(Báo Quảng Ngãi)- Vụ hè thu năm nay, không ít nông dân huyện Sơn Hà rầu rĩ vì lúa bị bệnh đạo ôn và lem lép hạt tàn phá. Nhưng, nỗi buồn ấy đã vơi đi phần nào bởi những ruộng lúa lai hạt căng tròn, óng vàng dưới nắng…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Lọt thỏm giữa đồng lúa... 4 tầng đang giai đoạn trổ-đòng, những đám lúa lai giống TH3-5 nổi bật với màu vàng óng, hạt mẩy và đều tăm tắp. Quả thật nhìn lúa như thế, không ai có thể tin rằng đó là sản phẩm của bà con đồng bào dân tộc Hrê ở đồng Nước Rạc, thôn Nước Rạc, thị trấn Di Lăng.
Lý do thật đơn giản, vụ hè thu này rất ít đồng lúa giữ được màu vàng tươi óng ả của mình bởi bệnh lem lép hạt hay đạo ôn. Thậm chí nông dân ở một số địa phương nức tiếng với nghề trồng lúa cũng bị căn bệnh này “hành”. Thế nên khi mục sở thị ruộng lúa lai tại đồng Nước Rạc, tôi hoàn toàn bất ngờ về độ đồng đều của cây lúa cũng như số lượng, màu sắc hạt. Nhưng càng bất ngờ hơn khi những hộ tham gia làm quen với lúa lai không phải là người Kinh mà là bà con dân tộc Hrê.
Bà Đinh Thị Đấy vui với ruộng lúa mẩy hạt và óng vàng. |
Lý do, bởi với người dân khu vực đồng bằng, kỹ thuật sản xuất lúa đã và đang được cải tiến theo hướng “dùng giống tốt, thu gạo ngon” nên với họ, lúa lai cũng chẳng có gì xa lạ. Nhưng với đồng bào nơi đây thì khác. Lúa lai là một thứ gì đó vừa mới vừa kỳ quặc. Nhất là chuyện giống sử dụng quá ít. Bởi thông thường, lượng giống mà nông dân Nước Rạc dùng để gieo sạ phải tính bằng… ang. Thế nên khi nhận túi giống 2,5 kg cho một sào, họ tưởng cán bộ… nhầm! Đã thế, khi cây lúa được 15-20 ngày tuổi, bà con tìm gặp cán bộ Trung tâm Khuyến nông huyện để bắt đền vì sợ… mất mùa do giống ít, mạ thưa!
Phản ứng này của những hộ dân cũng không có gì khó hiểu. Bởi lâu nay, họ quen sử dụng lúa thịt để làm giống, tức là sau khi gặt xong, một phần lúa sẽ được để dành đủ để gieo sạ cho vụ sau. Tuy nhiên, do hạn chế về trình độ sản xuất nên bà con không chỉ bỏ qua việc chăm sóc mà còn gieo sạ thật dày để vừa... trừ hao mạ chết, vừa hy vọng “lúa dày nhiều hạt”! Thế nên ở Nước Rạc, năng suất lúa chỉ lẹt đẹt ở con số 42 tạ/ha. Ngay Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Sơn Hà Đinh Văn Trung cũng bảo: “Bà con dùng lúa thịt cấp... để làm giống; rồi chỉ bón cho lúa một lần phân chuồng, thì nó lấy đâu ra sức để mà đẻ nhánh kết hạt chứ”.
Ấy thế nên khi lúa lai, loại giống được xem là “con nhà giàu” lại bén rễ trên đất nghèo cả về năng lực canh tác lẫn thổ nhưỡng với năng suất 62 tạ/ha thì không chỉ người dân Nước Rạc, mà các địa phương lân cận cũng tò mò. Chẳng thế mà những ngày này, ruộng lúa giống TH3-5 liên tục đón khách đến thăm với những lời trầm trồ, thán phục. Thậm chí nhiều người còn đến gặp anh Hoáy, anh Dễ xin vài cân lúa đẹp, để dành gieo sạ vụ sau. Nhưng anh Đinh Văn Dễ giải thích rành rọt với bà con rằng: “Lúa nhiều nhưng chỉ dùng để xay gạo ăn, rồi nuôi gà, vịt chứ không làm giống được. Cán bộ bảo thế”.
Quả thật, cùng với thế mạnh là cho năng suất cao thì “dùng vụ một” cùng kỹ thuật thâm canh cao được cho là điểm yếu lớn nhất của lúa lai. Điều này đã cản trở con đường ra ruộng của lúa lai, nhất là ở khu vực miền núi. Thế nhưng, khi TH3-5 thành công ngay lần đầu “leo” núi thì, một nửa khuyết điểm trên đã được khắc phục. Đó là TH3-5 không quá “kén” thổ nhưỡng lẫn kỹ thuật. Nhờ vậy, bà con nơi đây bước đầu tiếp cận được với hai vấn đề mấu chốt trong sản xuất lúa. Đó là giảm lượng giống gieo sạ và cách chăm sóc từ một lần phân chuồng đến bón lót, bón thúc.
Tuy nhiên, để bà con đồng bào dân tộc Hrê thực sự thuần thục những kỹ thuật chăm lúa thuần lẫn lai thì không phải là chuyện một sớm một chiều. Nó cần thời gian lẫn chi phí, công đầu tư để giúp họ từng bước “đổi nếp nghĩ, thay cách làm”. Đối với giống, dù còn phải trải qua nhiều lần “sát hạch” đặc tính, nhưng với những gì TH3-5 mang lại thì, nó vẫn giúp nông dân miền núi có quyền hy vọng rằng một ngày không xa, họ sẽ xóa được tình trạng “thiếu đói giáp hạt” nhờ năng suất vượt trội của lúa lai, trong đó có TH3-5.
Bài, ảnh: MỸ HOA