(Baoquangngai.vn)- Các chương trình, dự án phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc ít người của Chính phủ đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của huyện miền núi Tây Trà. Tuy nhiên, đến nay Tây Trà vẫn đang là một huyện nghèo với tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 67%.
TIN LIÊN QUAN
Vẫn loay hoay "cây gì, con gì?"
Trồng cây gì vừa khai thác được tiềm năng đất đai, vừa cho thu nhập để thoát nghèo đang là bài toán khó giải với chính quyền địa phương huyện Tây Trà cũng như chính người dân. Từ nhiều năm qua, địa phương vẫn "loay hoay" tìm cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao để người dân thoát nghèo một cách bền vững. Các mô hình trồng cau, mây, cây gió bầu... lần lượt ra đời, song mới chỉ đem lại hiệu quả nửa vời, nhiều dự án, mô hình "chết yểu" giữa chừng.
Mới đây nhất, từ các chương trình hỗ trợ 135 giai đoạn 2 và nguồn vốn 30a, huyện Tây Trà cấp phát hàng ngàn gốc cây chuối mốc, chuối Đồng Nai cho người dân trồng. Là loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, dễ trồng, dễ chăm sóc nên đưa vào thử nghiệm cây chuối với hy vọng là cây xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2006 đến nay địa phương đã cấp 150 ngàn cây giống chuối mốc, chuối Đồng Nai cho người dân các xã với tổng diện tích 75 ha. Ngoài ra người dân cũng tự trồng tại vườn nhà khoảng 27 ha. Trong đó có không ít diện tích được người dân trồng ở các khu vực vùng sâu, vùng xa.
Thế nhưng khi chuối rợp bóng đồi, đến kỳ thu hoạch thì lại không biết bán cho ai, bán ở đâu? Chỉ có những hộ dân ở ven đường chính thuận lợi mới bán được giá, còn phần lớn ở các thôn bản xa giá chuối rất rẻ, mà có khi tiểu thương còn không muốn mua. Họ nói: Có cho không chúng tôi cũng đành chịu, bởi chuối là loại dễ bầm dập, trong khi đó đường sá đi lại khó khăn. Nếu thuê người vác hay khênh ra đường lớn, trung tâm xã thì tiền thuê còn nhiều hơn tiền bán.
Đầu ra của cây chuối Tây Trà đang gặp khó khăn |
Điều mà ai cũng dễ dàng nhận ra và chính quyền địa phương cũng thừa nhận đó là hiện nay hiệu quả kinh tế do cây chuối mang lại rất thấp vì đầu ra không có, tất cả đều phụ thuộc vào tiểu thương. Và một lần nữa, cũng như nhiều loại cây trồng thử nghiệm trước đây, cây chuối cũng chỉ mang lại hiệu quả bước đầu. Chính quyền địa phương và người dân lại "loay hoay" đi tìm một loại cây trồng khác phù hợp để xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Sau nhiều loại cây trồng được đưa vào trồng thử nghiệm nhưng rồi vẫn không duy trì được lâu dài. "Hiện nay, huyện xác định cây quế và cây keo là những loại cây trồng chủ lực giúp người dân giảm nghèo bởi ổn định đầu ra, dễ kinh doanh, dễ sản xuất"- ông Đỗ Minh Lâm- Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà nhận định.
Với việc xác định cây quế và cây keo là cây trồng chủ lực để xóa đói giảm nghèo, thế nhưng đặt lại câu hỏi, bao nhiêu hộ giảm nghèo được nhờ hiệu quả của những loại cây này thì lãnh đạo huyện không thể thống kê được?
Điều khiến nhiều người trăn trở là cây quế trồng thời gian khoảng 7- 10 năm mới cho thu hoạch, cây keo thì khoảng 5-7 năm, nếu như để giảm nghèo được thì phải chờ thời gian khá lâu. Trong khi đó, nếu lấy cây keo và cây quế để giảm nghèo cũng chỉ một phần, bởi người nghèo thì lấy đâu ra nhiều đất để sản xuất, thậm chí có nhiều hộ không có đất sản xuất. Hơn nữa cây quế, cây keo không phải trên địa bàn 9 xã của huyện đều phát triển được.
Cùng với việc "loay hoay" tìm cây trồng chủ lực, thì việc lựa chọn vật nuôi cũng một bài toán khó đối với vùng cao Tây Trà. Không ít dự án hỗ trợ chăn nuôi cho người nghèo đã rơi vào tình trạng "phá sản".
Điển hình như, mô hình nuôi heo rừng lai được triển khai thử nghiệm ở huyện Tây Trà từ năm 2010, với kinh phí 1,3 tỷ đồng trích từ nguồn vốn 30a. Mô hình hứa hẹn sẽ giúp đồng bào miền núi giải quyết bài toán nuôi con gì? Thế nhưng, qua hơn 1 năm triển khai, mô hình trên đã không mang lại hiệu quả. Gầm 100 con heo rừng lai thuộc mô hình thử nghiệm mắc bệnh rồi lần lượt chết, gây lãng phí rất lớn tiền đầu tư.
Theo thống kê của huyện Tây Trà, hiện trên địa bàn huyện đàn trâu có 234 con, đàn bò 4.788 con, đàn dê 490 con, đàn heo 4.800 con, đàn gia cầm 20.000 con. Tuy nhiên, những kết quả này mới là phần nổi, phần chìm là những khó khăn với nhiều bất cập trong phát triển chăn nuôi ở khu vực miền núi.
Nổi bật nhất chính là việc bà con chưa ý thức được chăn nuôi là ngành sản xuất chính. Nhiều địa phương đất rừng nhiều, lao động đông, nhưng bà con chưa tận dụng được lợi thế để phát triển chăn nuôi. Phổ biến hơn cả là tình trạng chăn nuôi theo hướng chăn thả tự nhiên; chất lượng sản phẩm chăn nuôi thấp, không chủ động được nguồn giống và nguồn thức ăn chăn nuôi...
Thực tế, với lối tư duy sản xuất, chăn nuôi như hiện nay để xác định con vật nuôi chủ lực và những mô hình chăn nuôi thật sự giúp bà con đồng bào ở vùng miền núi Tây Trà thoát nghèo một cách bền vững đang là một vấn đề khó.
Cái khó "bó" cái nghèo
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hàng loạt các chính sách ưu đãi, các chương trình, dự án được đầu tư để cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện Tây Trà đã giảm đáng kể, từ 71% (2011) xuống còn 67% (2012). Tuy số hộ nghèo có giảm, nhưng có bao nhiêu hộ thực sự thoát nghèo nhờ phát triển sản xuất, chăn nuôi? Theo thừa nhận của lãnh đạo huyện Tây Trà tại cuộc họp với Thường vụ Tỉnh ủy mới đây, thì đa số những hộ thoát nghèo chỉ là những hộ gia đình chính sách, những hộ nhận tiền đền bù từ các dự án!
Để giảm nghèo nhanh và bền vững, Phó Bí thư huyện ủy Tây Trà Nguyễn Đình Thiện nhận định, với điều kiện hiện nay, địa phương xác định con đường thoát nghèo duy nhất là sản xuất nông- lâm nghiệp. Theo thống kê, hiện Tây Trà có khoảng dưới 200 ha ruộng lúa nước; trên 33.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó trừ diện tích đất rừng phòng hộ, sông, suối, núi đá... còn lại đất sản xuất hiện nay dân canh tác được khoảng 8.000 ha.
Điều kiện địa hình, diện tích đất canh tác hạn chế ảnh hưởng lớn đến việc định hướng phát triển kinh tế của Tây Trà. |
Định hướng là vậy, nhưng cái khó hiện nay của Tây Trà chính là điều kiện địa hình khá phức tạp với nhiều núi cao, độ dốc lớn. Việc làm sao để giúp cho bà con nông dân canh tác bền vững trên những địa hình đồi núi dốc luôn là vấn đề mà chính quyền dành nhiều quan tâm.
Với khoảng 95% diện tích là đất đồi, dốc nên việc áp dụng máy móc hiện đại vào sản xuất nông, lâm nghiệp là điều không thể, chính vì vậy hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Cùng với đó, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn thì việc áp dụng những tiến bộ trong trồng trọt và chăn nuôi quả thực cũng không phải là việc làm đơn giản.
Công bằng mà nói, bên cạnh điều kiện tự nhiên, giao thông đi lại khó khăn, chính quyền địa phương lúng tùng trong việc định hướng phát triển sản xuất bền vững, thì ít nhiều tư tưởng trong chờ ỷ lại đã ăn sâu vào suy nghĩ của một bộ phận người nghèo. Việc được Đảng, Nhà nước “bao cấp” đã khiến không ít hộ ỷ lại, lười lao động. Và chuyện có đất nhưng không chịu sản xuất, trâu bò Nhà nước cấp nhưng không chịu chăm sóc để ốm yếu rồi xẻ thịt... là những chuyện không phải khó tìm.
"...Bây giờ chúng ta không còn mơ hồ là trồng cây gì, nuôi con gì nữa! Chúng ta phải xác định được đất phù hợp với loại cây gì, con gì rồi! Vấn đề là ở chỗ cách tổ chức thực hiện. Ai trồng quế được, ai trồng keo được, ai trồng chuối được, ai trồng lồ ô được, cây cao su sẽ thu hồi ở đâu? Và ai có thể góp vốn vào đó trồng được? Bây giờ chính quyền địa phương phải trả lời cho được câu hỏi đó, chứ không phải là thời điểm để hỏi nhau là trồng cây gì, nuôi con gì?..."- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Tây Trà. |
Phải khẳng định rằng, vấn đề xóa nghèo bền vững đang là một thách thức với huyện vùng cao Tây Trà và không thể tiến hành ngay trong một sớm một chiều. Vấn đề then chốt ở đây là cần phải có sự thay đổi nhận thức của bà con nhân dân, phải xóa bỏ hoàn toàn tư tưởng “xin làm hộ nghèo” để được nhận sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Bởi khi người dân không có khát vọng làm giàu, tinh thần quyết tâm học hỏi thì sự hỗ trợ, đầu tư bên ngoài cũng khó phát huy tác dụng.
"Cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của người dân, chính quyền địa phương cũng cần cải tiến cách làm, cán bộ phải xắn tay áo hướng dẫn, làm cùng nhân dân, giúp bà con tiếp cận cái mới, tận mắt nhìn thấy kết quả để tin và làm theo"- Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Điều này cũng có nghĩa phải tập để hộ nghèo tự tay cầm cái “cần câu” mà Nhà nước đã trao để câu được những “con cá” cho mình. Bởi, con đường thoát nghèo chỉ có thể rút ngắn hơn, bền vững hơn khi họ tự vươn lên bằng chính khả năng của họ dưới sự trợ lực của Nhà nước.
Triển vọng cây cao su!
Trong khi những các mô hình cây trồng khác đưa vào trồng thử nghiệm nhưng hiệu quả kinh tế không cao, chính quyền địa phương vẫn đang "loay hoay" tìm những cây trồng mới phù hợp thì mới đây việc đưa vào trồng thử nghiệm mô hình cây cao su trên đất Tây Trà đã mang lại kỳ vọng lớn cho địa phương. Bởi giá trị kinh tế từ cây cao su mang lại cao hơn rất nhiều lần so với các cây trồng truyền thống khác như keo, quế…
"Việc phát triển cây cao su trên địa bàn huyện Tây Trà đã được UBND tỉnh cho chủ trương từ năm 2012. Sau khi cùng các đơn vị liên quan khảo sát, đánh giá điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thì những vùng đất có độ dốc thấp khoảng 30% có thể trồng cây cao su .Vừa rồi huyện cho trồng thử 200 ha, thuộc các vùng đất dốc xã Trà Khê và Trà Phong. Theo đánh giá bước đầu cây cao su có chiều hướng phát triển được"- ông Nguyễn Đình Thiện- Phó Bí thư huyện ủy Tây Trà cho biết.
Kỳ vọng cây cao su sẽ "bén duyên" trên vùng đất đồi Tây Trà |
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng cây cao su trên đất dốc đã được khẳng định ở các tỉnh tại khu vực miền Trung, nên chính quyền địa phương đặt rất nhiều hi vọng vào việc phát triển loại cây công nghiệp dài ngày này.
"Sau khi trồng thử nghiệm, nếu thành công sẽ nhân rộng mô hình. Hiện nếu quy hoạch Tây Trà có khoảng 2.000 ha có thể trồng cao su được. Nếu trồng được 2.000 ha thì sẽ giải quyết được một số lượng rất lớn lao động tại địa phương và mô hình này có khả năng sẽ giảm nghèo được"- ông Nguyễn Đình Thiện- Phó Bí thư huyện ủy Tây Trà kỳ vọng.
Bài, ảnh: Bảo Ngọc