Khuyến nông Tây Trà: Còn lắm gian nan

06:09, 27/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù được quan tâm nhiều nhưng do điều kiện đi lại còn khó khăn, địa bàn  rộng; đặc biệt nhận thức của người dân còn hạn chế đã khiến công tác khuyến nông ở Tây Trà còn lắm gian nan.

TIN LIÊN QUAN

Năm 2013, Trạm Khuyến nông huyện Tây Trà tiến hành triển khai 3 mô hình mới gồm: Mô hình trồng lúa nước, quy mô 0,6 ha cho năng suất 52 tạ/ha; mô hình trồng chuối Đồng Nai xen dứa (nguồn kinh phí 300 triệu đồng từ Chương trình 30a); mô hình nuôi bò kết hợp với làm chuồng, trồng cỏ. Tuy nhiên, để những mô hình này được người dân triển khai nhân rộng còn gặp nhiều khó khăn, trong đó nhận thức của người dân là “rào cản” lớn nhất.

 

Mô hình trồng chuối Đồng Nai xen dứa ở Tây Trà phát triển tốt.
Mô hình trồng chuối Đồng Nai xen dứa ở Tây Trà phát triển tốt.


Trong thời gian qua, Trạm Khuyến nông huyện, các hội đoàn thể đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động,  mở lớp hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dự trữ thức ăn cho trâu bò… nhưng do trình độ nhận thức của bà con còn hạn chế, phong tục tập quán cũ đã ăn sâu vào tiềm thức nên đã ảnh hưởng đến sự tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện cả huyện Tây Trà không có một cửa hàng bán phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật, dù thực tế trước đây  đã có một số tư nhân vận chuyển phân bón và thuốc bảo vệ thực vật lên bán nhưng rốt cuộc phân bón để chảy nước mà vẫn không có người mua nên đành dẹp bỏ.

Ông Trần Quang Đức – Trạm phó Trạm Khuyến nông huyện Tây Trà cho biết: Dù thực hiện nhiều mô hình khuyến nông nhưng cách làm mô hình khuyến nông 1lần/điểm như hiện nay là chưa thật sự hiệu quả đối với các huyện miền núi. Việc đưa mô hình trồng cây gì, nuôi con gì cho bà con không phải là chuyện một lần là xong mà phải có sự theo dõi, hướng dẫn lâu dài theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

Đó là chưa kể điều kiện sản xuất khó khăn, có nhiều bất lợi so với đồng bằng nhưng sản phẩm làm ra lại được bán với giá rẻ, trong khi giá cả đầu vào lại cao do chi phí đi lại. Có những trường hợp nông sản sản xuất ra nhiều nhưng không bán được vì ở quá xa, thương lái không tới được, khiến nhiều người chán nản. Bên cạnh đó, kinh phí khuyến nông đầu tư còn hạn chế, trong khi nội dung thực hiện còn dàn trải, một số nội dung chưa phù hợp với trình độ và điều kiện canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số.   

Để công tác khuyến nông ở Tây Trà thật sự hiệu quả, trở thành cầu nối về chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế, tăng thu nhập thì  trước hết cần phải thay đổi được nhận thức của người dân. Tuy nhiên sự thay đổi không thể trong ngày một, ngày hai mà cần một quá trình lâu dài. Đồng thời, cần phải sớm hoàn chỉnh hệ thống tổ chức bộ máy  khuyến nông và có những chính sách hỗ trợ phù hợp cho cán bộ khuyến nông xã.

Bài, ảnh: Hồng Hoa
 


.