định triển khai thí điểm mô hình trồng mía trên đất gò, đồi ở các huyện miền núi Ba Tơ, Sơn Hà và Minh Long. Từ 100 ha trồng thí điểm ban đầu ở huyện Ba Tơ, đến nay đã tăng lên trên 1.000 ha. Tổng kinh phí đầu tư cho dự án 35 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 3,6 tỷ đồng, còn lại vốn doanh nghiệp và người dân. Nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong  khâu làm đất, trồng và chăm sóc nên năng suất, chất lượng mía bình quân đạt 70 tấn/ha, cá biệt có một số vùng năng suất đạt trên 80 tấn/ha, chữ đường đạt 10 CCS. Sau khi trừ chi phí, người trồng mía có lãi từ 30- 35 triệu đồng/ha, cao hơn khu vực trồng đại trà từ 15- 23 triệu/ha.

Ông Tạ Công Tường- Phó Giám đốc phụ trách Nhà máy Đường Phổ Phong (Công ty CP Đường Quảng Ngãi), chia sẻ: Thuận lợi của mô hình trồng mía trên đất gò, đồi là người nông dân được trồng mía theo mối liên kết 4 nhà gồm: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.

Với những thuận lợi trên, cùng những thành công đã được khẳng định của mô hình mía trên đất gò, đồi, vùng nguyên liệu mía phục vụ công nghiệp chế biến trọng điểm của tỉnh trong những năm tới chắc chắn sẽ tập trung ở các huyện miền núi. Đây cũng là tiền đề quan trọng để người dân ở các huyện miền núi có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện và ổn định cuộc sống lâu dài.


Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU

 


.